Vào Chủ nhật, ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập đến từ “ổn định” 33 lần trong báo cáo công việc của chính phủ. Điều này cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế và chính trị sau ba năm Zero Covid.
Tại Lưỡng Hội vừa khai mạc vào cuối tuần qua (ngày 4 và 5/3), với tư cách là Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã tóm tắt các chính sách chính của Bắc Kinh trong năm qua, đồng thời trình bày chi tiết các chính sách này.
‘Lưỡng Hội’ là gì?
“Lưỡng Hội” là cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp Toàn quốc, tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) và cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (gọi tắt là Nhân Đại Toàn quốc, tức Quốc hội).
Theo SCMP, thông qua “Lưỡng Hội”, người dân Trung Quốc và thế giới sẽ biết được các ưu tiên cùng kế hoạch cho năm tiếp theo của chính quyền Bắc Kinh.
Chính Hiệp Toàn quốc là cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, với khoảng 2.200 đại biểu đến từ các chính đảng, tổ chức xã hội, chuyên gia các ngành và các tổ chức khác. Trong thời gian diễn ra hội nghị, Chính Hiệp sẽ thảo luận về các lĩnh vực như kinh tế, y tế, đối ngoại, tôn giáo… Các ủy ban sẽ đưa ra đề xuất để chính phủ xem xét nhưng không có quyền lập pháp.
Nhân Đại Toàn quốc là cơ quan lập pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với khoảng 3.000 đại biểu. Đây là cơ quan nghị viện lớn nhất trên thế giới, cũng là diễn đàn để các dự luật được tranh luận trước khi được thông qua.
Cụm từ ‘ổn định’ được nhắc đến 33 lần trong báo cáo
Nikkei đã xem xét tất cả các báo cáo công việc kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư của ĐCSTQ vào mùa thu năm 2012 và thống kê tần suất xuất hiện của một số từ khóa như: ổn định, cải cách, v.v.
Theo Nikkei, trong báo cáo công tác chính phủ của ông Lý Khắc Cường năm nay, số lần cụm từ “ổn định” được nhắc đến tăng 38% so với năm 2022. Đây là từ khóa được sử dụng thường xuyên nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch nước vào đầu năm 2013.
Kể từ khi COVID-19 bùng phát, ĐCSTQ đã thực hiện chính sách Zero Covid trong ba năm, chính sách này đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP giảm xuống còn 3% trong năm 2022.
Cũng trong nửa đầu năm ngoái, việc Thượng Hải đóng cửa một thời gian dài không chỉ khiến người dân phẫn nộ, thậm chí còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến một lượng lớn người nước ngoài bỏ chạy khỏi Trung Quốc. Do không thể chịu đựng được chính sách Zero Covid của ĐCSTQ, nhiều người Trung Quốc cũng đã tháo chạy ra nước ngoài.
Cụm từ “Zero Covid” không được đề cập trong báo cáo công việc của ông Lý Khắc Cường.
Ngoài ra, do mất nhiều đơn đặt hàng nước ngoài, tiếp đó là khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, dân số già hóa, niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư giảm sút, chính quyền địa phương nợ nần chồng chất, tất cả đã hạn chế khả năng kích thích nền kinh tế của chính quyền ĐCSTQ.
Ông Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh rằng sẽ ổn định giá cả, ổn định việc làm và chuỗi cung ứng. Trước đó, ông Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Eurasia Group, đã nói với The Washington Post rằng về lâu dài, các vấn đề kinh tế có thể đe dọa quyền lực của ông Tập Cận Bình.
Vào tháng 11 năm ngoái, ở Trung Quốc nổ ra “Phong trào Giấy trắng” trên quy mô lớn để phản đối việc phong tỏa theo chính sách Zero Covid. Những người xuống đường biểu tình phần lớn là người trẻ. Vào dịp năm mới, người dân còn phản kháng bằng cách bắn pháo hoa bất chấp lệnh cấm. Mới đây còn xuất hiện cuộc biểu tình của những người cao tuổi đã nghỉ hưu do bị cắt giảm 70% trợ cấp y tế.
Freedom House, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington, Mỹ đã bắt đầu thu thập dữ liệu về “Giám sát Ý kiến bất đồng tại Trung Quốc” (China Dissent Monitor – CDM) vào năm ngoái. Đây là cơ sở dữ liệu và công cụ nghiên cứu của Freedom House nhằm theo dõi tần suất và sự đa dạng của tình trạng bất đồng chính kiến ở nước này. CDM đã ghi lại các cuộc biểu tình ở hầu hết mọi nơi tại Trung Quốc trong ba tháng cuối năm 2022. Các cuộc biểu tình theo nhóm phổ biến nhất là ở Tứ Xuyên, Quảng Đông và Sơn Đông, tiến dần về phía Bắc Kinh. Nó cho thấy sự bất mãn đã lan rộng trên một phạm vi lớn.
Đằng sau những bất ổn xã hội lại càng là những nghi ngờ về khả năng thực hiện khế ước xã hội của ông Tập Cận Bình. Mà khế ước xã hội vốn là cơ sở cho tính hợp pháp về cai trị của ĐCSTQ, tức là người dân từ bỏ quyền lực chính trị để đổi lấy an ninh và lợi ích kinh tế.
Một thách thức khác đối với ĐCSTQ là cải thiện môi trường địa chính trị. Từ tình hình hiện tại có thể thấy, nếu ĐCSTQ muốn giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước một cách hiệu quả, thì họ phải cải thiện mối quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ và Châu Âu. Tuy nhiên, do sự cố khinh khí cầu gián điệp gần đây, cũng như việc ĐCSTQ cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga và vấn đề truy xuất nguồn gốc virus, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lại càng trượt dốc. Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực để ngăn chặn ĐCSTQ có được công nghệ tiên tiến, và điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến tham vọng công nghệ của ĐCSTQ.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Âu cũng trở nên căng thẳng vì vấn đề nhân quyền và việc ông Tập Cận Bình từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Số lần đề cập đến ‘năng lượng’, ‘thực phẩm’ gia tăng
Nikkei đưa tin rằng, trong báo cáo công việc của ông Lý Khắc Cường, từ “năng lượng” được sử dụng 14 lần, tăng 17% so với năm trước; còn số lần đề cập đến “thực phẩm” tăng 89% với 17 lần. Cả hai con số này đều có tần suất xuất hiện cao nhất trong các báo cáo kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga khiến giá dầu thô và khí tự nhiên toàn cầu tăng vọt, Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách tăng cường sử dụng than đá để phát điện.
Theo tin tức ngày 24/2 từ trang Mạng thông tin công nghiệp thức ăn chăn nuôi Trung Quốc (FeedTrade), về lúa mạch, khoảng 54% xuất khẩu lúa mạch của Ukraine trong năm 2020 – 2021 là xuất khẩu sang Trung Quốc, tương đương với khoảng 2,5753 triệu tấn, chiếm 28% tổng lượng nhập khẩu lúa mạch chính của Trung Quốc. Nếu xuất khẩu lúa mạch của Ukraine bị hạn chế, nó có thể gây tác động lớn tới Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phải hứng chịu lũ lụt, hạn hán, dịch châu chấu và các thảm họa khác, ĐCSTQ cũng đồng thời bắt đầu thu mua ngũ cốc quy mô lớn trên toàn thế giới. Theo dữ liệu do FeedTrade tiết lộ, nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái với 164,54 triệu tấn, tăng trưởng 18%; nhưng đồng thời kim ngạch nhập khẩu lại tăng 39%, giá ngũ cốc bình quân của cả nước tăng gần 20%.
Nhà bình luận thời sự Vương Hách (Wang He) viết bài nói rằng, đây là nguyên nhân chính khiến giá lương thực quốc tế tăng và duy trì ở mức cao, đồng thời nó cũng cho thấy tình trạng thiếu lương thực ở Trung Quốc. “Ngoại giới không biết được vấn đề này lớn cỡ nào, nhưng hiện tại [Trung Quốc] đang thu mua lương thực trên khắp thế giới, cho dù giá cao tới đâu, nó cũng đang nhập khẩu quy mô lớn, phải nói là vấn đề tương đối nghiêm trọng”.
Tình hình sử dụng các thuật ngữ khác: cải cách, quân đội mạnh…
Nikkei chỉ ra, trong báo cáo công tác chính phủ của ông Lý Khắc Cường, thuật ngữ “cải cách mở cửa” do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đề xuất chỉ được đề cập 3 lần, không có thay đổi gì so với năm 2022. Thuật ngữ này đã được sử dụng 10 lần vào năm 2018, nhưng đã xuất hiện ít dần trong những năm gần đây.
Cũng trong báo cáo này, từ “cải cách” đã được sử dụng 40 lần, giảm 5% so với năm ngoái. Từ này đã được lặp lại hơn 100 lần trong năm 2018 và 2019, nhưng kể từ đó đã giảm xuống còn 30 đến 50 lần trong những năm tiếp theo. Điều đó cho thấy, chính phủ của ông Tập đang ưu tiên ổn định kinh tế và né tránh những cải cách có thể động chạm tới các nhóm lợi ích.
“Thịnh vượng chung” là khẩu hiệu do ông Tập Cận Bình đưa ra, khẩu hiệu này đã không được trích dẫn trong năm nay. Trước đó nó đã được sử dụng một hoặc hai lần vào năm 2021 và 2022.
“Quân đội mạnh” đã được nhắc đến 4 lần, tương đương với những năm gần đây. Nhưng từ năm 2013 đến 2017, thuật ngữ này đã được sử dụng không quá 2 lần. Theo Nikkei, điều này phản ánh việc ĐCSTQ phát triển và triển khai các tàu chiến, bao gồm tàu sân bay và máy bay, để đối phó với Hoa Kỳ.
Tờ Nikkei đưa tin, thuật ngữ “Trung Quốc hiện đại hóa” lần đầu tiên xuất hiện trở lại sau 11 năm. Khái niệm này được giải thích là phát triển đất nước trong khi vẫn giữ khoảng cách với các lý tưởng như dân chủ và nhân quyền của phương Tây.
Cụm từ “với đồng chí Tập Cận Bình làm cốt lõi” được sử dụng 7 lần, nhiều ngang bằng năm 2022. Từ này là phong vũ biểu đo quyền lực của ông Tập Cận Bình, vì vậy tín hiệu này cho thấy ông Tập đã củng cố vị thế của mình sau một thập kỷ.
Tờ Wall Street Journal nói rằng, tại kỳ họp lần này của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ củng cố hơn nữa quyền kiểm soát an ninh, tài chính và công nghệ. Đồng thời, sẽ sắp xếp lại nhân sự tại các vị trí chủ chốt để tiếp tục hạ thấp vai trò của chính phủ trong việc hoạch định chính sách và tăng cường sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng, ĐCSTQ hiện đang ở trong một tình thế khó khăn trên trường quốc tế, và người dân bên trong Trung Quốc đã không còn tin tưởng vào ông Tập cũng như ĐCSTQ, do đó trong báo cáo của ông Lý Khắc Cường, “ổn định” và các từ khác mới thường xuyên xuất hiện như vậy. Điều đó nói lên rằng, ĐCSTQ ngày càng lo ngại về tính lâu dài của chế độ. Có thể dự đoán rằng trong 5 năm tới, chế độ ĐCSTQ sẽ ở trong tình trạng bấp bênh với những cuộc nổi dậy trong dân chúng.
T.P