Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnBao nhiêu nước đã cấm Tik Tok trên thiết bị công

Bao nhiêu nước đã cấm Tik Tok trên thiết bị công

TikTok ngày càng bị kiểm duyệt và bị cấm trong bối cảnh lo ngại rằng kho dữ liệu người dùng mà nó thu thập được có thể lọt vào tay chính phủ Trung Quốc thông qua công ty mẹ ByteDance, từ đó làm tổn hại đến lợi ích an ninh của các nước.

Logo TikTok được in hình tại gian hàng của công ty trong sự kiện Tokyo Game Show ở quận Chiba vào ngày 15//09/2022.

Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư (Shou Zi Chew) đã tham dự phiên điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 23/3 và đã nhận được những câu hỏi gay gắt từ các nhà lập pháp. Chính phủ Hoa Kỳ lo ngại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sử dụng luật an ninh quốc gia để truy cập vào kho dữ liệu cá nhân khổng lồ mà TikTok đã thu thập được từ người dùng Hoa Kỳ.

Ngày càng nhiều quốc gia cấm ứng dụng mạng xã hội này khỏi các thiết bị của chính phủ, bao gồm:

Hoa Kỳ: Theo thống kê của CNN, hơn một nửa số tiểu bang Hoa Kỳ đã cấm một phần hoặc hoàn toàn ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị chính phủ, sau làn sóng phản đối gần đây của các thống đốc bang và chính quyền bang đối với ứng dụng video ngắn này.

Vương quốc Anh: Vào ngày 23/3, Reuters đưa tin rằng Quốc hội Anh sẽ chặn TikTok trên tất cả thiết bị và mạng của cơ quan lập pháp sau khi áp đặt lệnh cấm tương tự đối với các thiết bị của chính phủ.

Phát ngôn viên của Quốc hội Anh tuyên bố: “Sau quyết định cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ, Ủy ban Hạ viện và Thượng viện quyết định sẽ cấm TikTok trên toàn bộ thiết bị và mạng của Quốc hội. An ninh mạng là nhiệm vụ hàng đầu của Quốc hội”.

Tuần trước, Vương quốc Anh đã cấm TikTok, ứng dụng video có công ty mẹ đặt trụ sở tại Trung Quốc, trên điện thoại của chính phủ. Theo một thông báo từ chính phủ Anh, các quan chức nước này cũng không sử dụng rộng rãi ứng dụng TikTok.

Ông Oliver Dowden, Chủ tịch Đảng Bảo thủ kiêm người đứng đầu Văn phòng Nội các Anh, nói với các nhà lập pháp hôm 23/3: “Động thái này được áp dụng vì những nguy cơ đặc thù trên các thiết bị chính phủ”.

Canada: Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 28/3. Theo tuyên bố từ Ban thư ký của Ủy ban Tài chính Canada, TikTok bị cấm tải xuống trên các thiết bị do chính phủ cấp, đồng thời những thiết bị nào đã cài đặt ứng dụng này đều phải xóa bỏ.

“Sau khi tiến hành xem xét TikTok, Giám đốc Thông tin của Canada đã xác định rằng ứng dụng này gây ra mức độ rủi ro không thể chấp nhận được đối với quyền riêng tư và bảo mật”, trích dẫn tuyên bố.

Bỉ: Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho hay sau khi cơ quan an ninh quốc gia VSSE của nước này tiến hành phân tích, Hội đồng An ninh Quốc gia đã tạm thời cấm nhân viên chính phủ liên bang cài đặt TikTok trên thiết bị của họ.

“Chúng ta không nên quá ngây thơ: TikTok là một công ty Trung Quốc và hiện có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan tình báo Trung Quốc. Đó là thực tế. Việc cấm ứng dụng này trên các thiết bị phục vụ liên bang là điều dễ hiểu”, trích lời ông De Croo.

Theo một tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Bỉ, lệnh cấm TikTok sẽ kéo dài trong 6 tháng, sau đó sẽ được đánh giá lại.

Hà Lan: Chính phủ Hà Lan cho biết quyết định cấm TikTok dựa trên kiến nghị từ Cục Tình báo Quốc gia (AVID). Cơ quan này đã chỉ ra nguy cơ hoạt động gián điệp ngày càng tăng từ ĐCSTQ cũng như các bên khác.

Hà Lan tuyên bố rằng họ đang nỗ lực xúc tiến việc thiết lập các thiết bị di động “theo cách chỉ cài đặt và sử dụng những ứng dụng, phần mềm và/hoặc chức năng đã được phê duyệt trước”, đồng thời bổ sung thêm “khi bắt buộc phải sử dụng các ứng dụng này để thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu của tổ chức chính phủ” thì các trường hợp ngoại lệ được cho phép.

New Zealand: Giám đốc điều hành Cục Dịch vụ Nghị viện Rafael Gonzalez-Montero tuyên bố TikTok sẽ bị xóa khỏi tất cả các thiết bị có khả năng truy cập vào mạng quốc hội (của nhân viên và thành viên quốc hội), theo kiến nghị của các chuyên gia an ninh mạng.

Liên minh châu Âu: Các biện pháp tương tự cũng đã được liên minh này thực hiện vì lý do an ninh. TikTok bị cấm đối với cả 3 cơ quan chính thức của Liên minh gồm Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu. Nghị viện cũng “khuyến cáo mạnh mẽ” các thành viên và nhân viên của mình xóa TikTok khỏi thiết bị cá nhân.

Ấn Độ: TikTok bị cấm vào năm 2020 khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc leo thang. Nước này cho rằng các ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok, gây ra “mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn [lãnh thổ]”. Động thái này đã buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải cắt giảm nhân viên ở Ấn Độ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới