Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, việc sử dụng đạn pháo chứa lõi uranium nghèo có ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đối với con người mà cả môi trường.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh với Rossiya-1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu cho biết việc phương Tây viện trợ đạn pháo uranium nghèo cho Ukraine (dùng cho xe tăng) là một động thái nguy hiểm. Loại vũ khí này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với con người mà cả môi trường.
Cũng theo ông Shoigu, các báo cáo từ cuộc xung đột ở Kosovo (1999) do chính NATO thực hiện đã từng kết luận rằng đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của binh sĩ sử dụng chúng lẫn những người tiếp xúc với loại vũ khí này.
“Đã có những hậu quả đối với sức khỏe của những binh sĩ sử dụng đạn xuyên giáp lõi uranium. Hầu hết họ đều bị ảnh hưởng và điều này đã được chứng minh”, Bộ trưởng Shoigu nói.
Trước đó, bên thềm cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Anh về kế hoạch cung cấp đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo cho Ukraine, vì cho rằng loại vũ khí này có chứa “các thành phần hạt nhân”.
“Nếu điều này xảy ra, Nga sẽ buộc phản phản ứng tương xứng khi mà phương Tây đã bắt đầu đưa vào sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie cho biết nước này sẽ gửi đạn chống tăng xuyên giáp lõi uranium nghèo cho Ukraine như một giải pháp giúp quân đội Ukraine tăng cường khả năng chống tăng.
Ngoại trưởng Anh Annabel Goldie ngày 20/3 cũng công bố kế hoạch chuyển giao xe tăng Leopard 2 cùng với đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo cho Ukraine. Bà cho rằng đây là vũ khí mang lại hiệu quả cao.
Ngay sau tuyên bố trên, Đại sứ quán Nga tại Anh đã cảnh báo London không được cung cấp cho Kiev những loại vũ khí như vậy. Theo các nhà ngoại giao Nga, bước đi này tiềm ẩn nguy cơ leo thang hơn nữa cuộc xung đột. Đại sứ quán cho biết thêm, phóng xạ, độc tính cao và khả năng gây ung thư của những vũ khí như vậy đều đã được chứng minh.
Đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi quốc tế. Những người phản đối sử dụng loại đạn này đã nêu bật tính độc hại và tính phóng xạ của nó.
Uranium nghèo được sử dụng để chế tạo lõi cứng của đạn xuyên giáp giúp nó xuyên phá các loại giáp dày và cứng của xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại. Dù có khả năng xuyên giáp cao và sức hủy diệt lớn, đạn uranium nghèo lại rất độc hại đối với con người và môi trường xung quanh. Loại đạn này có thể làm phát tán bụi phóng xạ vào không khí, khiến con người dễ bị nhiễm độc kim loại nặng.
Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch của Anh. Phát biểu với báo chí, ông Farhan Haq, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, nói rằng cơ quan này từ lâu đã bày tỏ sự lo ngại về hậu quả của việc sử dụng đạn DU, cũng như những bên cung cấp vũ khí như vậy.
T.P