Vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã đẩy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh lầm vào một cuộc khủng hoảng mới. Đối với các chính phủ châu Âu, điều đó gây ra đủ loại rắc rối.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai siêu cường ngày càng xấu đi, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dường như sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn từ Nhà Trắng trong việc chọn phe và hợp lực chống Trung Quốc, giống như họ từng hy vọng vào sự tan băng trong mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh.
Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn ở Ukraine trong vài tuần tới, nhưng các nhà ngoại giao EU lo ngại sự cố khinh khí cầu có thể khiến đội ngũ cố vấn của Tổng thống Joe Biden mất tập trung vào đúng thời điểm cần Mỹ hỗ trợ Kiev nhất. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: “Chúng tôi không mong đợi năm 2023 sẽ dễ dàng, nhưng đây là một khởi đầu thực sự khó khăn”. Hôm 4/2, Mỹ đã bắn hạ thứ mà họ xác định là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina bằng tên lửa không đối không từ một máy bay chiến đấu tàng hình F-22. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn vô thời hạn chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến vào tuần này, chuyến công du đầu tiên được lên kế hoạch của một quan chức nội các Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Hình ảnh về vụ bắn rơi khinh khí cầu đã được lan truyền khắp mạng xã hội dưới dạng các đoạn video kịch tính, chủ yếu được quay bởi những người xem hào hứng cổ vũ màn phô diễn sức mạnh quân sự.
Quân đội Mỹ ngày 5/2 cho biết, họ đang tìm kiếm những mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. Tướng Glen VanHerck, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ cho biết hải quân nước này đang nỗ lực tìm kiếm và thu hồi xác khinh khí cầu với sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ bờ biển. Việc tìm thấy các mảnh vỡ sẽ giúp Mỹ hiểu rõ hơn về khả năng do thám của Trung Quốc, mặc dù Washington đã giảm nhẹ tác động của khinh khí cầu đối với an ninh quốc gia.
Bắc Kinh khẳng định vật thể khổng lồ chạy bằng năng lượng mặt trời là một “khí cầu dân sự” đã bị lạc đường khi tiến hành nghiên cứu “chủ yếu là khí tượng”. Phản ứng trước việc Mỹ dùng tên lửa bắn hạ khinh khí cầu này, chính phủ Trung Quốc bày tỏ “rất không hài lòng”, đồng thời phản đối việc Mỹ sử dụng vũ lực để tấn công thiết bị bay dân sự không người lái. Bắc Kinh nói thêm rằng họ sẽ “bảo lưu quyền thực hiện các phản hồi cần thiết khác”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nhấn mạnh trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu”, đồng thời cho biết đang theo sát sao diễn biến tình hình.
Mặc dù vẫn chú trọng việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể bị phân tâm bởi các cuộc đụng độ leo thang với Bắc Kinh. Các chính trị gia cánh hữu của Mỹ đã kêu gọi chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc kể từ khi Nga xâm lược Ukraine một năm trước. Ricardo Borges de Castro, người đứng đầu Chương trình châu Âu toàn cầu tại Trung tâm Chính sách châu Âu, nhận định: “Khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gay gắt hơn, sẽ có nhiều áp lực hơn đối với châu Âu, vốn có cách tiếp cận rất đa dạng đối với Trung Quốc, trong việc chọn phe. Thực tế là, nếu thế giới ngày càng bị chi phối bởi hai cực – Mỹ và Trung Quốc, EU và châu Âu sẽ phải chọn bên chừng nào an ninh và quốc phòng của châu Âu còn phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ”.
Trong khi đó, theo các quan chức Ukraine, Nga dự kiến sẽ phát động các cuộc tấn công quy mô lớn chỉ trong vài tuần tới, khi mùa Đông khắc nghiệt nhất kết thúc. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU hôm 5/2 cho rằng “Washington sẽ bận rộn với Bắc Kinh trong một thời gian, và đây không phải là tin tốt cho EU vì Nga vẫn là mối lo ngại chính”.
Đối với châu Âu, sự cố khinh khí cầu xảy ra vào thời điểm không thích hợp khi các quan chức cấp cao chuẩn bị tái kết nối với Bắc Kinh. Đại diện Cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell được cho là đang lên kế hoạch cho chuyến công du tới Bắc Kinh vào tháng 4, khi ông lên đường tới Nhật Bản tham dự Hội nghị Ngoại trưởng nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã thông báo ý định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào đầu năm nay; và ông sẽ cân nhắc mời một quan chức hàng đầu của Ủy ban châu Âu cùng tham gia.
Một nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên cho biết căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc “đồng nghĩa nghĩa với việc chúng ta sẽ phải theo dõi sát phản ứng của Bắc Kinh và liệu những chuyến đi (đã được lên kế hoạch) này có bị coi là một thành công về mặt tuyên truyền của Trung Quốc trong việc chia rẽ các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hay không”.
Còn Reinhard Bütikofer, Chủ tịch phái đoàn của Nghị viện châu Âu về quan hệ với Trung Quốc, cho biết: “Do cuộc chiến ở Ukraine, sự phối hợp trong chính sách Trung Quốc giữa hai bờ Đại Tây Dương đang mất dần động lực. Trong khi Washington D.C. gia tăng áp lực chống Bắc Kinh, đặc biệt là trên mặt trận công nghệ và hồ sơ Đài Loan, Brussels, Berlin và Paris lại cho thấy sự do dự”.
Việc Bắc Kinh rõ ràng không quan tâm đến việc giúp phương Tây gây sức ép buộc Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh ở Ukraine càng làm phức tạp thêm vấn đề. Tệ hơn nữa, theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp hàng hóa lưỡng dụng chính cho Nga, cung cấp công nghệ mà quân đội Moskva cần để tiếp tục cuộc xâm lược của họ. Theo báo này, các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã chuyển thiết bị định vị, công nghệ phá sóng và các bộ phận của máy bay chiến đấu cho các công ty quốc phòng thuộc sở hữu của chính phủ Nga.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh không hỗ trợ quân sự cho Moskva. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, đã hủy kế hoạch tới Brussels mặc dù ông sẽ tới Đức dự Hội nghị An ninh Munich trong tháng này.
Phản ứng của châu Âu đối với sự cố khinh khí cầu khá im ắng. EU chỉ tuyên bố Mỹ có quyền bảo vệ không phận của mình. Người phát ngôn của EU nói: “Bảo vệ không phận là vấn đề an ninh quốc gia và do đó là thẩm quyền, trách nhiệm và đặc quyền” của một hoặc các quốc gia có liên quan. Rất ít quốc gia châu Âu công khai ủng hộ quyết định của chính quyền Biden, qua đó cho thấy họ không muốn chọc giận Bắc Kinh. Một trong những trường hợp ngoại lệ là Estonia, khi Ngoại trưởng Urmas Reinsalu dẫn tin của BBC về vụ bắn rơi khinh khí cầu và tuyên bố: “Tôi ủng hộ hành động của Mỹ để bảo vệ chủ quyền của họ. Tôi hoàn toàn lên án những hành động khiêu khích gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ”. Các đồng minh khác của Mỹ đã không ngại lên tiếng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố trên Twitter: “Canada ủng hộ mạnh mẽ hành động này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác … về an ninh và quốc phòng”. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đang ở thăm Washington nói: “Tôi hoàn toàn hiểu quyết định hoãn chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken và tôi nghĩ rằng Trung Quốc nên sớm đưa ra lời giải thích một cách chân thành về những gì đã xảy ra”. Tom Tugendhat, Bộ trưởng An ninh Anh và là người lâu nay vẫn hoài nghi Bắc Kinh, kêu gọi chú ý đến các hình thức đe dọa khác của Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại của EU trong năm 2023 có thể được xác định tùy thuộc vào điều kiện nào sẽ “biến mất” trước: chính sách do dự của châu Âu đối với Trung Quốc, hay mong muốn của Mỹ cung cấp chiếc ô phòng thủ cho châu Âu.
D.T.T