Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoãn chuyến công du tới Bắc Kinh, Quyết định này được đưa ra vài giờ sau khi chính phủ Trung Quốc xác nhận khinh khí cầu khổng lồ thuộc về họ, đồng thời khẳng định đó chỉ là một “khí cầu dân sự” được sử dụng để nghiên cứu thời tiết đã vô tình bay vào không phận Mỹ.
Theo một quan chức quân sự Mỹ cấp cao, khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ bằng một quả tên lửa không đối không AIM-9X vào chiều 4/2, đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi cách bờ biển bang Nam Carolina khoảng 6 hải lý. Theo quan chức trên, khinh khí cầu đã tiến vào vùng nhận diện phòng không của Mỹ từ hôm 28/1 và bay sang Canada hôm 30/1 trước khi quay trở lại không phận Mỹ hôm 31/1 vừa qua. Khinh khí cầu này không phải làm nhiệm vụ nghiên cứu khí tượng như phía Trung Quốc tuyên bố mà thực chất là làm nhiệm vụ do thám các mục tiêu quân sự nhạy cảm của Mỹ. Đây là một phần của phi đội khinh khí cầu Trung Quốc đã tiến hành hoạt động do thám trên không phận 5 châu lục. Hiện quân đội Mỹ đang tìm cách trục vớt hàng hóa, thiết bị trên khinh khí cầu bị bắn rơi, đồng thời tiến hành các biện pháp đề phòng nhằm giảm thiểu nguy cơ bị lọt lộ bí mật khi nó bay qua các mục tiêu quân sự nhạy cảm.
Cùng ngày, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu ngừng hoạt động 3 sân bay và đóng cửa không phận các khu vực thuộc 2 bang Bắc Carolina và Nam Carolina, những nơi cuối cùng quan sát được khinh khí cầu của Trung Quốc trước khi vật thể này bay ra biển.
Quyết định hủy chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken đã được lên kế hoạch từ lâu cho thấy Nhà Trắng nhìn nhận vụ việc này rất nghiêm túc, cho dù chính phủ Trung Quốc đã công khai nhận lỗi. Theo một quan chức Mỹ, ông Blinken không muốn làm tình hình trở nên quá mức bằng cách hủy bỏ chuyến thăm của mình, nhưng cũng không muốn sự kiện khinh khí cầu chi phối các cuộc họp của ông với các quan chức Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh khẳng định vật thể khổng lồ chạy bằng năng lượng mặt trời là một “khí cầu dân sự” đã bị lạc đường khi tiến hành nghiên cứu “chủ yếu là khí tượng”. Phản ứng trước việc Mỹ dùng tên lửa bắn hạ khinh khí cầu này, chính phủ Trung Quốc bày tỏ “rất không hài lòng”, đồng thời phản đối việc Mỹ sử dụng vũ lực để tấn công thiết bị bay dân sự không người lái. Bắc Kinh nói thêm rằng họ sẽ “bảo lưu quyền thực hiện các phản hồi cần thiết khác”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nhấn mạnh trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu”, đồng thời cho biết đang theo sát sao diễn biến tình hình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì khẳng định các tin tức trước đó về chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken vào ngày 5 và 6/2 đều đến từ phía Mỹ, Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận thông tin này, đồng thời cáo buộc một số chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh.
Theo Tân Hoa xã, trong một cuộc điệm đàm sau đó với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, ông Vương Nghị – Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington cần tập trung duy trì liên lạc kịp thời, tránh đánh giá sai và xử lý các khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ. Ông Vương Nghị nêu rõ: “Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm và luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế. Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ suy đoán và sự thổi phồng vô căn cứ nào”.
Giới truyền thông quốc tế cho rằng sự kiện này đã đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống mức thấp chưa từng có và làm mất đi cơ hội tan băng giữa 2 nước.
Theo BBC, trong bối cảnh sự rạn nứt trong mối quan hệ ngày càng nới rộng, chuyến công du, trên hết là một lý do để ăn mừng, thế nhưng, hiện nay điều còn sót lại là cảm giác một cơ hội to lớn đã bị đánh mất. Thậm chí trước khi xảy ra vụ khinh khí cầu, đã có sự chuyển biến trong giọng điệu phát ngôn của cả hai bên.
Tờ “Le Figaro” của Pháp cho rằng Bắc Kinh quá vụng về để bị bắt quả tang. Trước đó, Mỹ từng phát hiện khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay trên Hawai hay Guam, nhưng lần này trên lục địa Mỹ. Khi công bố những hình ảnh ở Montana, Mỹ đang ở thế thượng phong, vì Trung Quốc đang muốn cố gắng ổn định quan hệ song phương và câu giờ để tái thúc đẩy kinh tế, với mục tiêu nuốt chửng Đài Loan vào khoảng năm 2028. Mưu toan này có thể bị trắc trở nếu chiến tranh lạnh trở nên “nóng” do một tính toán sai lầm.
Cũng theo AP, các nhà phân tích cho rằng sự cố khí cầu sẽ không có lợi cho mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung. Alfred Wu, Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết lời giải thích của Trung Quốc không có vẻ chân thành. Ông nhận định: “Mối quan hệ sẽ không được cải thiện trong thời gian tới… khoảng cách là rất lớn”.
Sau 3 năm bị cô lập vì đại dịch, Trung Quốc háo hức khởi động lại nền kinh tế của mình. Để đạt được mục tiêu đó, Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến dịch “quyến rũ ngoại giao”, gặp gỡ hơn 20 nhà lãnh đạo thế giới trong và ngoài nước. Việc điều chuyển công tác Triệu Lập Kiên, cựu phát ngôn viên “Chiến Lang” của Bộ Ngoại giao, cũng được coi là một dấu hiệu mềm mỏng của Trung Quốc.
Giọng điệu hòa giải cũng đã được phản ánh trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó một bài bình luận hôm 1/2 trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, cho rằng Trung Quốc và Mỹ “nên cố gắng làm cho danh sách hợp tác ngày càng dài hơn chứ không phải ngắn hơn”.
Theo Cao Chí Khải (Gao Zhikai), phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, tâm lý bài Trung Quốc ở Washington đang ngày càng thù địch hơn, trải rộng từ vấn đề thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump sang “mọi sáng kiến chống Trung Quốc” mà trọng tâm là vấn đề Đài Loan. Ông Cao Chí Khải nói: “Tôi rất bi quan về quan hệ Mỹ-Trung, ít nhất là trong ngắn hạn”.
Mất cơ hội cho cả hai bên?
Quyết định hoãn chuyến công du của ông Blinken, vốn từng được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí vào tháng 11/2022, là một đòn giáng mạnh vào những người coi đây là cơ hội để ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt. Chuyến thăm cuối cùng của một ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc là từ năm 2017.
Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ ổn định với Mỹ để họ có thể tập trung vào nền kinh tế của mình, vốn đang bị vùi dập bởi chính sách Không COVID hiện đã bị bãi bỏ và bị các nhà đầu tư nước ngoài ngó lơ vì lo ngại nhà nước tái can thiệp vào thị trường.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8/2022, sự kiện đã thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự đầy kịch tính của Trung Quốc xung quanh hòn đảo tự trị này.
D.T.T