Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Bằng hữu” gặp nhau, Mỹ lo lắng

“Bằng hữu” gặp nhau, Mỹ lo lắng

Chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình vào thời điểm này là sự kiện quốc tế quan trọng thu hút dư luận. Đặc biệt, những gì thể hiện trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc khiến Washington lo lắng.

“Bằng hữu thân thiết”tại Moscow

Nước Nga đâu có xa lạ với ông Tập Cận Bình. Thống kê cho thấy, ông Tập, trong tư cách là nguyên thủ quốc gia, đã thăm Nga 8 lần kể từ năm 2013. Mười năm qua, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gặp nhau hơn 40 lần dưới nhiều hình thức khác nhau, chính thức và trong các sự kiện bên lề tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới.

Gần đây nhất, đầu tháng 2/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Trung Quốc và dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia đồng minh “tẩy chay” sự kiện thể thao này vì lý do chính trị.

Theo dõi những lần gặp nhau đó, nhiều chuyên gia quốc tế nhận xét: thời gian đang khiến Nga và Trung Quốc mặn mà với nhau hơn, trong khi với Mỹ thì ngược lại, không những lạnh nhạt mà còn đối đầu nảy lửa.

Thực ra, ai cũng có thể cảm nhận Trung Quốc và Nga đang tiến dần đến sự thân thiết, tin cậy nhau như thế nào.

Trước hết, đây đều là những cường quốc. Hơn thế nữa, còn là những cường quốc giàu tham vọng, muốn tận dụng mọi cơ hội khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế. Liên bang Xô Viêt (CCCP) trong đó, Nga là một thành tố nòng cốt, từng một thời như thế. CCCP tan rã, nước Nga, sau giai đoạn khó khăn, dần từng bước lấy lại tiếng nói nhờ nguồn năng lượng dồi dào cùng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, trước khi chủ động sa lầy vào cuộc chiến Ukraine để một mình phải gồng sức chống lại cả thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Còn Trung Quốc, những thành tựu thần kỳ, đáng kinh ngạc sau gần nửa thế kỷ cải cách mở cửa, đã giúp nước này qua mặt Nhật Bản và các cường quốc Tây Âu, thành nền kinh tế quy mô thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Quá trình tỉnh giấc , vươn lên cũng đồng thời là quá trình Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự hàng đầu. Sự lớn mạnh của Trung Quốc thách thức địa vị “siêu cường số 1” của Mỹ.

Trung Quốc “tỉnh” thì Mỹ cũng ra khỏi “giấc ngủ tự mãn”. Washington trở nên lo lắng, tìm mọi cách kiềm chế, ngăn cản sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Đây chính là nguyên nhân sâu xa, chủ yếu, trực tiếp gây nên cuộc chiến thương mại, công nghệ và đối đầu căng thẳng Mỹ – Trung thời gian qua.

Như vậy, không hẹn mà gặp, cả Trung Quốc và Nga, vô hình trung có chung đối thủ là Mỹ.

Một cuộc đấu tay đôi: Trung Quốc – Mỹ, hoặc Nga – Mỹ, ai cũng thấy, tới thời điểm này, với tiềm lực kinh tế và quân sự, Mỹ vẫn trong “thế trên”. Nhưng nếu Bắc Kinh nắm tay Kremlin, “hai đánh một không chột cũng què”, Mỹ không lo lắng, thậm chí hoang mang sao được?

Chính thế, sự hiện diện của ông Tập Cận Bình tại Moscow lúc này mặc nhiên được coi là “nhạy cảm”, khiến thiên hạ đổ dồn hai mắt lại. Điều không thể khác, trong các con mắt đó, “mắt” của Washington soi mói nhất, còn hơn cả “mắt” của Ukraine được phương Tây hậu thuẫn đang sống chết với Nga.

Washington đâu có che dấu điều này. Ngày 20/3, nghĩa là ngay trước thềm chuyến thăm, trong khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko kiềm chế để nói với CNN một cách chừng mực rằng “Ukraine đang theo sát chuyến thăm của ông Tập tới Nga”, thì cũng với hãng CNN, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby lại nhấn mạnh: chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo dõi “rất, rất chặt chẽ” chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga và các cuộc gặp giữa ông Tập với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thông cảm cho mồm miệng, lời lẽ của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đi.

Không cáu kỉnh sao được khi truyền thông Nga, Trung Quốc và quốc tế tới tấp chú vào và nhấn mạnh việc Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập gọi nhau là “bằng hữu thân thiết” – ngôn từ từng được hai ông sử dụng nhiều khi ông Putin thăm Trung Quốc hồi tháng 2/2022 – như thông điệp về một “quan hệ chưa từng có” giữa Moscow và Bắc Kinh – mà dư luận đã phát hiện và không bỏ qua.

Không nóng nảy sao được khi cả Tân Hoa xã và hãng thông tấn Tass cùng tưng bừng, hoan hỷ đưa tin: “Các chủ đề chính được thảo luận trong cuộc gặp dài 4 tiếng rưỡi giữa ông Putin và ông Tập tại điện Kremlin ngày 20-3 là về hợp tác song phương, cuộc chiến ở Ukraine và kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất”.

Không giận dữ sao được khi ông chủ Trung Nam Hải chẳng phản đối chút nào việc ông Putin cáo buộc Kiev và một số quốc gia phương Tây “đang cản trở việc đạt được một giải pháp hòa bình ở Ukraine”.

Đã thế, trong “Tuyên bố chung” khẳng định quan điểm, mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và phối hợp trong kỷ nguyên mới, khi đề cập những vấn đề quốc tế đáng quan tâm, hai bên đã ám chỉ phương Tây và Mỹ cấu kết với nhau để phá bĩnh bầu không khí quốc tế, tạo thêm xung đột, điểm nóng cũng như cản trở quá trình giải quyết căng thẳng ở nhiều khu vực…

Đó là chưa kể, đằng sau Tuyên bố chung công khai có tính hình thức đó, “hai người bạn thân thiết” là ông Tập Cận Bình và ông Putin còn “thì thào”, “thậm thụt” với nhau những gì, có trời mà biết.

Washington chỉ có thể biết: sự thì thào đầy khả nghi đó của “hai bằng hữu thân thiết” không biết có góp phần giúp cho thế giới yên bình trở lại được hay không, nhưng chắc chắn nó chẳng thể là điều thuận tai với Nhà trắng.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới