Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnLiệu các công ty công nghệ TQ có thể tạo ra đối...

Liệu các công ty công nghệ TQ có thể tạo ra đối thủ ngang tầm với ChatGPT?

ChatGPT có thể hiểu các câu hỏi phức tạp và đưa ra các câu trả lời bằng văn bản giống con người một cách đáng ngạc nhiên.

Liệu các công ty công nghệ Trung Quốc có thể tạo ra đối thủ ngang tầm với ChatGPT?

Khi các chuyên gia công nghệ của Trung Quốc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần vào tháng 1, ngành công nghiệp này ngay lập tức xôn xao bàn luận về một bot trò chuyện AI mới từ OpenAI, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco.

ChatGPT, một bot trò chuyện mà OpenAI do Microsoft hậu thuẫn đã công bố vào tháng 11, có thể hiểu các câu hỏi phức tạp và đưa ra các câu trả lời bằng văn bản giống con người một cách đáng ngạc nhiên.

Nó được xây dựng dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3 của OpenAI và đã được tinh chỉnh bằng cả kỹ thuật học tập có giám sát và học tăng cường.

Người dùng ở Trung Quốc đã bỏ qua các hạn chế thông thường để thiết lập tài khoản qua VPN và cố gắng sử dụng bot theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả với tư cách là nhà phê bình phim, cố vấn nghề nghiệp, tư vấn đầu tư và sức khỏe và trong một số trường hợp là người phiên dịch.

Mới đây một số thông tin cho hay các công ty khởi nghiệp AI Trung Quốc được cam kết hỗ trợ để phát triển các đối thủ của ChatGPT. Nhưng điều này nói thì dễ hơn làm, do sự khác biệt trong cấu trúc của ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Trung, áp lực chi phí, tính sẵn có của bộ dữ liệu và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng – vấn đề kiểm duyệt nhức nhối ở Trung Quốc.

Trung Quốc luôn kiểm soát chặt chẽ luồng thảo luận chính trị và xã hội trong nước, và trong thời gian gần đây đã đàn áp mạnh mẽ nội dung trực tuyến được coi là không phù hợp, từ cá cược và nội dung khiêu dâm đến bạo lực trong trò chơi và nội dung cổ vũ những ý tưởng không phù hợp với các giá trị truyền thống của Trung Quốc.

“Vạn lý tường lửa” từ lâu đã ngăn cư dân mạng Trung Quốc truy cập các trang web phổ biến của phương Tây như Google và Facebook. Nhưng các bot trò chuyện AI đặt ra một thách thức mới.

Dahlia Peterson, nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) của Đại học Georgetown cho biết: “Việc kiểm duyệt chắc chắn có thể cản trở khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển một dịch vụ địa phương tương đương với ChatGPT”.

“Ngay cả khi các công ty AI [Trung Quốc] có thể truy cập và sử dụng dữ liệu toàn cầu và tài nguyên nghiên cứu để đào tạo các mô hình AI của họ, thì chính quyền Trung Quốc cũng không cho phép họ sử dụng bất kỳ tài liệu nào được coi là nhạy cảm về chính trị trong các câu trả lời của họ,” cô nói thêm.

Ngay cả khi một đối thủ của ChatGPT tại Trung Quốc được phát triển, thì việc kiểm soát chặt chẽ nội dung của chính phủ cũng có thể hạn chế quá trình thương mại hóa của nó.

Hanna Dohmen, nhà phân tích nghiên cứu của CSET cho biết: “Những hạn chế, quy định nội dung và kiểm duyệt quá mức có thể cản trở quá trình thương mại hóa và đổi mới hơn nữa những công nghệ như vậy”.

Tuy nhiên, Jeffrey Ding, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington, chỉ ra rằng sự phát triển ChatGPT của OpenAI cũng kéo theo một hình thức “kiểm duyệt” mới.

“ChatGPT đã được đào tạo để không thảo luận về các chủ đề nhạy cảm, bao gồm các vấn đề chính trị và tôn giáo,” Ding cho biết khi trả lời các câu hỏi qua email từ tờ Post. “Có khả năng các công ty AI Trung Quốc sẽ áp dụng các chiến thuật tương tự để đào tạo các phiên bản ChatGPT của riêng họ.”

Chúng tôi đã hỏi ChatGPT về những suy nghĩ của riêng mình về kiểm duyệt.

“Kiểm duyệt là một vấn đề tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các dịch vụ như ChatGPT ở các quốc gia như Trung Quốc,” nó nói. “Các chính phủ có thể lo ngại về khả năng các hệ thống AI tạo ra nội dung được coi là nhạy cảm hoặc không thể chấp nhận được về mặt chính trị.”

Bot nói thêm rằng “cuối cùng, mức độ kiểm duyệt ảnh hưởng đến sự phát triển của các dịch vụ giống như ChatGPT sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các chính sách và quy định của chính phủ, cũng như những đổi mới và tiến bộ công nghệ.”

Đặc điểm độc đáo của ngôn ngữ Trung Quốc là một thách thức khác để phát triển đối thủ ChatGPT.

Xu Liang, người sáng lập Yuanyu Intelligent, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cho biết việc đào tạo một bot trò chuyện AI bằng tiếng Trung Quốc là rất khó khăn vì hệ sinh thái nguồn mở của nước này không phát triển và rộng khắp như ở phương Tây.

Việc đào tạo ChatGPT được thực hiện nhờ một loạt các công cụ được đóng góp bởi các cộng đồng nguồn mở, bao gồm cả mô hình học sâu ‘Transformer’ cùng nhiều công cụ khác.

Yuanyu Intelligent của Xu đã ra mắt ChatYuan, một dịch vụ lấy cảm hứng từ ChatGPT dưới dạng một ứng dụng nhỏ trên WeChat của Tencent Holdings vào tháng 1, quảng cáo đây là AI thế hệ đầu tiên được đào tạo trước bởi các mô hình ngôn ngữ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các hạn chế của Trung Quốc đối với thảo luận trực tuyến đã giới hạn các bộ dữ liệu mà các nhà khoa học sử dụng để đào tạo các mô hình trò chuyện AI. Xu cho biết ChatYuan của công ty anh chỉ có thể đáp ứng tối đa 70% yêu cầu của người dùng, trong khi ChatGPT có khả năng hoàn thành 90% nhiệm vụ được đặt ra.

ChatYuan được xây dựng trên các mô hình lớn với hơn 10 tỷ tham số bằng tiếng Trung Quốc và có kế hoạch tung ra một phiên bản với hơn 100 tỷ tham số, Xu cho biết. Để so sánh, GPT-3 của OpenAI có 175 tỷ tham số.

Tuân thủ là một vấn đề khác. Ứng dụng nhỏ của ChatYuan đã bị đình chỉ vào tuần trước sau khi các nhà chức trách cho biết những sản phẩm như vậy cần được xem xét kỹ lưỡng hơn về nội dung của chúng. “Ở Trung Quốc khác với ở nước ngoài,” Xu nói. “Chúng tôi cần nhiều lớp lọc và xử lý hơn về mặt đánh giá văn bản.” Ông cho biết người điều hành là con người sẽ được đưa vào để khắc phục sự cố.

Cũng có những lo ngại về chi phí vận hành các dịch vụ giống như ChatGPT tại Trung Quốc.

Li Di, giám đốc điều hành của Xiaoice – một công ty con của Microsoft ở Trung Quốc đã phát triển một chatbot gần một thập kỷ trước – đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn gần đây với phương tiện truyền thông địa phương rằng mặc dù mỗi truy vấn ChatGPT chỉ tốn vài xu ở Mỹ, nhưng nó sẽ là số tiền khá lớn đối với với một công ty ở Trung Quốc nếu muốn điều hành một dịch vụ tương tự.

Ông nói: “Việc thuê một người để xử lý các truy vấn có thể tốn ít chi phí hơn. Bản thân Xiaoice đã bị gỡ xuống khỏi ứng dụng nhắn tin QQ của Tencent vào năm 2017 sau khi người dùng đưa ra phản hồi chỉ trích chính phủ Trung Quốc”.

“Sẽ cần thời gian [đối với các công ty Trung Quốc] để xây dựng một mô hình như vậy, [OpenAI] cũng đã dành nhiều thời gian để phát triển,” Wong Kam-fai, giáo sư tại Đại học Trung văn Hồng Kông, chuyên về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho biết. “Thật khó để nói liệu các công ty Trung Quốc có thể phát triển thứ gì đó tương tự ChatGPT hay không”.

OpenAI không thiếu vốn. Được thành lập vào năm 2015, nó đã huy động được tổng số vốn là 11 tỷ USD. Màn ra mắt gây chú ý của ChatGPT cũng đã thúc đẩy một loạt các đối thủ cạnh tranh đổ tiền đặt cược vào các bot trò chuyện AI, bao gồm Google, Microsoft và Baidu (nhà điều hành công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc và đã đầu tư rất nhiều vào AI).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới