Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Nắm đấm” trong bóng tối?

“Nắm đấm” trong bóng tối?

Im lặng không có nghĩa là không có gì xảy ra. Trong bóng tối, rất có thể, “nắm đấm” đang chuẩn bị được tung ra, nếu có có bằng chứng về việc Trung Quốc bán vũ khí cho Nga.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield

Tháng 8/2022, “lằn ranh đỏ” – một ẩn dụ ngụ ý có những giới hạn xác định đối với các hành động mà một quốc gia có thể chấp nhận, từ các quốc gia khác, vang lên từ Bắc Kinh với tần xuất dày đặc, khiến cả thế giới nín thở chờ đợi trong lo lắng.

Đận đó, Bắc Kinh nổi giận về việc Mỹ, dù khẳng định quan điểm “một Trung Quốc”, nhưng Chủ tịch Hạ viện nước này là bà Nancy Pelosi già nua vẫn tấp tểnh thăm Đài Loan – hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là “lãnh thổ thiêng liêng” phải được thu hồi về đại lục bằng mọi cách, kể cả bằng vũ lực.

Căng thẳng tới mức, trong cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Biden ngày 28/7, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh cáo: Trung Quốc coi việc bà Pelosi tới Đài Loan là hành động “chạm lằn ranh đỏ”, là “đùa với lửa”…; bên gây ra sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng…

Kết cục, hóa ra Trung Quốc tự biến mình thành “hổ giấy” trong mắt thiên hạ. “Người đàn bà thép” Pelosi vẫn tới Đài Loan gặp bà Thái Anh Văn; vẫn nói những lời tình nghĩa sau trước về trách nhiệm bảo vệ hòn đảo từ những đe dọa bên kìa bờ Đại lục.

Phản ứng sau đó của Trung Quốc cũng chỉ dừng ở một cuộc tập trận “vuốt đuôi” mô phỏng việc phong tỏa và cắt đứt các tuyến đường hậu cần xung quanh Đài Loan. Dữ dội hơn, là bắn bốn tên lửa khi chuyên cơ của bà Pelosi chỉ chút ít thời gian nữa là đáp xuống phi trường tận bên kia đại dương.

Lần này, nếu không tính việc ông Putin coi nỗ lực chiếm lại bán đảo Crimea của Ukraine như việc vượt qua “lằn ranh đỏ”, thì không phải Trung Quốc, chính phương Tây và Mỹ mới đang mỏi miệng nhất với cụm từ “lằn ranh đỏ” trước nghi vấn: Trung Quốc, một mặt ra vẻ anh hào, úp mở về cái gọi là “kế hoạch hòa bình cho Ukraine”, mặt khác, lại toan tính đoạt mối lợi lớn qua việc cung cấp vũ khí cho Kremlin đang quá mệt mỏi vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” kéo dài.

Ngày 20/2, đồng thời với đề cập cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang xem xét việc cung cấp vũ khí cho Nga, ông Josep Borrell – quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU – đã cảnh báo Trung Quốc không được vượt “lằn ranh đỏ” với việc làm đó.

Dù mang danh tiếng nói của “tập thể” là EU, nhưng thực ra, về bản chất, nhiều người hiểu tuyên bố của ông Borrell phụ họa đồng minh Mỹ. Nhận định càng có cơ sở hơn khi trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Thomas-Greenfield, đã chộp lấy câu hỏi của hãng CNN để gửi tới Bắc Kinh thông điệp: “Chúng ta phải hiểu rõ rằng nếu Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào có suy nghĩ, ý định cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng Nga sử dụng ở chiến trường Ukraine thì đó là điều không thể chấp nhận. Đó là lằn ranh đỏ”.

Trước việc cụm từ “lằn ranh đỏ” như thành cửa miệng trong chính giới các cường quốc, nhiều người tò mò rằng: Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga – nếu điều đó là thật, thì hậu quả Bắc Kinh gánh chịu sẽ là gì?

Đáp lại, tới lúc này, từ phía Mỹ vẫn chỉ là…im lặng.

Nhưng im lặng không có nghĩa là không có gì xảy ra. Xung đột giữa các quốc gia mà, nên đâu phải mọi chuyện có thể nói huỵch toẹt, trắng phớ. Trong bóng tối, rất có thể, “nắm đấm” đang chuẩn bị được tung ra, nếu có có bằng chứng về việc Trung Quốc bán vũ khí cho Nga.

“Nắm đấm” đó sẽ là gì: Cuộc chiến thương mại nóng trở lại? Hay cũng nóng trở lại cuộc chiến công nghệ với những đòn chí mạng mà Mỹ – bên đang nắm lợi thế – giáng vào Trung Quốc?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới