Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển ĐôngThỏa thuận Việt Nam – Indonesia: Một hướng giải quyết tranh chấp...

Thỏa thuận Việt Nam – Indonesia: Một hướng giải quyết tranh chấp Biển Đông?

Sau 12 năm đàm phán, ngày 23/12/2022, Indonesia và Việt Nam đã giải quyết được tranh chấp trên biển, cụ thể là đã kết thúc đàm phán về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước tại khu vực quần đảo Natuna ở Biển Đông. Thỏa thuận giữa Hà Nội và Jakarta sẽ chấm dứt những căng thẳng lâu nay giữa hai nước, nhưng chắc là sẽ khiến Trung Quốc giận dữ, vì Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền đối với một phần khu vực mà Indonesia và Việt Nam tranh chấp.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã công bố thỏa thuận này trong chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày của ông Phúc tại Indonesia tháng 12 năm ngoái.

Căng thẳng do đánh bắt cá
Trong những năm gần đây, Việt Nam và Indonesia thường xuyên gặp căng thẳng tại vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên nhau. Lực lượng tuần duyên Indonesia đã tịch thu và phá hủy hàng chục tàu thuyền Việt Nam trong vùng biển tranh chấp, đặc biệt là xung quanh quần đảo Natuna. Năm 2017, một tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị cáo buộc đã ngăn chặn một nỗ lực của Indonesia nhằm hộ tống các tàu Việt Nam ra khỏi khu vực tranh chấp. Trong vụ này, một sĩ quan Indonesia bị lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ.

Tháng 4/2019, một tàu Indonesia va chạm với 2 tàu Kiểm ngư Việt Nam. Năm 2019, Indonesia đã phá hủy 38 tàu treo cờ Việt Nam bị cáo buộc đánh bắt trái phép. Đến tháng 3 năm 2021, Cảnh sát biển Indonesia lại bắt giữ hai tàu đánh cá Việt Nam. Ngoài nguồn thủy sản dồi dào, khu vực tranh chấp ranh giới giữa hai nước cũng được coi là giàu tài nguyên thiên nhiên.

Thỏa thuận nói trên như vậy là sẽ góp phần chấm dứt nhiều năm đụng độ giữa hai nước trong khu vực tranh chấp, đặc biệt là về nạn đánh bắt cá trái phép. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 05/01/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

“ Sau khi hiệp định có hiệu lực thì tình trạng này bắt đầu mới giảm bớt được. Trong thời gian qua, một số ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt vì bị cho là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, nhưng các ngư dân Việt Nam khẳng định là họ đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam, chứ không phải của Indonesia. Nhưng điều này rất khó nói và khó tranh luận. Một trong những yếu tố dẫn đến việc Việt Nam vi phạm thẻ vàng về IUU Fishing ( đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định ), đó là có những khu vực mà rất nhiều tàu cá của Việt Nam bị cáo buộc xâm phạm vùng biển của những quốc gia khác, trong đó có Indonesia.

Sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực thì chuyện tranh cãi về việc ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Indonesia sẽ rõ ràng hơn, vì chắc chắn là khi phân định thì sẽ phân định rõ nơi nào thuộc đặc quyền kinh tế của Indonesia, nơi nào là của Việt Nam, nơi nào là vùng đánh cá chung của cả hai bên.”

Gợi ý cho những tranh chấp khác?
Trước mắt, các nhà phân tích tin rằng thỏa thuận giữa Indonesia với Việt Nam sẽ mở đường cho nhiều nước láng giềng của Trung Quốc giải quyết các yêu sách chủ quyền chồng lấn lên nhau ở Biển Đông. Ví dụ, Việt Nam cũng có tranh chấp tương tự với cả Philippines và Malaysia. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:

“Nó sẽ là gợi ý tốt cho Việt Nam và các các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp tương tự trên khu vực Biển Đông, bởi vì cơ sở của nó là luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, có các án lệ quốc tế liên quan đến phân định biển… Thực tiễn quốc tế mới là cơ sở để các quốc gia giải quyết vấn đề này.

Việt Nam cũng có những vùng chồng lấn tương tự với vùng biển của Philippines và Malaysia, tuy nhiên, tình huống cụ thể với mỗi bên có rất nhiều điểm khác biệt. Trong quần đảo Trường Sa, có một số thực thể mà cả Việt Nam, Malaysia đều khẳng định chủ quyền. Những thực thể đó có những vùng biển xung quanh mà cả ba quốc gia đều cho là của mình. Giải quyết vấn đề này sẽ rất khó khăn, nhưng rõ ràng việc Việt Nam và Indonesia kết thúc được hiệp định này cho thấy, thứ nhất là các quốc gia ASEAN trong khu vực Biển Đông có những tranh chấp về chồng lấn như vậy hoàn toàn có thể giải quyết được tranh chấp này trong hòa bình và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 40 năm Công ước này được ký kết.

Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp đầy phức tạp. Nếu các quốc gia ASEAN có tranh chấp Biển Đông mà giải quyết được những vấn đề khúc mắc của riêng mình, thì đó cũng là một điều tốt để cho vấn đề Biển Đông có thể được giải quyết tốt hơn. Nếu tất cả các quốc gia có tranh chấp chồng lấn như vậy mà giải quyết ổn thỏa được các vấn đề đó, thì chỉ còn lại vấn đề quan trọng nhất là đối với Trung Quốc. Điều đó cũng sẽ tạo một sức ép không nhỏ đối với Trung Quốc.”

Trong một bài viết trên trang Forbes ngày 27/12/2022, giáo sư Jill Goldenziel, Đại học Quốc Phòng Hoa Kỳ, cũng lưu ý rằng Việt Nam và Indonesia đã quyết định giải quyết tranh chấp ranh giới của họ dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), qua đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với vùng Biển Đông. Do đó, thỏa thuận này là một bước quan trọng hướng tới một mặt trận thống nhất giữa các nước láng giềng của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Việc lựa chọn UNCLOS làm cơ sở giải quyết tranh chấp ranh giới cũng ngầm thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 về vụ kiện của Philippines, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phản ứng của Trung Quốc ?
Giáo sư Goldenziel cũng nhấn mạnh là các chi tiết của thỏa thuận giữa Hà Nội và Jakarta vẫn chưa được công khai, bởi vì nếu làm như vậy, Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp ngoại giao, hoặc thậm chí quân sự mạnh mẽ. Cho tới nay, bất cứ khi nào một quốc gia láng giềng chính thức bày tỏ sự ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, Trung Quốc đều phản đối mạnh mẽ. Thỏa thuận Indonesia-Việt Nam được thông qua vào thời điểm Trung Quốc ngày càng hung hăng, khẳng định các yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông. Tại khu vực ranh giới giữa Indonesia và Việt Nam,Trung Quốc có thể triển khai lực lượng dân quân biển có vũ trang, đội lốt tàu cá, để xác quyết chủ quyền đối với khu vực.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nêu lên hai lý do khác:

“Trường hợp thứ nhất, thông thường, nếu một hiệp định đã được hoàn tất, thì theo trình tự, còn một bước nữa là Quốc Hội mỗi bên thông qua, thì nó mới chính thức có hiệu lực. Hiện nay vẫn chưa có lịch trình của cả hai bên, đặc biệt là bên phía Việt Nam, để thông qua văn bản này. Như thế là phải mất thêm một thời gian nữa. Trong thời gian đó hai bên sẽ đều giữ kín thông tin.

Khả năng thứ hai là hai bên đã kết thúc đàm phán, tức là đã đồng ý với nhau một số nguyên tắc cơ bản, nhưng còn những vấn đề cụ thể của hiệp định thì vẫn chưa hoàn tất. Thậm chí là có những vấn đề kèm theo hiệp định đó, ví dụ như những phụ lục hay những hiệp định kèm theo thì vẫn chưa xong. Cho nên, đó chỉ mới là bước đầu, chưa thật sự hoàn tất, chính vì vậy hai bên vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể trong lúc này.”

Giáo sư Goldenziel, tác giả bài viết trên trang Forbes ngày 27/12/2022, cho rằng thỏa thuận Indonesia-Việt Nam có thể là khuôn mẫu cho các nỗ lực phối hợp nhằm chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, và là một bước tiến tới một mặt trận Đông Nam Á thống nhất chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng có cùng nhận định:

“ Có ý kiến cho rằng Trung Quốc cũng không hài lòng về chuyện này, bởi vì cái quan trọng nhất là Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với ASEAN về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là về COC ( Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông ). Nhiều người cho rằng Trung Quốc vẫn muốn ngăn cản và chia rẽ các nước ASEAN. Chính vì vậy mà Trung Quốc sẽ tìm cách can thiệp vào hiệp định này. Cũng có người cho rằng, hiệp định dù có được ký kết thì cũng phải được Quốc Hội phê chuẩn. Đối với Quốc Hội Việt Nam thì chắc là không khó khăn lắm trong việc thông qua, khi mà chính phủ đã quyết định. Nhưng đối với Indonesia lại là chuyện khác. Ngay cả tại Indonesia cũng có những nhóm thân Trung Quốc hoặc không thân Trung Quốc, vì thế Trung Quốc cũng có thể tác động bằng cách này hay cách khác. Chỉ sau khi Quốc Hội Indonesia phê chuẩn thì lúc đó mới là chắc chắn. Khả năng là có thể xảy ra, bởi vì Trung Quốc sẽ tìm cách vận động khiến cho Quốc Hội có những tiếng nói khác biệt, dẫn tới việc phê chuẩn bị chậm trễ, hoặc kéo dài hoặc là chưa biết có được thông qua hay không.”

Sự hỗ trợ của Mỹ
Trong bài viết nói trên, giáo sư Goldenziel còn cho rằng thỏa thuận về biên giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia có thể góp phần giúp Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc trong khu vực. Theo giáo sư Goldenziel, Hoa Kỳ nên làm việc với Indonesia và Việt Nam để tăng cường thỏa thuận, nhằm hỗ trợ chiến lược quốc gia của Hoa Kỳ trong việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU Fishing), đồng thời khẳng định luật pháp ở Biển Đông.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới