Chính phủ Nga ngày 1/3 công bố, các cơ quan chính phủ bị cấm sử dụng 9 phần mềm nước ngoài, bao gồm cả WeChat của Trung Quốc.
Ngày 1/3, Cơ quan Giám sát Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng Liên bang Nga (Roskomnadzor) viện dẫn Luật Thông tin của nước này, tuyên bố cấm sử dụng 9 phần mềm truyền thông trên các thiết bị của chính phủ.
9 phần mềm này bao gồm: Discord, Microsoft Teams, Skype for Business, Snapchat, Telegram, Whatsapp, Wechat, Viber, Threema.
Theo các quy định liên quan của Roskomnadzor, các cơ quan liên bang và các trang web chính thức của họ chỉ được dùng những phần mềm trong danh sách chính quyền cho phép. Các phần mềm bị cấm kể trên đến từ các quốc gia khác nhau, hầu hết có nguồn gốc từ phương Tây. Thậm chí có cả WeChat của Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ khá tốt đẹp với Nga.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, luật cấm nhân viên cơ quan chính phủ Nga sử dụng một số ứng dụng nhắn tin cá nhân nước ngoài đã có hiệu lực từ ngày 1/3.
Telegram, phần mềm được sáng lập bởi Anh em nhà Durov người Nga, cũng không thể thoát khỏi cuộc phong tỏa lần này vì trụ sở của công ty được đặt tại Dubai. Trước đây, Telegram từng bị chính phủ Nga chặn dùng vào năm 2018, sau đó cho phép trở lại vào năm 2020.
Cho đến nay, các kênh truyền thông bị chính phủ Nga chặn gồm có BBC, Deutsche Welle và VOA; các trang web bao gồm Facebook, Twitter, Instagram, Google News, và một số nhà cung cấp dịch vụ VPN chính thống cũng đã bị chính quyền chặn.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng sau kiểm soát rất nhiều phần mềm, do đó chúng gây ra tranh chấp an ninh, buộc các nước phải áp đặt các hạn chế và làm luật, sửa đổi luật để bảo vệ an ninh quốc gia. Việc Nga, một quốc gia tương đối thân thiện với Trung Quốc, ban hành lệnh cấm WeChat mà không có cảnh báo, đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc.
Trang NetEase News của Trung Quốc tuyên bố rằng Nga đã làm đúng về mặt an ninh quốc gia và họ không chỉ nhắm mục tiêu vào WeChat, vì vậy không cần phải làm ầm ĩ lên. Sau đó, cư dân mạng nước này phản bác và chế giễu:
“Vậy thì, việc Hoa Kỳ cấm TikTok và Huawei là điều bình thường”.
“Hoa Kỳ cấm TikTok thì phản đối ầm ầm, Nga cấm WeChat thì lặng im như tờ!”.
“Các kênh truyền thông chính thống [Trung Quốc] hoàn toàn im lặng”.
“Cái gọi là tình hữu nghị Trung – Nga đâu rồi?”.
“Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] thay chúng tôi lên tiếng kháng nghị đi chứ”.
“Lên án mạnh mẽ hành động của các thế lực đơn phương phá hoại tình hữu nghị Trung – Nga”.
Tháng trước, Hoa Kỳ đã lệnh cho các cơ quan liên bang trong vòng 30 ngày xóa phần mềm TikTok của Trung Quốc trên các thiết bị công, và cho biết chính phủ sẽ cấm hoàn toàn phần mềm này trong tương lai. Trước lệnh cấm của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) từng tuyên bố: “Mỹ quá sợ một ứng dụng mà giới trẻ yêu thích, quá thiếu tự tin”.
T.P