Với Trung Quốc, chiến trường mới nhất giữa các siêu cường là không gian nằm trong khoảng 19 – 96km từ mặt đất, trong lớp khí quyển không khí loãng được gọi là “vùng cận vũ trụ”.
Nằm cao hơn đường bay của hầu hết máy bay thương mại và quân sự nhưng thấp hơn vệ tinh, không gian cận vũ trụ là vùng mà các vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo bay qua.
Trung Quốc chú ý đến sự phát triển của những quốc gia khác trong vùng này, nơi mà các chuyên gia quân sự Trung Quốc gọi là “mặt trận quân sự mới” và là “vùng cạnh tranh quan trọng giữa các cường quốc quân sự thế giới”.
Bên cạnh việc phát triển các phương tiện công nghệ cao như máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời và phương tiện siêu thanh, Trung Quốc cũng đang cải tiến công nghệ có từ mấy thập kỷ trước để tận dụng khoảng không gian này – phương tiện nhẹ hơn không khí. Chúng bao gồm các khí cầu bình lưu và khí cầu tầm cao, tương tự như chiếc bị phát hiện và bắn rơi ở Mỹ cuối tuần qua.
Trung Quốc khẳng định đó là khí cầu dân sự, nhưng giới chức Mỹ khẳng định đó là một phương tiện thuộc chương trình giám sát quy mô toàn cầu của Trung Quốc.
Điểm lại những bản tin trên báo chí và bài báo khoa học được xuất bản ở Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến các phương tiện nhẹ hơn không khí. Một số chuyên gia Trung Quốc từng đề cập đến việc ứng dụng vào nhiều mục đích, từ thông tin liên lạc, giám sát và trinh sát, đến đáp trả tấn công điện tử.
Tham vọng cận vũ trụ
Nghiên cứu của Trung Quốc về khí cầu tầm cao bắt đầu từ cuối những năm 1970, nhưng được chú ý trở lại trong thập kỷ qua. Phương tiện cũ được trang bị thêm công nghệ hiện đại, trong bối cảnh các cường quốc khắp thế giới đang chạy đua phát triển năng lực trên trời.
“Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, không gian cho cạnh tranh thông tin không còn giới hạn trên bộ, trên biển và không gian tầm thấp. Vùng cận vũ trụ cũng đã trở thành một chiến trường mới trong chiến tranh hiện đại và là một phần quan trọng trong hệ thống an ninh quốc gia”, bài viết của PLA Daily năm 2018 đánh giá. PLA Daily là tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc.
Theo bài viết, hàng loạt “phương tiện bay cận vũ trụ” sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tác chiến phối hợp, tích hợp không gian ngoài vũ trụ với khí quyển Trái đất.
Từ năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo Không quân Trung Quốc “tăng tốc tích hợp năng lực không gian và vũ trụ, mài giũa năng lực phòng thủ và tấn công. Các chuyên gia quân sự nước này xác định vùng cận vũ trụ là mắt xích quan trọng cho sự tích hợp như vậy.
Tìm kiếm trên CNKI, kho dữ liệu học thuật trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, cho thấy các nhà nghiên cứu quân sự và dân sự nước này đã xuất bản hơn 1000 bài báo nghiên cứu về vùng cận vũ trụ, trong đó chủ yếu nói đến việc phát triển “các phương tiện bay trong vùng cận vũ trụ”. Trung Quốc cũng đã lập một trung tâm nghiên cứu để thiết kế và phát triển khí cầu tầm cao và khí cầu bình lưu, còn gọi là khí cầu điều khiển được. Trung tâm này thuộc quyền quản lý của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Một lĩnh vực được quan tâm hơn cả là giám sát. Dù Trung Quốc đã triển khai một mạng lưới vệ tinh rộng khắp để tạo nên hệ thống giám sát tầm xa phức tạp, nhưng các chuyên gia quân sự nước này nhấn mạnh những lợi ích của phương tiện nhẹ hơn không khí.
Khác với vệ tinh hay máy bay, khí cầu bình lưu và khí cầu tầm cao “có thể bay lượn quanh các địa điểm cố định trong thời gian dài” và không dễ bị radar phát hiện, Shi Hong, giám đốc điều hành của Shipborne Weapons , một tạp chí quân sự có uy tín thuộc một viện liên quan đến quân đội Trung Quốc, viết trong bài báo đăng trên báo chí nhà nước năm 2022.
Trong video được Xinhua đăng năm 2021, một chuyên gia quân sự giải thích cách khí cầu nhẹ hơn không khí bay ở vùng cận vũ trụ có thể giám sát, chụp những bức ảnh và quay video có độ phân giải cao với chi phí thấp hơn nhiều so với vệ tinh.
Trong video, Cheng Wanmin, một chuyên gia thuộc ĐH Công nghệ quốc phòng, nêu bật những thành tựu của Mỹ, Nga và Israel trong phát triển những phương tiện như vậy, đồng thời cho biết Trung Quốc cũng đã đạt được “bước đột phá”.
Một ví dụ thể hiện những tiến bộ mà Trung Quốc đạt được trong lĩnh vực này là chuyến bay của khí cầu không người lái dài 100m mang tên “Người săn mây”.
Năm 2019, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Đô thị phương nam , ông Wu Zhe, giáo sư công tác tại ĐH Beihang, cho biết khí cầu này đã bay qua châu Á , châu Phi và Bắc Mỹ trong chuyến bay vòng quanh Trái đất ở độ cao 20km so với mặt đất.
Một nhà khoa học khác thuộc dự án nói với tờ báo rằng, so với vệ tinh, khí cầu bình lưu là lựa chọn tốt hơn cho “quan trắc lâu dài”, có thể phục vụ nhiều mục đích, từ cảnh báo thiên tai, nghiên cứu môi trường đến xây dựng mạng liên lạc không dây và trinh sát trên cao.
Rõ ràng Trung Quốc không phải nước duy nhất sử dụng công nghệ này, vì khí cầu đã được sử dụng cho mục đích quân sự từ cuối thế kỷ 18, khi quân đội Pháp vận hành một quân đoàn khinh khí cầu.
Mỹ cũng đang tăng cường năng lực sử dụng các phương tiện nhẹ hơn không khí. Năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ ký hợp đồng với một hãng công nghệ vũ trụ để sử dụng khí cầu bình lưu của họ nhằm “tạo nên bức tranh hoàn thiện hơn và áp dụng cho chiến trường”, theo thông cáo mà hãng Raven Aerostar đưa ra khi đó.
“Đó không phải là thứ của riêng Trung Quốc. Mỹ và các quốc gia khác cũng đang phát triển khí cầu tầm cao và những phương tiện tương tự”, Brendan Mulvaney, giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Trung Quốc thuộc Không quân Mỹ, nói với CNN .
“Chúng có giá thành rẻ, trở thành phương tiện thu thập hình ảnh, liên lạc và thu thập những thông tin khác liên tục”, ông Mulvaney cho biết.
Ông Mulvaney là tác giả một bài báo xuất bản năm 2020 về sự quan tâm của Trung Quốc trong sử dụng các phương tiện nhẹ hơn không khí để “trinh sát từ vùng cận vũ trụ”.
Trung Quốc có vẻ cũng biết khả năng các quốc gia khác sử dụng khinh khí cầu để do thám họ.
Năm 2019, loạt phim tài liệu về lực lượng biên phòng Trung Quốc do kênh truyền hình nhà nước sản xuất nói về sự việc không quân nước này phát hiện và bắn rơi một vật thể nghi là khí cầu giám sát tầm cao đang “đe doạ an toàn phòng không Trung Quốc”.
Phim tài liệu không đề cập cụ thể thời gian và vị trí bắn rơi khí cầu, nhưng một bài viết của các nhà nghiên cứu làm việc cho viện thuộc quân đội Trung Quốc đăng tháng 4 năm ngoái nói rằng, nước này phát hiện các khí cầu của nước ngoài vào năm 1997 và 2017.
T.P