Cùngvới việc trở thành cường quốc về kinh tế, chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ, Trung Quốc có điều kiện để đầu tư cho quốc phòng với tham vọng trở thành cường quốc về quân sự. Cho đến hiện nay Mỹ vẫn là số một về quân sự, còn Nga là cường quốc số hai.
Cuối thế kỷ XX, quân đội Trung Quốc có số quân đông thuộc tốp đầu thế giới, nhưng chủ yếu là lục quân. Trong khi đó sức mạnh quân sự của các cường quốc lại tập trung nhiều ở lực lượng không quân, hải quân, tên lửa và vũ khí hạt nhân. Điều đó đặt ra cho Trung Quốc phải thay đổi về đầu tư và cơ cấu lại lực lượng quân đội. Hơn nữa đối thủ về quân sự của Trung Quốc lại là Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước Tây Âu, là những nước có sức mạnh quân sự vượt trội về không quân, hải quân, tàu tên lửa và hạt nhân.
Năm 2013, khi trở thành Tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ông Tập Cận Bình đã lập tức tiến hành một số cải cách sâu rộng đối với cấu trúc quân đội, vốn thiên về vai trò quan trọng của lục quân, với mục tiêu xây dựng lực lượng “hiện đại hóa hoàn toàn” vào năm 2027 và “quân đội đẳng cấp thế giới” có thể cạnh tranh với Mỹ và các cường quốc phương Tây vào năm 2050.
Về quân số và tổ chức, ông Tập cho cắt giảm 300.000 quân nhân, thành lập các chiến lược khu để tinh giảm bộ máy chỉ huy, tăng cường lực lượng tác chiến.
Về trang bị ông Tập chú trọng hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Chỉ sau một thập kỷ Trung Quốc đã tự đóng và đưa vào biên chế hai tàu sân bay, chế tạo được hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm xa, tầm trung và hàng ngàn máy bay chiến đấu. Cho đến nay số lượng tàu chiến của Trung Quốc đã nhiều hơn cả Mỹ. Năm 2023, Trung Quốc dự kiến đưa vào biên chế cho quân đội các máy bay hiện đại như chiến đấu cơ tàng hình J-20 và chiến đấu cơ đa năng J-16, tiến hành chạy thử tàu sân bay thứ ba có trang bị hệ thống máy phóng.
Cuộc chiến Nga- Ukraina bùng nổ, với ưu thế về lực lượng bộ binh, pháo binh, xe tăng người ta cho rằng chỉ trong thời gian ngắn quân đội Nga sẽ làm chủ chiến trường và nhanh chóng tiến vào thủ đô Kyiv, nhưng thực tế quân đội Nga đã bị đánh trả quyết liệt bởi quân đội Ukraine được trang bị nhiều vũ khí hiện đại của phương Tây.
Những khó khăn mà Nga phải đối mặt ở Ukraine đã làm cho Trung Quốc nhận diện rõ hơn về chiến tranh hiện đại. Điều đó càng thúc đẩy ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quân đội, trang bị các vũ khí công nghệ cao, có khả năng thích ứng với chiến tranh hiện đại.
Ngày 5 tháng 3 năm 2023, tại kỳ họp quốc hội, Trung Quốc thông báo ngân sách cho các hoạt động quân sự năm 2023 là hơn 1,5 nghìn tỷ tệ (gần 225 tỷ USD), tăng 7,2% so với năm 2022.
“Giấc mơ Trung Hoa” không chỉ vươn lên số 1 thế giới về kinh tế mà cả về quốc phòng đang trên đường tới đích.
H.L