Trung Quốc đã chính thức xác thực tình trạng sụt giảm của dân số đầu năm nay. Điều này làm dấy lên lo ngại về một tương lai ảm đạm:“chưa giàu đã già” của cường quốc tham vọng này.
Các cơ quan truyền thông Trung Quốc, trong đó có tờ Liên hợp buổi sáng của Hong Kong, vừa nêu số liệu chính thức của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc. Theo đó, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc, thời điểm này, chỉ còn quanh quẩn mức 1-1,1, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 1,8 của chính phủ; số ca sinh chỉ còn ở mức 9,5 triệu người. Điều đó kéo theo việc dân số năm 2022 của Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm trong 60 năm qua, sớm hơn 10 năm so với dự đoán của Chính phủ.
Để dễ hình dung, chỉ cần nhìn vào số liệu: số nhân khẩu gia tăng hằng năm ở Trung Quốc vài năm qua chỉ vào khoảng chưa đầy nửa triệu người. Nửa triệu người sinh ra ở một quốc gia 1,4 tỷ người – con số đó khiến nhiều người bất ngờ. Câu chuyện càng đáng quan tâm hơn khi biết rằng: từ năm 2016, trước nguy cơ đối mặt với tình trạng dân số già, Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách mỗi gia đình chỉ sinh một con. Cùng với bãi bỏ, nước này còn đồng thời khuyến khích các cặp vợ chồng sinh 2 con bằng một số chính sách cụ thể, nhờ vào những nền tảng kinh tế vững chắc đạt được sau hơn 40 năm cải cách mở cửa.
Mặc dù vậy, sự suy giảm dân số vẫn diễn ra và có xu hướng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy mô hình gia đình “một con” đã ăn sâu vào tâm lý người Trung Quốc hiện nay như thế nào, ngược hẳn với trước kia, chính quyền chỉ đạt được điều đó bằng những quy định pháp luật cứng rắn và nghiêm khắc.
Không khó truy tìm nguyên nhân của tình trạng trên.
Cùng với các nguyên nhân như: tỷ lệ vô sinh có xu hướng tăng; tâm lý “ngại nuôi con”, tác động của chính sách hạn chế sinh đẻ làm thay đổi nhận thức, áp lực của công việc…, các chuyên gia còn nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế. Nói cách khác, khó khăn về kinh tế khiến nhiều người Trung Quốc trẻ hiện nay phải “hy sinh” ít nhiều đường con cái. Thậm chí, nhiều người còn không muốn sinh con và giải thích như một sự đố kỵ: họ không muốn con họ không được chăm sóc, nuôi nấng chu đáo, đầy đủ như con người khác…
Cho dù vì lý do gì, thì tình trạng sụt giảm dân số diễn ra nhanh hơn dự tính đã và đang khiến những nhà lãnh đạo quốc gia đông dân thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) này lo ngại về những hậu quả kéo theo.
Thứ nhất, như một quy luật, già hóa dân số sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế. Sau hơn 4 thập kỷ tăng trưởng thần kỳ, GDP bình quân đầu người Trung Quốc hiện đạt xấp xỉ 13 nghìn USD/năm, đồng nghĩa việc Trung Quốc đã trở thành quốc gia tỷ dân đầu tiên trên thế giới chính thức vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình, bắt đầu bước sang ngưỡng thu nhập cao.
Éo le thay, chính sách kiềm chế sinh đẻ từng góp phần quan trọng nâng mức sống của người dân Trung Quốc, thì nay, chính nó lại khiến Trung Quốc lâm vào thế bí do thiếu nguồn nhân lực để giúp duy trì tăng trưởng, nhất là nhân lực trẻ cho các ngành công nghệ, dịch vụ, tin học…
Thứ hai, già hóa dân số đồng nghĩa với nhiều thách thức về an sinh xã hội. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực lớn về lương hưu, trợ cấp, chăm sóc người cao tuổi, về hệ thống y tế…
Thứ ba, điều ít được đề cập, nhưng là sự thật: già hóa dân số còn khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc duy trì lực lượng quân đội quy mô lớn cũng như tăng cường hơn nữa sức mạnh vũ trang, phục vụ cho việc hiện thực hóa mục tiêu thành cường quốc số một thế giới, thỏa giấc mơ đại Hán nghìn đời.
T.V