Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề “chủ nghĩa xuyên Đại tây dương”

Về “chủ nghĩa xuyên Đại tây dương”

Ngày 24/2 sắp tới sẽ đánh dấu tròn một năm Nga phát động cuộc xâm lược nước láng giềng Ukraine. Vẫn biết kẻ xâm lược và người bị xâm lược là đau khổ nhất, tổn hại nhất, nhưng cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” này cũng khiến cho bàn cờ chính trị thế giới có những thay đổi quan trọng.

Có nhiều gam màu chói gắt nổi lên trên “bản đồ” ấy, nhưng nổi bật là ba vấn đề: một, vai trò của EU; hai, sự xoay trục sang châu Á của Mỹ; ba, mối quan hệ khi nồng ấm, lúc ghẻ lạnh giữa Nga và-Trung Quốc.

Như Biendong.net trong bài “thế lưỡng cực của thế giới” gần đây đã phân tích, các mối quan hệ Nga-Trung, Mỹ- Trung, Mỹ-Nga cùng các đồng minh khác chỉ là những liên minh tạm thời vì lợi ích của dân tộc, tránh rơi vào trò chơi “tổng bằng 0”, tức là người này thắng thì kẻ khác phải thua. Về mặt lý thuyết, hai bên cùng thắng là rất khó thực hiện, nhưng trong ngoại giao thì điều này thường được đưa ra để “rút củi đáy nồi” mỗi khi có sự căng thẳng khó giải quyết.

Sự kiện mới nhất thêm một minh chứng cho thế lưỡng cực đó. Hôm qua, 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ukraine để gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky. Cũng vào thời điểm ấy, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị trên đường thăm Nga. Ông Vương hiện giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến đi của ông tập trung vào nỗ lực cân bằng ngoại giao của Trung Quốc đối với tất cả các bên – kênh CNN bình luận.

“Chuyến đi ngược chiều” của ông Biden và ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục đi xuống. Và cả Mỹ và Trung Quốc đều cần lắng nghe thật đầy đủ, chính xác tại “điểm nóng” để đi đến một giải pháp khả thi nhằm chấm dứt chiến tranh.

Nhìn rộng hơn, trong lúc quan hệ giữa các cường quốc gia tăng căng thẳng, vai trò của EU có tác động như thế nào? Chúng ta có thể thấy, cuộc chiến Nga-Ukraine vừa là cơ hội để cho thấy EU có thể đóng vai trò là một bên quan trọng, vừa có nguy cơ khi một lần nữa trở thành bên thứ yếu trước Washington.

Châu Âu đã thể hiện khả năng phục hồi, khả năng phản ứng rất nhanh ngay từ khi bắt đầu xảy ra chiến tranh, với sự hỗ trợ quân sự, viện trợ cho người tị nạn, giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Theo đó, EU đã đáp ứng các nhu cầu trước mắt, nhưng để chuẩn bị cho tương lai và vị trí của mình trên bàn cờ toàn cầu thì còn một núi công việc trước mắt.

Theo ông Agathe Demarais – một nhà kinh tế học: “Rõ ràng có hai khối, một Mỹ, một Trung Quốc cùng với các đồng minh của họ và Nga. Liệu EU có trở thành khối thứ ba hay không, hay họ sẽ liên kết với Mỹ?”.

Tuy các nhà lãnh đạo châu Âu muốn củng cố mối quan hệ với Mỹ, nhưng cũng thừa hiểu, họ có thể bị bỏ rơi trong một hoặc hai nhiệm kỳ chính trị, nếu một ứng cử viên theo chủ nghĩa cô lập trở thành lãnh đạo Nhà Trắng, (giống như thời cựu Tổng thống Donald Trump).

Trong khi đó, ngày càng nhiều quốc gia thành viên EU theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương. Các quốc gia này không đặt tương lai bên ngoài chiếc “ô an ninh” của Mỹ và NATO. Họ cố gắng tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, hiện phần lớn đã bị cắt đứt.

Phải chăng lãnh đạo các nước châu Âu đang mắc chứng “trì hoãn chiến lược”, từ chối hành động cho đến khi không còn lựa chọn nào khác. Trì hoãn, nhưng EU sẽ tìm cách giành lấy một ghế trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, như lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với báo Le Monde (tháng 12/2022): “Tôi không muốn chỉ có Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán về những gì xảy ra tiếp theo ở Ukraine”.

Một mối quan hệ gần đây có vẻ đang lỏng dần, đó là mối quan hệ Nga – Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã phải xem xét cuộc xung đột liên quan đến mục tiêu chiến lược dài hạn là trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049. Tuy tuyên bố ủng hộ Moscow, nhưng Bắc Kinh vẫn giữ khoảng cách để tránh những động thái có thể khiến phương Tây xa lánh.

Về phía Nga, chuyên gia Razoux tuyên bố: Điện Kremlin đang đặt cược vào việc đa dạng hóa các mối quan hệ địa chính trị, kinh tế và chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Iran và châu Phi để hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga – lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Điều này cũng giúp Moscow không hoàn toàn phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Mỹ thì rõ ràng giữa một khoảng cách an toàn trong quan hệ với Nga và Trung Quốc. Trong khi đó định hướng rõ nhất của Nhà Trắng là xoay trục sang châu Á.

14 năm trước, vào năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dự đoán rằng “mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ định hình thế kỷ XXI”, báo trước sự xoay trục của Mỹ từ thế giới Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương.

Thế nhưng, cuộc chiến Nga-Ukraine một năm qua cho thấy, việc rút lui khỏi châu Âu không dễ dàng như vậy đối với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden. Nga đang kìm hãm sự chuyển dịch của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Còn Mỹ phải nhanh chóng giải quyết vấn đề châu Âu này.

Tổng thống Joe Biden đang cần thể hiện “một hành động cân bằng”, trước những lời kêu gọi về việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine càng sớm càng tốt, từ các chính trị gia Mỹ; trước sự phản đối gay gắt của Đảng Cộng hòa về việc Nhà Trắng tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới