Nhiều người dân Trung Quốc ở các thành phố lớn nhập viện do sốt cao, trong bối cảnh Kỳ họp Lưỡng hội thường niên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa bế mạc.
Chính quyền Trung Quốc giải thích rằng đây chỉ là dịch cúm A, và đang lên kế hoạch phong tỏa toàn thành phố Tây An để ngăn chặn sự bùng phát của dịch. Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc lo ngại rằng đây là biểu hiện của dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Vào hồi cuối năm 2022, số ca COVID-19 tăng đột biến khiến cho toàn bộ hệ thống y tế Trung Quốc sụp đổ, và các cơ sở hỏa táng bị quá tải.
Tại cuộc họp báo trong kỳ họp Lưỡng Hội được tổ chức ở Bắc Kinh hôm 10/3 vừa qua, tiến sĩ, kiêm chuyên gia virus học hàng đầu Trung Quốc Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến dịch cúm A, và sự tái bùng phát dịch COVID-19.
Tiến sĩ Trương hiện đang là giám đốc Khoa Bệnh Truyền Nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải.
Vào cuối tháng 12 năm ngoái, mức độ truyền nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đã đạt mức đỉnh điểm. Theo tiến sĩ Trương, Trung Quốc rất có thể sắp phải đón một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.
Vị tiến sĩ cho biết kháng thể ở những người đã từng bị nhiễm COVID-19 sẽ giảm dần sau 5 đến 6 tháng, vì vậy để chuẩn bị cho đợt lây nhiễm sắp tới, tất cả mọi người cần phải chú ý hơn đến những triệu chứng của bệnh, và dành nhiều sự quan tâm hơn đến nhóm người lớn tuổi, đặc biệt là những người đã có bệnh nền. Ngoài ra, đợt tái bùng phát COVID-19 sắp tới sẽ không đồng đều như những lần trước, từng vùng khác nhau có thể sẽ có thời điểm, biểu hiện, và quy mô bùng dịch khác nhau.
Tuy nhiên, ông Trương khẳng định với thái độ khá lạc quan rằng Trung Quốc đã “có đầy đủ kinh nghiệm” để ứng phó với đợt dịch mới, và sẽ không để xảy ra những hậu quả nặng nề như những lần bùng dịch trước.
Cuối tháng 2 vừa qua, rất nhiều học sinh ở các trường tiểu học và trung học khắp Trung Quốc phải nghỉ học do bị sốt cao, thậm chí một số trường đã phải đóng cửa tạm thời. Chính quyền Trung Quốc vẫn khẳng định đây là dịch cúm A.
Tuy nhiên, lời giải thích trên không thể thuyết phục được công chúng.
Ngày 9/3, ông Zhao, hiện đang sinh sống ở thành phố Trú Mã Điếm (Zhumadian), tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã có những chia sẻ thương tâm với tờ The Epoch Times như sau:
“Dịch bệnh tràn lan khắp nơi. Hồi năm mới, ở khu chúng tôi có nhiều người cao tuổi mất do COVID-19. Bây giờ lại đến dịch cúm A, nhiều người cũng chết lắm, già có trẻ có. Cô tôi 62 tuổi mới mất hồi cuối tháng 2 vừa rồi. Mọi người nghi ngờ đây là COVID-19 chứ chẳng phải cúm A gì cả, vì chỉ có COVID-19 mới khiến nhiều người chết đột ngột thế này. Hồi cô tôi ốm, nhà tôi đưa cô ấy đi chụp X-quang thì thấy phổi cô trắng xóa. Lúc dự đám tang, tôi thấy mấy cái lò hỏa thiêu chạy hết công suất cả ngày lẫn đêm, nhiều người chết quá hỏa thiêu không xuể”.
Ngày 8/3 vừa qua, trên website chính thức của chính quyền thành phố Tây An đã đăng tải một thông cáo như sau: “Trong trường hợp bất khả kháng, tất cả trường học, văn phòng, doanh nghiệp ở những ổ dịch và những vùng dịch nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ hoạt động, khuôn viên công cộng sẽ bị đóng cửa, các hoạt động tụ tập đông người sẽ bị hạn chế, và sẽ có thể bị cấm”.
Như vậy, thành phố Tây An có thể sẽ bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm.
Dịch bệnh tràn lan khắp Trung Quốc
Theo tờ “Bắc Kinh nhật báo” (Beijing Daily), tờ báo chính thức của Ủy ban Thành phố Bắc Kinh đưa tin, các ca lây nhiễm cúm ở Bắc Kinh đang gia tăng một cách chóng mặt, đặc biệt là các ca lây nhiễm ở trẻ em.
Video dưới đây quay lại cảnh người xếp hàng chật kín ở Bệnh viện Nhi Bắc Kinh vào ngày 7/3, hầu hết là các em nhỏ bị ốm đi cùng với cha mẹ.
Khi được tờ The Epoch Times liên lạc và phỏng vấn vào ngày 9/3, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Bắc Kinh cho hay, hiện tại bệnh viện đang bị quá tải, rất nhiều các em nhỏ bị sốt cao phải xếp hàng chờ được khám. Các bệnh nhân nằm viện cũng được bệnh viện chỉ thị phải đeo mặt nạ N95 mọi lúc mọi nơi.
Vào hôm 9/3, anh He Yunlin (bí danh) nói với tờ The Epoch Times rằng người trưởng thành ở Bắc Kinh cũng có những triệu chứng cúm rất nghiêm trọng. Mấy ngày trước, một vài người bạn của anh vừa bị cúm và sốt cao đến 39 độ C. Đây là tình trạng chung xảy ra ở rất nhiều khu vực tại Bắc Kinh.
Cùng ngày 9/3, tờ “Minh Báo” (Ming Pao) của Hong Kong cũng đưa tin rằng các phòng khám của Bắc Kinh đã bị quá tải.
Lúc 2 giờ chiều ngày 8/3, cô Wang đến một bệnh viện tại Lương Mã Kiều (Liangmaqiao), Bắc Kinh, để khám bệnh. Tuy nhiên bệnh viện thông báo vì buổi sáng đã có 400 bệnh nhân đến khám bệnh, các bác sĩ vẫn chưa khám xong cho họ, nên cô Wang sẽ phải đợi một tiếng rưỡi nữa thì mới được khám. Cô Wang muốn đi các bệnh viện khác, nhưng tất cả các bệnh viện ở Bắc Kinh đều gặp phải tình trạng tương tự.
Ngày 9/3, bác sĩ Phó Trưởng khoa Hô hấp của Bệnh viện Phổi Thượng Hải Hu Yang đã đăng một bài viết trên mạng xã hội với nội dung như sau: “Dịch cúm A bùng nổ rồi, đồng nghiệp của tôi, người nhà tôi, và rất nhiều bệnh nhân đã bị nhiễm cúm A, triệu chứng vô cùng nghiêm trọng”.
Các bác sĩ làm việc ở khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhi Thượng Hải cũng đã xác nhận với tờ The Epoch Times vào ngày 9/3, rằng rất nhiều trẻ em bị sốt cao đã phải đến bệnh viện để điều trị.Các vị phụ huynh sinh sống ở quận Phụng Hiền, thành phố Thượng Hải, cũng chia sẻ với tờ The Epoch Times rằng, vào ngày 7/3, rất nhiều giáo viên đã yêu cầu họ đến trường đón con vì các con đã bị nhiễm cúm A, có triệu chứng sốt cao và tiêu chảy. Tương tự, các trường học ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải, cũng phải cho các em học sinh nghỉ học.
Theo tờ “Minh Báo”, một em học sinh ở Trường trung học số 1 Hà Trạch thuộc tỉnh Sơn Đông đã tiết lộ rằng, “Gần nửa số học sinh ở trường em cũng bị nhiễm cúm”. Bản thân em cũng bị viêm họng và phải lên Bắc Kinh để khám bệnh. Một bác sĩ ngoại khoa ở một bệnh viện Nhi tỉnh Hồ Bắc (Hebei) nói với báo giới rằng, trong những bệnh nhân mà anh phải tiếp xúc hằng ngày, thì có khoảng 60 người bị sốt cao, nửa số đó bị chẩn đoán là nhiễm cúm A.
Nhà bình luận thời sự Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) ở Hoa Kỳ, vốn xuất thân từ ngành Khoa học Y khoa, nói với tờ The Epoch Times như sau:
“Do triệu chứng của cúm A rất tương đồng và trùng khớp với triệu chứng của COVID-19, nên nếu chỉ dựa vào triệu chứng, thì sẽ rất khó để phân biệt được hai bệnh này. Nhưng theo tôi, kể cả đây có thực sự là COVID-19, thì các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ cũng sẽ lấp liếm và tuyên bố đây là cúm A. Họ vừa mới tuyên truyền những khẩu hiệu, nào là ‘Chiến thắng cuộc chiến chống lại COVID-19’, rồi ‘Phép màu trong công tác phòng chống COVID-19’… Nếu bây giờ chính quyền Trung Quốc thừa nhận COVID-19 tái bùng phát, thì cũng đồng nghĩa với việc họ đã tự huỷ hoại danh tiếng của chính mình”.
T.P