Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Sáng kiến” hay “tối kiến” về nạn thất nghiệp ở TQ

“Sáng kiến” hay “tối kiến” về nạn thất nghiệp ở TQ

Lưỡng Hội năm 2023 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc trong hai ngày tới. Đây là hai cuộc họp quyết định các kế hoạch cho năm tiếp theo của chính quyền Bắc Kinh. Mới đây, một đại biểu Quốc hội Trung Quốc đã đề xuất chính quyền định hướng cho sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập hàng ngũ “nông dân chất lượng cao”.

Các sinh viên tốt nghiệp đại học đang tham dự một hội chợ việc làm ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 21/3/2021.

Theo tờ The Paper của Trung Quốc đưa tin vào ngày 1/3, Trung Quốc sẽ lần lượt tổ chức phiên họp đầu tiên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Khóa 14 và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Khóa 14 vào ngày 4/3 và 5/3. Hai cuộc họp thường niên này được gọi chung là “Lưỡng Hội”.

Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc tương đương với Quốc hội. Ông Trương Thiên Nhậm (Zhang Tianren) là đại biểu Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cổ phần Thiên Năng, Bí thư Đảng ủy thôn Tân Xuyên thuộc thị trấn Môi Sơn, huyện Trường Hưng, thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang.

Trong cuộc họp sắp tới, ông Trương dự định sẽ đệ trình “Đề xuất định hướng sinh viên đại học gia nhập hàng ngũ nông dân chất lượng cao để thúc đẩy chấn hưng nông thôn”. Ông nói rằng, những sinh viên tốt nghiệp đại học nên được hướng dẫn tham gia “đội ngũ nông dân chất lượng cao”, điều này không chỉ có thể giải quyết vấn đề khó tìm việc làm cho sinh viên đại học mà còn mang lại cho nông thôn nhiều nhân tài hơn, nhiều cơ hội phát triển hơn, để đáp ứng nhu cầu chấn hưng và phát triển nông thôn.

Nhưng ông cũng cho rằng, trên phạm vi toàn quốc, sinh viên đại học sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về chính sách để trở thành “nông dân chất lượng cao”. Do đó, ông đưa ra bốn đề xuất, đó là:

Tăng mức lương và phúc lợi cho sinh viên đại học khi làm việc ở nông thôn;
Cải thiện hệ thống an sinh xã hội liên quan;
Thành lập cơ quan quản lý việc làm và khởi nghiệp tại nông thôn cho sinh viên đại học;
Thiết lập tiêu chuẩn tư cách đầu vào cho sinh viên đại học khi gia nhập hàng ngũ nông dân chất lượng cao, đồng thời nghiên cứu và hình thành các chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Sau khi tin tức trên xuất hiện đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa người dân ở Trung Quốc. Vào chiều ngày 1/3, chủ đề “Định hướng sinh viên đại học trở thành nông dân chất lượng cao” đã đứng đầu danh sách tìm kiếm trên cả Baidu và Weibo Trung Quốc. Cư dân mạng bình luận:

“Nông dân trở thành một nghề từ bao giờ? Việc chia nông dân thành nông dân chất lượng cao và nông dân chất lượng thấp là không phù hợp. Chúng ta không tổ chức phân loại nông dân”.
“Sau khi học đại học về nhà làm nông?”.
“Từ bao lâu nay, đi học là vì muốn thoát khỏi nông thôn. Giờ lại quay trở về”.
“Đề nghị mọi người bớt đi đường vòng 4 năm (đại học), hãy về thẳng quê mà làm ruộng”.
“Có được cấp ruộng không? Hay là đất nông nghiệp thành nhà xưởng, xí nghiệp hết rồi? Nói chung là phải có người trả lương chứ?”.
“Có lương thì dễ nói chuyện”.
Cũng có những cư dân mạng chỉ trích:

“Bản thân chuyên gia thì cho con mình đi du học, nhưng lại để con nhà người khác về quê làm ruộng. Mấy ông đúng là”.
“Đề nghị mấy vị đại biểu và con cái của họ gia nhập đội ngũ nông dân trước, đích thân xuống ruộng trải nghiệm”.
“Suốt ngày nói kiến nghị của dân chúng là không hợp lý, không nhìn lại mấy ông đại biểu xem! Đề xuất nào cũng thật ngớ ngẩn”.
Ông Băng Bân Binh (Bing Binbing), một người làm truyền thông, đồng thời là biên tập viên đài phát thanh và truyền hình tại Trung Quốc đại lục, cũng viết một bài trên Weibo để thảo luận về chủ đề liên quan. Ông nói:

“Việc làm, đây là vấn đề luôn được nhân dân quan tâm thảo luận!

“Đề xuất của vị chuyên gia kia, nói mỹ miều chút thì là định hướng sinh viên gia nhập hàng ngũ nông dân chất lượng cao, nói thẳng ra thì là sau khi tốt nghiệp xong cho sinh viên ‘lên núi về làng’.

“Mặc dù nói thị trường nông thôn rất rộng, có triển vọng, đề xuất của chuyên gia cũng không phải là không có lý. Tuy nhiên, liệu chính sách này có được thực thi hiệu quả không? Chế độ đãi ngộ có tương xứng hay không? Đây đều là vấn đề cần xem xét, không thể chỉ nêu vấn đề mà không có kế hoạch tầm nhìn dài hạn”.

Ông Băng Bân Binh cũng đặt câu hỏi: “Nếu đó là một sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp thì không sao. Dù sao thì chuyên ngành này cũng phù hợp. Nhưng nếu học chuyên ngành khác xa nông nghiệp, bắn đại bác cũng không tới, thì làm sao để cân bằng khoảng cách về tâm lý?”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới