Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnThấy gì khi các nước phương Tây tăng chi ngân sách quốc...

Thấy gì khi các nước phương Tây tăng chi ngân sách quốc phòng năm 2023?

Nguy cơ đối đầu quân sự trực diện giữa các quốc gia gia tăng khi nhiều nước đầu tư cho quân đội, tăng mạnh ngân sách quốc phòng.

Nga – My liên tục tăng ngân sách quốc phòng trong những năm qua.

Thế giới trải qua năm 2022 đầy rẫy những bất ổn sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Xung đột chưa hồi kết giữa Nga và Ukraine đem đến những hệ lụy đối với toàn cầu. Nhiều nước quyết đầu tư mạnh tay cho chi tiêu quốc phòng khiến cuộc chạy đua vũ trang nóng hơn bao giờ hết.

Loạt nước ‘bạo chi’ cho quân sự

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều quốc gia công bố kế hoạch tăng chi tiêu cho quân sự. Việc các nước đưa ra dự toán ngân sách quốc phòng là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều điều “không chắc chắn”, nhất là sau sự kiện Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, thì động thái này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đầu tiên, phải nói đến Mỹ, quốc gia liên tục tăng chi tiêu quân sự thời gian qua. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) vừa công bố của Mỹ cho phép tăng ngân sách quốc phòng năm 2023 hơn 8% so với tài khóa 2022. Theo đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ cho năm nay trị giá 847 tỷ USD, cao hơn 45 tỷ USD so với đề xuất của Tổng thống Joe Biden. Trong khi đó, năm 2022 con số này là 770 tỷ USD.

Trước đó, các quốc gia thành viên NATO đồng ý tăng ngân sách của liên minh quân sự này trong năm 2023, ở mức 1,96 tỷ euro – tăng 25,8% so với năm trước. NATO cho hay, động thái này được thúc đẩy bởi bất ổn của môi trường an ninh do khủng hoảng Nga – Ukraine gây ra.

Việc tăng mạnh chi tiêu cho các hoạt động được tài trợ chung của khối diễn ra khi các thành viên cam kết dành nhiều tiền hơn cho quốc phòng. Nhiều nước NATO cần bổ sung kho dự trữ vũ khí vốn đã bị hao mòn do liên tục hỗ trợ cho Kiev. Ngoài ra, NATO cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng khả năng của khối khi đối mặt với “mối đe dọa từ Nga”.

Đáng chú ý, Nhật Bản ngày 16/12 thông báo về kế hoạch quốc phòng 5 năm trị giá 320 tỷ USD, cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Với khoản ngân sách này, Nhật Bản sẽ trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Nhật Bản dự kiến dùng số tiền này để gia tăng năng lực của lực lượng phòng vệ. Theo đó, từ năm 2023-2027, Nhật Bản chi số tiền trên để hiện đại hóa lực lượng quân sự, mua sắm khí tài.

Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh đây là “bước ngoặt lịch sử” để đối phó với “hàng loạt thách thức an ninh” trong khu vực mà Nhật Bản đang phải đối mặt, từ “việc tăng cường khả năng tên lửa hạt nhân” của Triều Tiên, đến “nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực” của Trung Quốc.

Ông Stephen Nagy, Phó Giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế ở Tokyo nhận định, động thái của Nhật Bản phản ánh những lo ngại của nước này đối với an ninh trong khu vực. Song chuyên gia này cho rằng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên diễn biến căng thẳng với việc Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa buộc Tokyo phải hành động.

Mặt khác, ông Satoru Nagao, thành viên tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington, cho rằng quyết định tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là “một phần trong chiến lược của Mỹ tại khu vực”, Tokyo muốn đáp ứng yêu cầu, chia sẻ gánh nặng an ninh với Washington.

Trong khi đó, Nga được cho là sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu từ cuộc xung đột kéo dài và ngày càng tốn kém tại Ukraine. Nga dự kiến sẽ chi 4.982 tỷ rúp (86 tỉ USD) cho quốc phòng trong năm 2023, tăng 43% so với kế hoạch ban đầu là 3.473 tỷ rúp.

Trước những lo ngại về mất an ninh toàn cầu, không chỉ các cường quốc quân sự mà những nước nhỏ hơn như Romania, Ðan Mạch và Ba Lan cũng đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng. Hồi tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố nước này sẽ chi từ khoảng 21,4-27,8 tỷ USD, tương đương 3-4% GDP cho việc nâng cấp quân đội vào năm 2023.

Thế khó của châu Âu

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và đồng minh châu Âu liên tục tung đòn trừng phạt Moskva, đồng thời không ngừng viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev. Nguồn viện trợ không giới hạn của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là động lực chính giúp cho Ukraine cầm chân quân Nga trên thực địa.

Dù đối mặt với các vấn đề nội bộ, khó khăn về kinh tế do hậu quả từ xung đột Nga – Ukraine… song theo tiếng gọi, hô hào từ Washington, Brussels chi ra hàng tỷ euro để hỗ trợ Ukraine. Tháng 12 năm ngoái, EU nhất trí sẽ cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ tín dụng trị giá 18 tỷ euro (18,9 tỷ USD) trong năm 2023.

Viễn cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài sẽ đẩy các quốc gia châu Âu tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi phải tìm cách cân bằng giữa nguồn lực nội tại và sự hỗ trợ cho Kiev.

Chuyên gia quân sự Stephen Bryen nhận định, nguồn viện trợ từ phương Tây có thể tiếp tục tăng lên, nhất là khi quân đội Ukraine cần thêm rất nhiều vũ khí. Đây được xem là “gánh nặng” cho nhiều nước khi viện trợ cho Ukraine trong một thời gian dài khiến kho khí tài của họ cạn kiệt và sẽ cần nhiều năm để lấp đầy.

Các quốc gia châu Âu “mệt mỏi” với cuộc xung đột vì thiệt hại kinh tế. Việc EU đang phải vật lộn với lạm phát tăng cao cũng là nguyên nhân khiến các khoản viện trợ của liên minh này đối với Ukraine giảm, chậm trễ. Tỷ lệ lạm phát trên toàn EU tăng lên mức 8% trong năm 2022.

Người dân trên khắp lục địa đang cảm nhận được cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, chịu cảnh “thắt lưng buộc bụng”, trong khi chính quyền các nước châu Âu sẽ phải giải trình cho việc chi tiền để hỗ trợ Ukraine.

Chưa hết, bất đồng trong nội bộ EU bùng phát khi nhiều nước phản đối trừng phạt Nga cũng như tăng viện trợ Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhiều lần lên tiếng phản đối, cho rằng các lệnh trừng phạt không gây bất ổn cho Moskva mà thay vào đó đẩy EU vào thế khó, đồng thời cảnh báo nếu EU không thúc đẩy kịch bản hòa bình ở Ukraine, châu Âu có thể sẽ đối mặt với “khủng hoảng năng lượng, suy thoái và bất ổn chính trị”.

Khó khăn là vậy, song EU vẫn cam kết viện trợ cho Ukraine. Càng bơm đạn cho Kiev, kho dự trữ của châu Âu càng thiếu hụt. Tờ Politico mới đây cho hay, Pháp thừa nhận nước này hết vũ khí để gửi cho Kiev do tình trạng nguồn cung của chính họ, trong khi Đức cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt 20 tỷ euro đạn dược.

Nhiều nước không có đủ đạn dược, vũ khí và hệ thống công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của EU và những mối đe dọa trong tương lai. Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, nhu cầu quốc phòng của EU ngày càng tăng cao.

Bên cạnh các mối đe dọa từ Nga, lý do khiến EU tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng là sự thúc đẩy từ nhiều quốc gia châu Âu hùng mạnh muốn đảm bảo lục địa không phải phụ thuộc vào các nước có nền công nghiệp quốc phòng lớn như Mỹ. Để giải quyết những thách thức an ninh tại châu Âu cần có sự gắn kết của 27 quốc gia thành viên EU.

Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết, Brussels phải đối mặt thách thức trong việc chi tiêu. Ông cho rằng châu Âu nên nhìn lại cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác nhiều hơn để nâng cao năng lực quốc phòng vì lợi ích an ninh chung của khối.

Nhiều hiểm nguy

Việc các nước tăng mạnh ngân sách quốc phòng cho năm 2023 cho thấy sự bất an của các nước, thúc đẩy nhu cầu tăng chi tiêu quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia. Tăng chi tiêu quân sự của các nước sẽ khiến cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới diễn ra mạnh mẽ hơn. Điều này ẩn chứa nhiều hiểm nguy, đẩy thế giới vốn đang ở trạng thái “không chắc chắn”, tiếp tục đối mặt với nguy cơ xung đột, đối đầu.

Tình hình thế giới hiện nay thiếu cơ chế quốc tế có thể ngăn cản những quyết định chính trị và quân sự “bất cẩn”, khiến cho những mối đe dọa như chiến tranh hạt nhân trở nên ngày càng hiện hữu. Diễn biến từ xung đột ở Ukraine cho thấy thế giới đang trên bờ vực của cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO.

Quan chức NATO gần đây tuyên bố đã sẵn sàng cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer nhận định liên minh quân sự này “sẵn sàng” cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga giữa bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Ông chỉ ra rằng nếu có bất kỳ lằn ranh đỏ nào liên quan đến mối quan hệ giữa Nga và NATO thì đó là khi “Nga vượt qua ranh giới lãnh thổ NATO”.

Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá, thế giới đang đứng trước nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới, thậm chí là nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân cao chưa từng có trong lịch sử.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New START giữa Mỹ và Nga có vai trò quan trọng, cân bằng sự ổn định chiến lược. Hiệp ước này được thiết lập nhằm kiềm chế xung đột trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự sụp đổ của hiệp ước này có nguy cơ kích hoạt cuộc chiến hạt nhân giữa Washington và Moskva.

Cuối tháng 11 năm ngoái, Nga trì hoãn vô thời hạn cuộc gặp với Mỹ để thảo luận về việc nối lại các hoạt động thanh tra theo hiệp ước này. Phía Nga cho rằng, tình hình hiện tại không cho phép hai bên tiếp tục các cuộc đối thoại.

Có thể nói, tình hình an ninh quân sự thế giới năm 2023 được dự báo sẽ còn nhiều biến động, phức tạp trong quá trình vận động, hình thành trật tự thế giới đa cực. Quá trình này ẩn chứa nhiều hiểm nguy, xuất phát từ những tính toán sai lầm của các nước, dẫn đến nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp, ban đầu có thể là ở phạm vi hẹp, cục bộ, sau là lan rộng trên diện rộng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới