Theo số liệu mới công bố của Ban Dân số Liên Hiệp Quốc, dân số châu Á đang già đi nhanh hơn bất kỳ châu lục nào khác, dẫn đến tình trạng báo động về việc thiếu lực lượng lao động cần thiết cho tương lai.
Một trong những thách thức chính mà thế giới sẽ phải đối mặt trong những thập niên tới đó là sự già hóa dân số. Theo thống kê mới đây của Ban Dân số Liên Hiệp Quốc, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến tăng gấp đôi trong 3 thập niên tới, vào khoảng 1,6 tỉ vào năm 2050, trong đó châu Á đang dẫn đầu xu hướng này.
Với tỷ lệ sinh giảm kỷ lục, số người trong độ tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán nan giải này. Tỷ lệ người trên 65 tuổi ở các nước này ngày càng tăng, khiến cho nền kinh tế của họ gặp khó khăn do thiếu lao động, đồng thời đặt gánh nặng lên vai các chính phủ trong việc tìm nguồn tiền để hỗ trợ người về hưu cũng như đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.
Tình trạng đáng báo động
Tại Nhật Bản, theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Nhật Bản năm 2022, phân bố dân số đã thay đổi khá nhiều từ năm 1950 đến nay bởi sự sụt giảm của cả tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử. Dự báo, tỷ lệ dân số già trong cơ cấu dân số nước này sẽ tăng lên 31,2% vào năm 2030, 35,4% vào năm 2040, 37,7% vào năm 2050 và 38,1% vào năm 2060.
Bà Motoko Rich, trưởng văn phòng tờ The New York Times tại Tokyo, cho biết hiện ở Nhật Bản có tới 1/3 dân số trên 65 tuổi. Trong khi đó, con số này ở Mỹ chỉ vào khoảng 17%.
Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo rằng sự suy giảm dân số đang đưa đất nước “đến bờ vực rối loạn chức năng xã hội”.
Ở Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á cũng đang lâm vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc sau khi dữ liệu mới cho thấy số trẻ sinh ra trong năm 2022 ở mức thấp kỷ lục. Theo số liệu mà Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 22.2, chỉ có 249.000 trẻ được sinh ra vào năm 2022, giảm 4,4% so với năm 2021 và là năm thứ ba liên tiếp số ca tử vong vượt quá số ca sinh.
Tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Vào năm 2021, số lượng các cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc ở mức thấp nhất mọi thời đại là 193.000. Tỷ lệ sinh con trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc hiện chỉ là 0,78, mức thấp nhất từ năm 1970, khiến nước này trở thành nước duy nhất trên thế giới có tỷ lệ sinh dưới 1. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ này ít nhất phải là 2,1 để giữ cho dân số của Hàn Quốc ổn định ở mức 52 triệu người.
Ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều cảnh báo lo ngại cho nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này ghi nhận mức suy giảm dân số kỷ lục kể từ năm 1961. Điều này có thể đe dọa đến vị trí của quốc gia đông dân nhất thế giới với lực lượng lao động dồi dào của Trung Quốc. Năm 2022, lần đầu tiên trong 6 thập niên, số ca tử vong ở Trung Quốc vượt quá số ca sinh. Dân số Trung Quốc đại lục cũng giảm hơn 850.000 người xuống còn 1,41 tỉ người vào năm 2022.
Tờ The Wall Street Journal đánh giá xu hướng giảm dân số xuất hiện nhanh hơn so với dự đoán của Trung Quốc và có thể gây ra nhiều tác động phức tạp tới nền kinh tế nước này, nhất là trong bối cảnh nước Bắc Kinh đang thúc đẩy mục tiêu phục hồi hậu đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, dân số giảm còn khiến thị trường tiêu dùng của Trung Quốc “co lại”. Đây chính là sức ép lớn khi họ đang thúc đẩy đà tăng trưởng thông qua mô hình kinh tế thúc đẩy tiêu thụ nội địa thay vì tập trung vào đầu tư hay xuất khẩu.
Gặp những em bé chào đời khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỉ người
Nguyên nhân và tác động
Đến nay, già hóa dân số không còn là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, tác động của nó tới nền kinh tế là rất đáng báo động.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản và Hàn Quốc là do ngày càng nhiều người trẻ chọn trì hoãn việc lập gia đình hoặc từ bỏ hoàn toàn việc có con vì cho rằng chi phí nuôi con cao. Hơn nữa, triển vọng việc làm kém trong bối cảnh kinh tế suy thoái và giá bất động sản tăng cao, trong khi một số phụ nữ theo quan điểm ưu tiên tự do cá nhân hơn và loại trừ việc tìm bạn đời cũng là những yếu tố chính khiến tỷ lệ già hóa dân số ở các nước này ngày càng cao.
Trong khi đó, nguyên nhân già hóa dân số nhanh chóng ở Trung Quốc chính là do “chính sách một con”. Năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách này nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Bên cạnh đó, tư duy về kết hôn và lập gia đình ở người trẻ Trung Quốc cũng có những thay đổi lớn.
Dù đã nới lỏng chính sách một con nhưng
Báo cáo Xã hội Thế giới của Liên Hiệp Quốc viết rằng: “Già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu rõ ràng của thời đại chúng ta và một trong số những thách thức chính đối với các quốc gia có dân số già là đảm bảo nền kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng của số lượng người già ngày càng tăng”.
Các chuyên gia cho rằng tác động của già hóa dân số vô cùng phức tạp nhưng chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia bởi sự thiếu hụt nhân lực lao động. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều là nền kinh tế lớn tại khu vực nên vô hình trung sẽ khiến tốc độ phát triển kinh tế của toàn bộ châu Á bị ảnh hưởng không nhỏ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tình trạng già hóa dân số sẽ ngày càng tạo gánh nặng đối với các chương trình an sinh xã hội như giảm nguồn thu, sự đóng góp của lao động trực tiếp giảm xuống. Hơn nữa, một khi chất lượng cuộc sống của người già không được cải thiện sẽ dẫn đến nhu cầu chăm sóc y tế tăng cao, tạo áp lực lên các chương trình y tế và gánh nặng lớn đối với các chương trình an sinh xã hội.
Tăng trưởng dân số giảm, Trung Quốc đối mặt khủng hoảng “chưa giàu đã già”
Giải pháp nào cho bài toán?
Các quốc gia đang trong tình trạng già hóa dân số đã triển khai một số giải pháp để cải thiện tình hình như khuyến khích đẻ con thứ hai, thứ ba, thực thi các chính sách hỗ trợ gia đình trẻ, xây dựng môi trường thân thiện với trẻ em… Một số nước cũng tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp, loại bỏ các rào cản đối với việc tham gia lực lượng lao động tự nguyện của người già hoặc bằng cách đảm bảo tiếp cận công bằng với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cơ hội làm việc trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, không phải giải pháp nào cũng mang lại hiệu quả như trông đợi.
Hiện nay, giống như Nhật Bản, chính quyền địa phương ở Hàn Quốc đã triển khai các chương trình khuyến khích người dân sinh con, bao gồm hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ điều trị sinh sản và chi phí y tế. Tháng 12.2022, chính phủ Hàn Quốc đã công bố một gói các biện pháp nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp và dân số già, bao gồm rút ngắn thời gian nghỉ việc cho phụ nữ sau khi sinh, nhà ở giá cả phải chăng hơn và cơ hội việc làm tốt hơn cho những người trẻ tuổi. Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đang hỗ trợ 700.000 won/tháng (540 USD) cho các gia đình có con dưới 1 tuổi và dự kiến sẽ tăng lên 1 triệu won trong năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các biện pháp này không giải quyết được vấn đề chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng và thái độ thay đổi đối với vai trò và công việc của giới.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tìm cách nới lỏng các hạn chế đối với lao động nhập cư để giải quyết tình trạng suy giảm dân số dù nhiều người Hàn Quốc đang phản đối kịch liệt ý tưởng này. Nhật Bản cũng thử nghiệm nhận thêm nhiều lao động nhập cảnh nhưng vẫn chưa triển khai ở quy mô lớn, chưa đủ để gây ảnh hưởng đến dân số. Trong khi đó, Trung Quốc có dân số và diện tích quá lớn, người nhập cư sẽ không thể là một giải pháp cho vấn đề này.
Tình trạng già hóa dân số là một trong những vấn đề đáng bảo động bởi nó đe dọa tính bền vững của các thể chế tài khóa, gây ra các gián đoạn liên quan đến phổ biến công nghệ, gia tăng bất bình đẳng, tình trạng di cư nhanh chóng trong khu vực cũng như hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô thông thường, đồng thời gây khó khăn cho việc phát triển các chính sách hướng tới tương lai.
Chính vì vậy, các quốc gia đang và sắp rơi vào tình trạng già hóa dân số nhanh chóng cần phải có các giải pháp khả thi, theo đuổi các cải cách cơ cấu kịp thời và thiết lập cơ sở tài chính để cải thiện an sinh xã hội và tăng cường tính toàn vẹn của nền kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, sự già hóa dân số ở một số nước châu Á hiện nay cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều nước đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Họ có thể rút kinh nghiệm để có cơ hội lập kế hoạch trước và thực hiện các biện pháp phù hợp trước thời hạn, để quản lý hiệu quả những thách thức đi kèm với dân số già.