Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ-Trung đang trong cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới?

Mỹ-Trung đang trong cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới?

Cuộc chiến ở Ukraine sắp bước sang năm thứ hai và sau khi để thua lực lượng Ukraine vào nửa cuối năm 2022, Nga có thể đang tìm kiếm thêm sự trợ giúp từ Trung Quốc. Ngày 22/2, tại Moskva, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương nghị đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, người nói rằng ông mong chờ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các quan chức Nga cho biết chuyến thăm dự kiến được tiến hành vào đầu tháng 3/2023.

Ảnh minh họa

Mỹ và các đồng minh ngày càng lo ngại về mối quan hệ gần gũi hơn của Trung Quốc với Nga. Moskva và Bắc Kinh khẳng định điều đó không liên quan gì đến các quốc gia khác, nhưng các chuyên gia cho rằng việc thiết lập quan hệ công khai giữa hai bên chắc chắn là một thông điệp gửi tới Mỹ.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất và trực tiếp nhất là Bắc Kinh có thể bắt đầu cung cấp vũ khí và đạn dược – hỗ trợ vũ khí sát thương – để giúp thúc đẩy cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Ngày 23/2, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng liên minh đã nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga và cảnh báo Bắc Kinh không nên có bất kỳ động thái nào cung cấp hỗ trợ quân sự cho Moskva. Các bình luận đó được đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả nếu nước này cung cấp hỗ trợ vật chất cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Phát biểu với CBS, Blinken nói: “Mối quan ngại của chúng tôi hiện nay là dựa trên thông tin mà chúng tôi có rằng họ đang xem xét cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương và chúng tôi đã nói rất rõ ràng với họ rằng điều đó sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng cho chúng tôi và trong mối quan hệ của chúng tôi”. Blinken đã nói rõ rằng ông đang đề cập đến vũ khí và đạn dược, nhưng không nhắc cụ thể loại vũ khí nào. Người phát ngôn Trung Quốc Uông Văn Bân đáp trả vào ngày hôm sau: “Chính Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đã đổ vũ khí vào chiến trường. Mỹ không có quyền bảo Trung Quốc phải làm gì”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “hậu quả” nếu Bắc Kinh cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho Moskva vào ngày 18/3 năm ngoái. Ông Stoltenberg nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi chưa thấy bất kỳ nguồn viện trợ vũ khí sát thương nào từ Trung Quốc sang Nga, nhưng chúng tôi đã thấy những dấu hiệu cho thấy họ đang xem xét và có thể lên kế hoạch cho điều đó. Đó là lý do tại sao Mỹ và các đồng minh khác đã cảnh báo rất rõ ràng về điều đó. Và Trung Quốc tất nhiên không nên ủng hộ cuộc chiến bất hợp pháp của Nga”.

Hiện chưa có bình luận ngay lập tức từ phía Trung Quốc, nhưng Bộ Ngoại giao nước này cho biết trước đó hôm 23/2 rằng bất kỳ thông tin tình báo nào về việc Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga mà Mỹ dự định tiết lộ đều là suy đoán.

Phương Tây đã cảnh giác với phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc chiến Ukraine, với một số quan chức cảnh báo rằng một chiến thắng của Nga sẽ củng cố các hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trung Quốc đã không lên án cuộc xung đột ở Ukraine hay gọi đó là một “cuộc xâm lược”. Ông Stoltenberg nói rằng Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã vi phạm Hiến chương LHQ. Ông nói: “Nguyên tắc cơ bản của Hiến chương là tôn trọng sự toàn vẹn của các quốc gia khác và không được triển khai hàng trăm nghìn quân xâm lược một quốc gia khác. Tất nhiên, Trung Quốc không nên là một phần của điều đó”.

Khi được hỏi Trung Quốc hy vọng đạt được gì từ việc công khai ủng hộ Putin khi nhà độc tài Nga tiếp tục cuộc tấn công vô cớ vào Ukraine, Tiến sĩ Evan Medeiros, một học giả về châu Á tại Đại học Georgetown, nhận định: “Một mặt, họ không muốn Nga sẽ thua. Mặt khác, họ [các nhà lãnh đạo Trung Quốc] biết rằng vận may kinh tế của họ gắn liền với các mối quan hệ ổn định với châu Âu và Mỹ”.

Ngày 23/2, phát biểu trên CBS, H.R. McMaster, cựu Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Donald Trump, cho rằng Nga rõ ràng đang tuyệt vọng tăng cường nguồn cung vũ khí đang cạn kiệt sau khi tiến hành chiến tranh bằng “các chiến thuật giống như Chiến tranh thế giới thứ nhất”, theo đó quân đội Nga đang tiêu tốn 60.000 viên đạn mỗi ngày. McMaster cho rằng Nga có khả năng sẽ hướng đến các đồng minh như Iran và Triều Tiên trước tiên để củng cố vũ khí của mình.

Lưu ý đến việc Bắc Kinh đang tăng cường mua dầu của Nga – nhiều hơn 60% trong năm ngoái, McMaster nói: “Trung Quốc đang hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga. Vì vậy, họ đang ‘tiếp lực’ cho Putin… để tiếp tục chiến tranh. Họ cũng đang cung cấp cho Nga vi mạch điện tử và các vật liệu khác – khiến Bộ Thương mại Mỹ đưa một số lượng lớn các công ty Trung Quốc vào ‘danh sách đen’”. Ông cho rằng câu hỏi hiện nay đối với Tập Cận Bình là liệu có đáng để “dồn mọi sức lực cho Nga” và mạo hiểm các mối quan hệ kinh tế quan trọng của đất nước ông với phương Tây hay không.

Medeiros, người từng là Cố vấn hàng đầu của chính quyền Obama về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang đi xuống kể từ khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua các địa điểm quân sự nhạy cảm hồi đầu tháng này. Medeiros nói: “Sự cố đó, kết hợp với việc Vương Nghị chỉ trích Mỹ và bây giờ là chuyến thăm của ông ấy tới Nga… rõ ràng đã vượt qua ngưỡng để trở thành một kiểu Chiến tranh Lạnh mới”.

Trung Quốc đã không né tránh các cơ hội để phô trương sức mạnh quân sự của mình cùng với Nga. Ngày 22/2, hai quốc gia đã phát động các cuộc tập trận quân sự chung với Nam Phi ngoài khơi bờ biển quốc gia châu Phi này. Các quan chức Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về thời điểm diễn ra các cuộc tập trận, trùng với mốc một năm cuộc chiến của Nga vào Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn mới, Biden chỉ trích quyết định của Putin dừng tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (New START) với Mỹ, gọi đó là “một sai lầm lớn” và “vô trách nhiệm”. Tuy nhiên, Biden không tin việc Nga rút khỏi hiệp ước có nghĩa là Putin đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

D.T.T

RELATED ARTICLES

Tin mới