Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững sự kiện làm tăng căng thẳng Mỹ - Trung

Những sự kiện làm tăng căng thẳng Mỹ – Trung

Tranh cãi về “khí cầu do thám” và thỏa thuận quân sự Mỹ – Philippines khiến đà tan băng trong quan hệ Mỹ – Trung chững lại, đẩy căng thẳng gia tăng, theo giới chuyên gia.

Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi trên cương vị chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái, căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung gia tăng nghiêm trọng, khi Trung Quốc cắt hầu hết kênh liên lạc chính thức với Mỹ.

Hai cường quốc chỉ bắt đầu nối lại đối thoại khi Tổng thống Joe Biden gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022, nhằm tạo “hàng rào” ngăn căng thẳng leo thang thành xung đột. Kết quả của cuộc gặp là kế hoạch thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến diễn ra vào đầu tháng 2.
Nhưng khi ông Blinken chuẩn bị lên đường tới Bắc Kinh, loạt sự kiện nổ ra đốt nóng quan hệ song phương, khiến đà tan băng chững lại.

Ngày 28/1, Mỹ phát hiện một khí cầu Trung Quốc đi vào không phận. Một tuần sau, tiêm kích Mỹ phóng tên lửa bắn hạ khí cầu ở ngoài khơi bang Nam Carolina, tin rằng đây là thiết bị do thám mà Trung Quốc sử dụng để giám sát các căn cứ quân sự nhạy cảm.

“Tổng thống Biden đã hành động đúng khi ra lệnh bắn hạ khí cầu, dù Mỹ lẽ ra phải làm điều đó sớm hơn để gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng họ sẽ không dung thứ cho hành động xâm nhập không phận như vậy”, tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, nói với VnExpress.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ không hài lòng trước trước quyết định bắn hạ khí cầu, cho rằng Washington “phản ứng thái quá và vi phạm thông lệ quốc tế”. “Hành động của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng, làm tổn hại nỗ lực và tiến bộ trong việc ổn định quan hệ Trung – Mỹ sau cuộc gặp ở Bali”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong tuyên bố.

Trung Quốc tuyên bố “bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng”, còn Ngoại trưởng Blinken cũng thông báo hoãn chuyến thăm vốn rất được Bắc Kinh mong đợi. Động thái này được xem là đòn giáng mạnh vào cơ hội bình ổn mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tiến sĩ Gover thừa nhận quyết định bắn hạ khí cầu đã góp phần làm tăng nhiệt quan hệ hai nước vào thời điểm rất nhạy cảm, khi thỏa thuận quân sự mới của Mỹ với Philippines đang tăng sức ép đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan hay Biển Đông.
Lầu Năm Góc hôm 1/2 thông báo họ sẽ mở rộng hiện diện quân sự ở Philippines theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA), khi Manila cho phép lực lượng Mỹ sử dụng 4 căn cứ mới ở những vị trí chiến lược, đồng thời củng cố năng lực tại 5 căn cứ mà họ đang triển khai quân.

Giới chuyên gia đánh giá đây là một bước tiến lớn trong mục tiêu của Mỹ nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiện diện mở rộng của Mỹ tại Philippines cũng có thể đóng vai trò ngăn chặn những động thái quân sự của Bắc Kinh đối với đảo Đài Loan.

“Với vị trí địa lý chiến lược của Philippines, thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ có khả năng ứng phó tốt hơn với khủng hoảng tiềm tàng ở eo biển Đài Loan và tiến hành nhiều chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) hơn ở Biển Đông, đặc biệt là những khu vực mà Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo”, ông Gover nói.

Tuy nhiên, thỏa thuận này cùng với những tranh cãi về “khí cầu do thám” là dấu hiệu rõ rệt cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục cạnh tranh để giành ảnh hưởng và quyền lực toàn cầu, thay vì tăng cường hợp tác, theo tiến sĩ Gover.

“Tôi không thấy mối quan hệ Washington – Bắc Kinh tan băng, dù nhiều người đã kỳ vọng về điều này sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập tại Bali”, ông nói.

Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, cũng cho rằng thỏa thuận tăng hiện diện quân sự Mỹ ở Philippines và sự cố khí cầu càng làm gia tăng hoài nghi chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.
Chuyên gia Pitlo cho biết việc Mỹ tăng hiện diện quân sự ở Philippines, bố trí thiết bị và lực lượng gần đảo Đài Loan, cũng như việc hai bên nhất trí tái khởi động các đợt tuần tra chung ở Biển Đông có thể châm ngòi cho những biện pháp đáp trả từ Trung Quốc.

Sự cố khí cầu cũng sẽ là một trong những lý do khiến dư luận và giới chính trị gia Mỹ thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Đây sẽ là vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

“Tất cả sẽ gây thêm căng thẳng và bất ổn trong khu vực”, Pitlo cảnh báo.

Theo Andreyka Natalegawa, chuyên gia tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, quan hệ Washington – Bắc Kinh đang trong giai đoạn “rất khó khăn”, nhưng ông tin rằng hai bên vẫn nên duy trì đối thoại và các kênh ngoại giao để xử lý những vấn đề trong khu vực, bởi điều này mang lại lợi ích chung cho hai nước và thế giới.

Tiến sĩ Gover cũng nhận định điều quan trọng với cả Mỹ và Trung Quốc hiện nay là “ngăn chặn mối quan hệ vượt tầm kiểm soát”. Ông cho rằng sẽ là sai lầm nếu Mỹ chọn tách rời hoàn toàn khỏi nền kinh tế Trung Quốc, mà nên lựa chọn một số lĩnh vực nhạy cảm như dược phẩm, chất bán dẫn.

Tuy nhiên, giữ bình ổn quan hệ sẽ là một thách thức rất lớn với cả hai nước. Chính sách cứng rắn với Trung Quốc đã trở thành một trong số ít vấn đề mà lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ đạt đồng thuận. Ngày càng nhiều người Mỹ tin rằng nước này nên có lập trường quyết đoán hơn với Bắc Kinh.

“Sau những biến cố đó, tôi cho rằng quan hệ Mỹ – Trung vẫn sẽ căng thẳng và đầy rẫy ngờ vực. Dù có những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác như biến đổi khí hậu, tình trạng mất niềm tin chiến lược giữa hai cường quốc sẽ ngăn mối quan hệ tiến triển tích cực trong tương lai gần”, Gover dự đoán.

RELATED ARTICLES

Tin mới