Cách đây 44 năm về trước vào ngày này (tức ngày 25 tháng 2 năm 1979), các đơn vị của sư đoàn 338 Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn tất chiến dịch phản công đặc biệt đánh thẳng vào lãnh thổ Trung Quốc.
Đây được coi là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, một đơn vị quân đội của Việt Nam tiến hành một chiến dịch tấn công trả đũa quân xâm lược Trung Quốc ngay trên đất nhà. Còn với Trung Quốc thì lần đầu tiên kể từ sau năm 1949, bị quân đội nước ngoài đánh vào lãnh thổ nước này, trận đánh này cũng đã có một số bên chia sẻ.
Sư đoàn bộ binh 338 một trong bốn sư đoàn bộ binh chủ lực của Quân khu 1, vào thời điểm của chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Lúc bấy giờ dọc theo đường biên giới Việt-Trung, mỗi sư đoàn của Quân khu 1 sẽ chịu trách nhiệm một đoạn biên giới.
Cụ thể, tính từ Tây sang Đông lần lượt sẽ là; Sư đoàn bộ binh 346 ở Cao Bằng, sư đoàn 3 Sao Vàng ở Đồng Đăng, Văn Lãng, Cao Lộc và thị xã Lạng Sơn đây là hướng chính diện của mặt trận Lạng Sơn; sư đoàn bộ binh 338 đóng trên tuyến Lộc Bình, Đình Lập, An Châu nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh; sư đoàn bộ binh 325B ở Tiên Yên, Bình Liêu, Quảng Ninh và cuối cùng là lữ đoàn phòng thủ đảo 242 đảm nhiệm hướng biển và tuyên đảo Quảng Ninh.
Đầu năm 1978, sư đoàn 338 đang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế thì nhận được mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng phải gấp rút phát triển thành sư đoàn bộ binh thường trực sẵn sàng chiến đấu bao gồm: 3 trung đoàn bộ binh 460, 461, 462. Trung đoàn pháo binh 208 cùng 6 tiểu đoàn và một đại đội độc lập. Đồng chí Đào Dũng- Sư đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đức Quang- Quyền Chính ủy sư đoàn.
Như chúng ta đều biết một sư đoàn bộ binh đủ quân phải biên chế từ 8.000 đến 10.000 người, vậy mà thời điểm đó sư đoàn bộ binh 338 chỉ có khoảng 1000 cán bộ chiến sỹ phải gấp rút tiếp nhận và huấn luyện quân bổ xung, tiếp nhận vũ khí, khí tài, vật tư trang bị kho tàng, doanh trại, để phát triển thành sư đoàn bộ binh đủ biên chế có cả trung đoàn pháo binh cơ hữu.
Đây là một khó khăn rất lớn trong khi tình hình biên giới phía Bắc rất căng thẳng diễn biến nóng lên từng ngày.
Tháng 10 năm 1978, sư đoàn bộ binh 338 được lệnh cơ động về địa bàn phụ trách đảm nhiệm phòng ngự trên tuyến Lộc Bình, Đình Lập, phía Đông của tỉnh Lạng Sơn với chính diện phòng ngự 57km, chiều sâu khu vực phòng ngự là 80km, sở chỉ huy và căn cứ hậu phương cơ bản bố trí ở Đông Nam điểm cao 364, sở chỉ huy và căn cứ hậu cần tiền phương ở nam điểm cao 575.
Sáng sớm ngày 17/2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, quân xâm lược Trung Quốc huy động sáu chục vạn quân cùng xe tăng, pháo binh đồng loạt tiến công vào Việt Nam trên sáu tỉnh biên giới phía Bắc. Lúc này Bộ tư lệnh Sư đoàn 338 nhận được điện của Quân khu: “Trung Quốc đã dùng lực lượng tiến công vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, các đơn vị vào sẵn sàng chiến đấu cao nhất, các sư đoàn, các tỉnh ở biên giới vào báo động cấp 1. Khi địch tiến công ở khu vực phòng thủ phải dùng mọi vũ khí tiêu diệt bộ binh, xe tăng địch, các đơn vị phòng không sẵn sàng đánh máy bay địch, Sở chỉ huy các cấp vào vị trí chỉ huy, các đơn vị, các tỉnh phía sau chuẩn bị hầm hào phòng tránh máy bay địch tập kích, các đường giao thông biên giới vào nội địa phải cắt dây điện thoại, phá cầu giao thông, ngăn cơ giới địch, bảo đảm thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời.”
Sau khi nhận lệnh sư đoàn đã cho các đơn vị vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên trên hướng phòng ngự của sư đoàn kẻ địch vẫn chưa có hoạt động gì lớ. Trên dải phòng ngự của Sư đoàn 338 chúng chỉ đánh vào bản Chắt, thuộc huyện Đình Lập, Chi Ma và Ba Sơn thuộc huyện Lục Bình.
Trên mặt trận Lạng Sơn hướng tiến công chủ yếu của địch là vượt qua Hữu nghị Quan đánh vào khu vực phòng ngự của Sư đoàn 3 Sao Vàng để chiếm Đồng Đăng. Sau đó phát triển vào thị xã Lạng Sơn, vì vậy khu vực phòng ngự của sư đoàn bộ binh 338 nằm ở bên sườn phía Đông hướng tiến công của địch không phải chịu áp lực lớn.
Sau khi nhận định tình hình và được sự đồng ý của cấp trên, Bộ Tư lệnh sư đoàn bộ binh 338 đã đưa ra quyết định táo bạo. Thay vì thụ động phòng ngự sẽ cho một bộ phận chủ động xuất kích tấn công sang đất Trung Quốc tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy giao thông hậu cần để chia lửa hỗ trợ cho các đơn vị bạn trên hướng chính, đòn tấn công này sẽ đánh cạnh sườn mũi tấn công của Trung Quốc gây khó khăn đáng kể cho chúng khi tấn công trên hướng Đồng Đăng, Lạng Sơn.
Để thực hiện phương án này, Bộ Tư lệnh sư đoàn 338 đã sử dụng lực lượng trung đoàn thiếu để đánh sang Trung Quốc. Trung đoàn bộ binh 460 để lại tiểu đoàn 3 để bảo vệ các trận địa chốt, sử dụng hai tiểu đoàn bộ binh 1 và 2 cùng các phân đội bảo đảm do trung đoàn trưởng trung đoàn pháo Nghiêm Xuân Nhuận trực tiếp chỉ huy để tiến công sang đất Trung Quốc.
Hướng tiến công xuất phát từ khu vực bản Chắt, xã Bình Xá, huyện Đình Lập của Việt Nam đánh vào khu vực bản Lạ huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Do không phải hướng tác chiến chính ở khu vực này quân Trung Quốc chỉ bố trí đại đội 2 thuộc trung đoàn 1 biên phòng Quảng Tây và lực lượng dân binh địa phương phòng thủ biên giới, các đơn vị chủ lực của địch đã dồn vào hướng chính diện mặt trận Lạng Sơn. Đây là thời cơ rất tốt để mũi tiến công của sư đoàn 338 hoàn thành nhiệm vụ.
Theo thông tin từ phía Trung Quốc, rạng sáng ngày 21 tháng 2 năm 1979, đại đội công binh 16 của trung đoàn 460 đã dùng mìn bộc phá mở cửa, sau đó không cần bộ binh lên mà chủ động tiến công nhổ đồn biên phòng của Trung Quốc, đánh chiếm trận địa do một trung đội Trung Quốc bảo vệ thu một đại liên để mở đường cho lực lượng của trung đoàn.
Đến 4h30 sáng ngày 23/2/1979, pháo binh sư đoàn 338 bắt đầu bắn chuẩn bị. Theo phía Trung Quốc thì pháo binh của sư đoàn 338 đã bắn đến 4.000 viên đạn trong vòng 5 tiếng đồng hồ vào các trận địa của Trung Quốc. Đến 5 giờ sáng lực lượng của trung đoàn 460 và các đơn vị tăng cường của sư đoàn 338 bắt đầu chia làm 3 mũi, vượt biên giới từ khu vực Tam Lọng, mốc 54 Khuổi Dài để đánh sang đất địch.
Mũi tiến công thứ nhất, do Chủ nhiệm công binh Sư đoàn 338, Anh hùng lực lượng vũ trang Nông Văn Nghi trực tiếp chỉ huy, đi trước mở đường thọc sâu vào đất địch hơn 20 km, đánh phá giao thông, phá hủy hai cây cầu mỗi cây cầu dài 24 m.
Mũi tấn công thứ hai, do tiểu đoàn bộ binh 1 của trung đoàn 460 đảm nhiệm theo quốc lộ 31 vượt qua biên giới ở khu vực mốc 54 tiến công trên cánh trái.
Mũi tấn công thứ ba, là tiểu đoàn bộ binh 2 của trung đoàn 460 theo đường mòn tiến công trên cánh phải. Đêm ngày 23 tháng 2 năm 1979, hai tiểu đoàn của ta đã gặp nhau tại ngã ba Nậm Mạ cách biên giới 10km.
Sáng ngày 24 tháng 2 quân ta bắt đầu đánh chiếm các điểm cao 518, 480 và 554 do dân binh Trung Quốc đóng giữ.
Sáng ngày 25 tháng 2 đã đánh chiếm đồi không tên ở khu vực bản Lạ, do một đại đội Trung Quốc phòng thủ.
Cuộc tấn công của Sư đoàn bộ binh 338 đã gây bất ngờ lớn cho phía Trung Quốc, bởi vì họ không nghĩ khi đã bị đánh rất mạnh trên toàn tuyến biên giới mà quân đội nhân dân Việt Nam lại chủ động tiến công sang đất đối phương. Ngay sau khi nhận được tin mất đồn biên phòng và quân Việt Nam đang tiến sâu vào đất Trung Quốc, Bộ Tư lệnh quân khu Quảng Tây lập tức yêu cầu các đơn vị biên phòng phải chiếm lại trận địa bằng mọi giá và ra lệnh cho trung đoàn 1 biên phòng điều 1 tiểu đoàn tăng cường tới tiếp viện. Phân khu Nam Ninh ra lệnh tổng động viên dân binh trong 14 huyện thị và cử Tư lệnh cùng phó Tư lệnh trực tiếp tới chỉ huy. Huyện Ninh Minh tăng viện ngay một đại đội bộ binh, một trung đội pháo binh, một trung đội đại liên từ lực lượng dân mình tại chỗ. Đồng thời, trung đoàn dân binh huyện Ninh Minh cử một đại đội bộ binh, một đại đội thông tin và hai đại đội súng cối 82 ly hành quân gấp từ vị trí cách mặt trận 110 km.
Tối ngày 25 tháng 2 Sư đoàn 148 quân đoàn 50 của Trung Quốc đang làm dự bị cho hướng tiến công phía Đông được lệnh điều trung đoàn 442 phối thuộc tiểu đoàn 5 trung đoàn một biên phòng có pháo binh sư đoàn chi viện di chuyển về hướng bản Lạ để tổ chức phản kích, trung đoàn 443 làm thay đội 2 và trung đoàn 444 làm dự bị.
Như vậy là đòn tiến công của Sư đoàn 338 vào đất địch đã đạt được mục đích khi lôi kéo và thu hút được cả một sư đoàn chủ lực của địch cùng với nhiều đơn vị biên phòng và dân binh của địch về phía mình chia lửa cho các đồng đội của Sư đoàn 3 Sao Vàng trên hướng chính diện mặt trận.
Về phía Việt Nam, sau khi đánh chiếm bản Lạ, mũi tiến công của trung đoàn bộ binh 460, sư đoàn 338 tiếp tục phát triển chiến đấu có bộ phận vào sâu đến cách biên giới 25km.
Theo một số thông tin không chính thức, bộ đội trinh sát của sư đoàn 338 và trinh sát quân báo của Cục 2 đã luồn sâu vào tập kích sân bay Ninh Minh sâu trong nội địa Trung Quốc.
Dĩ nhiên đây chỉ là những thông tin không chính thức nhưng đặt trong bối cảnh câu chuyện là điều rất có khả năng xảy ra, còn phía Trung Quốc sau này tuyên bố; các đơn vị Việt Nam chỉ vào sâu trong đất Trung Quốc khoảng 5km, từ ngày 25 tháng 2 trở đi các mũi tiến công của Việt Nam đã bị quân Trung Quốc chặn lại trong đó cối 82 ly của Trung Quốc đã bắn 1.134 viên đạn. Đến lúc này trung đoàn 460 biên chế thiếu nhận được lệnh ngay trong đêm 25 tháng 2 rút toàn bộ lực lượng về khu vực bản Chắt trên lãnh thổ nước ta.
Từ ngày 27/2 đến ngày mùng 4 tháng 3 năm 1979, trung đoàn 460 chuyển sang chiến đấu bảo vệ trận địa trước các đợt tấn công của trung đoàn 442 của Trung Quốc.
Phía Việt Nam tuyên bố đã tiêu diệt một trung đội biên phòng, một đại đội bộ binh diệt 80 tên, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Trung Quốc diệt 320, tên phá hủy hai cây cầu cùng nhiều cơ sở hậu cần giao thông, trang bị vũ khí của Trung Quốc. Trong khi đó phía Trung Quốc tuyên bố đã hạ 71 lính Việt Nam và bắt sống một tù binh, thu 16 đại liên và trung liên, 25 tiểu liên và 12 súng B40, B41.
Mặc dù vậy, phía Trung Quốc đánh giá rất cao đợt tác chiến từ 22 tháng 2 đến ngày 25 tháng 2 năm 1979, của trung đoàn bộ binh 460. Họ nhận xét đây là lần đầu tiên kể từ năm 1949, một quân đội nước ngoài đánh vào lãnh thổ Trung Quốc thành công. Có lẽ do không muốn làm gia tăng căng thẳng nên cấp trên chỉ cho phép Sư đoàn bộ binh 338 sử dụng lực lượng trung đoàn thiếu thực hiện một đòn tấn công ở cấp chiến thuật vào đất địch nhằm chia lửa cho đơn vị bạn. Tuy nhiên đòn đánh này đã có hiệu quả rất lớn tiêu diệt được nhiều sinh lực địch thu hút, câu kéo được rất nhiều quân địch, với hướng tiến công của sư đoàn giảm áp lực cho các đơn vị bạn.
Về phần Sư đoàn bộ binh 338 trong suốt một tháng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, sư đoàn đã thực hiện 3 đợt hoạt động lớn, đã đánh 28 trận với quy mô từ đại đội đến trung đoàn có hiệp đồng quân binh chủng. Sư đoàn đã tiêu diệt được khoảng 7.500 tên địch, đánh thiệt hại nặng một trung đoàn, 5 tiểu đoàn bộ binh và một trung đoàn pháo binh, diệt gọn ba đại đội, thu một số vũ khí tiêu dùng và trang bị quân sự của địch, lực lượng của sư đoàn 338 đã phá hủy 7 khẩu đại liên, 11 khẩu DKZ, 6 khẩu lựu pháo 122 ly, 6 pháo hỏa tiễn H12, hai khẩu cối 120 ly, 4 xe quân sự, hai xe công binh, phá hủy 2 cầu của địch, bắn cháy một kho đạn.
Theo cuốn “Không được đụng đến Việt Nam” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ,với các thành tích trong chiến đấu Sư đoàn 338 đã được Quốc hội và chính phủ tặng thưởng nhiều huân huy chương cho tập thể và cá nhân xuất sắc. Đặc biệt đồng chí Lý Trung Phẩm, thuộc đại đội 10 tiểu đoàn 3 trung đoàn 460 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, sư đoàn 338 đã chuyển thành Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338 đứng chân trên địa bàn huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trồng rừng, bảo vệ rừng khu vực vành đai biên giới, xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ nhân dân và có thể chuyển thành đơn vị chiến đấu khi cần.
T.P