Đại sứ Đài Loan tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) tuyên bố rằng, quốc đảo này sẽ không dung thứ cho việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng Đài Loan.
Cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ có chuyến công du tới Trung Quốc trong những tuần tới, đánh dấu chuyến thăm ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ tới Trung Quốc kể từ năm 2018.
“Chúng tôi yêu cầu một môi trường hòa bình, một môi trường không cho phép việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng”, bà Tiêu Mỹ Cầm cho biết khi bình luận về chuyến công du sắp tới đến Trung Quốc của ông Bliken. Bà cho rằng ông Blinken nên đề cập đến những vấn đề này trong chuyến đi sắp tới.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, người dân Đài Loan và người dân Mỹ có chung một niềm tin mạnh mẽ vào việc duy trì nền dân chủ tự do.
Hôm 1/2, trong một cuộc phỏng vấn với đài NTD, một cơ quan truyền thông anh em của The Epoch Times, bà Tiêu bày tỏ, “Tôi cho rằng đó là một yếu tố then chốt trong lợi ích chung của chúng ta. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những người đồng cấp Mỹ về vấn đề này”.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Đài Loan để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như bảo vệ các giá trị chung của chúng ta”, bà cho biết.
“Đài Loan đóng một vai trò quan trọng, là một lực lượng tích cực trong việc thúc đẩy các giá trị này”, bà Tiêu khẳng định.
Tầm quan trọng của việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan
Quan điểm của bà Tiêu cũng tương tự như quan điểm của Chủ tịch Lập pháp viện Đài Loan Du Tích Khôn (You Si-kun). Ông Du hiện đang ở Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các giá trị tự do, dân chủ và tự do tôn giáo ở Washington.
Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Summit – IRFS), ông Du Tích Khôn đã chỉ trích gay gắt việc Bắc Kinh đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo và mô tả rằng Đài Loan là nền dân chủ duy nhất trong thế giới nói tiếng Hoa.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của đảo quốc này vì Đài Loan nằm ở trung tâm của các tuyến đường biển quốc tế trọng yếu, đồng thời là nhà sản xuất chất bán dẫn trọng yếu của thế giới.
Ông nói: “Vì vậy, việc bảo vệ Đài Loan, đặc biệt là nền dân chủ của hòn đảo là một việc rất quan trọng”.
“Nếu Đài Loan rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì ngọn hải đăng của nền dân chủ sẽ bị dập tắt. Sau đó, Trung Quốc có thể sẽ xâm chiếm chuỗi đảo thứ nhất và gây ra mối đe dọa cho toàn thế giới”, ông Du Tích Khôn nhận định về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và tham vọng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.
Buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những tội ác của mình
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ hiện đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng tăng trước các vấn đề liên quan tới ĐCSTQ trong chuyến công du Trung Quốc tới đây, đặc biệt là việc giải quyết các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ này.
Hôm 1/2, một nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa do Thượng nghị sĩ Marco Rubio dẫn đầu đã gửi một lá thư (pdf) tới Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nhằm kêu gọi hai vị quan chức này buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những tội ác của mình.
Bức thư nêu rõ những hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc. Hoa Kỳ đã cáo buộc đây là “hành vi diệt chủng”.
Bức thư nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ phải buộc ĐCSTQ chịu trách nhiệm về “hệ thống giám sát và giam giữ hàng loạt; không cho phép các cá nhân thực hành tôn giáo một cách ôn hòa; sử dụng lao động cưỡng bức; bạo lực tình dục; cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản phụ nữ”.
“Hơn nữa, ĐCSTQ tiếp tục phủ nhận các quyền cơ bản của con người ở các nhóm khác mà chế độ này coi là mối đe dọa, chẳng hạn như người Tây Tạng, Cơ Đốc nhân và các học viên Pháp Luân Công”.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng cảnh báo rằng, hai vị quan chức này không nên biến các chuyến thăm của họ thành “chiến công tuyên truyền” cho chính quyền ĐCSTQ.
“Chúng tôi kêu gọi quý vị tận dụng chuyến đi này để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền, các hoạt động thương mại không công bằng và sự gây hấn ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hơn thế nữa”, bức thư viết.
Bức thư ngụ ý rằng, nếu hai nhà lãnh đạo thực hiện ít hơn những nỗ lực kể trên, đó sẽ là tín hiệu cho thấy sự nhượng bộ [của Mỹ] đối với mối đe dọa lớn nhất của nước này: Trung Quốc.
Quan điểm của bức thư này tương tự như bức thư do Thượng nghị sĩ James Lankford soạn thảo hồi đầu tuần. Trong thư, ông James Lankford đã kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken “phơi bày” những tội ác của ĐCSTQ.
Thượng nghị sĩ James Lankford đã gửi một bức thư (pdf) đến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 31/01. Bức thư này yêu cầu ông Blinken “lấy việc bảo vệ những người bị áp bức làm trọng tâm” trong chuyến thăm đã được lên kế hoạch của ông tới Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Lankford cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài NTD vào ngày 31/1 rằng, ông buộc phải gửi lá thư này vì lo ngại rằng, mong muốn tăng cường thương mại và đẩy mạnh các chính sách khí hậu của chính quyền ông Biden sẽ làm lu mờ việc gây áp lực buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các tội ác mà họ đã gây ra.
“Tôi muốn đảm bảo rằng họ sẽ không nói về các cơ hội kinh tế, thương mại và các vấn đề khí hậu mà bỏ qua người dân Trung Quốc và những điều mà người dân nước này vẫn đang phải đối mặt dưới chế độ này, từ ngày này qua ngày khác”.
T.P