Thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu, cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta tiếp tục chậm lại trong những tháng đầu năm 2023.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, Bộ Công thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu đã có sự sôi động trở lại trong tháng 2/2023, sau khi tăng chậm trong tháng 1 do có nhiều ngày nghỉ Tết.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 2 ước đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta tiếp tục chậm lại trong những tháng đầu năm 2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD.
Có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 03 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).
Phân tích thêm về xu hướng giá hàng hóa xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết, giá xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết mặt hàng đã góp phần giảm tăng trưởng xuất khẩu chung.
Đơn cử, giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản như nhân điều, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (giá hạt tiêu giảm tới 31,4%, cao su giảm 20,6%).
Giá các mặt hàng công nghiệp chế biến cũng giảm khá mạnh như phân bón giảm 25,5%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,8%, sắt thép giảm 32%. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng như gạo, xăng dầu, than đá, chè có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng chủ lực trong 2 tháng qua đều giảm, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản.
Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% (688 triệu USD) so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu thủy sản giảm 32,9% (494 triệu USD), chỉ đạt 1 tỷ USD.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước giảm 9,8%, đạt 42,97 tỷ USD và chiếm 86,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của nhiều mặt hàng nhóm “tỷ USD” giảm khá mạnh so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may ước đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại ước đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%…
“Việc SamSung cho ra mắt dòng sản phẩm mới sớm hơn năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,42 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022′, Báo cáo nêu.
Riêng xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng nhẹ (4,3%) trong 2 tháng đầu năm 2023, ước đạt 626 triệu USD chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh; các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước.
Kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái, dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
Mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD nhưng giảm 21% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%; ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%…
Điểm sáng là xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng tốc trở lại ngay sau khi thị trường này mở cửa từ 8/1/2023. Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong tháng 02 tháng đầu năm đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
T.P