Wednesday, January 15, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDự án sân bay Long Thành lại lỗi hẹn

Dự án sân bay Long Thành lại lỗi hẹn

Với hàng loạt hạng mục bị chậm tiến độ, đặc biệt vẫn chưa chọn được nhà thầu cho nhà ga hành khách, dự án sân bay Long Thành lại lỗi hẹn, không thể đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2025 như kế hoạch ban đầu.

Ảnh lớn: Sân bay Long Thành thi công chậm tiến độ, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải – Ảnh nhỏ từ trái sang: Hành khách đông đúc làm thủ tục an ninh tại sân bay TânSơn Nhất, TP.HCM- Có thời điểm sân bay Tân Sơn nhất kẹt cả trên trời và dưới đất – Khởi công nhà ga T3 mở rộng sân bay.

Theo các chuyên gia, việc dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) bị chậm tiến độ không chỉ khiến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) càng thêm quá tải do số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, mà chi phí cơ hội cho tăng trưởng kinh tế bị bỏ qua vô cùng lớn, cũng như nguồn lực của nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Đến 2026 mới xong nhà ga hành khách

Những ngày này, trên đại công trường sân bay Long Thành hàng ngàn công nhân, máy móc, thiết bị san ủi, làm nền cho sân bay. Nhiều vị trí trong sân bay đã được san ủi, làm móng cọc nhà ga. Thế nhưng, đến nay, hạng mục quan trọng nhất của sân bay là nhà ga hành khách vẫn chưa có nhà thầu để thi công.

Trong lúc tìm nhà thầu đủ năng lực, chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa xin Chính phủ cho phép xây dựng gói thầu nhà ga hành khách từ 33 tháng lên 39 tháng, kéo dài đến năm 2026 để có thời gian xây dựng và chạy thử nhà ga hành khách.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về lý do dự án chậm tiến độ, ACV cho biết đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án (dự án thành phần 3 gồm rà phá bom mìn, xây rào, san nền, móng cọc…) trên 98.500 tỉ đồng, trong đó công trình nhà ga hành khách có giá trị gần 35.000 tỉ đồng phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra.

Cũng theo ACV, gói thầu làm nhà ga sử dụng nguồn vốn trong nước là chưa có tiền lệ. Việc đấu thầu quốc tế theo các quy định sử dụng nguồn vốn trong nước cũng gặp những hạn chế do vướng mắc giữa quy định trong nước cùng các thông lệ quốc tế.

Cụ thể, quy định mẫu hợp đồng các gói thầu sử dụng vốn trong nước có điều khoản “giá trị quyết toán là giá trị sau khi được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ thực hiện kiểm toán, thanh tra”.

Trong khi đó, với các nhà thầu quốc tế, giá quyết toán gói thầu dựa trên quá trình thương thảo hợp đồng…

Mặt khác, theo ACV, do thời gian thực hiện gói thầu 33 tháng cũng là một thách thức rất lớn cho các nhà thầu quốc tế và trong nước bởi các dự án nhà ga có cùng quy mô trên thế giới có thời gian thi công từ 45 tháng đến 60 tháng.

“Do chủ quan, do tiến độ gấp nên ACV cũng chưa dự báo hết tình hình thị trường”, đơn vị này thừa nhận.

Các gói thầu tái định cư cũng ì ạch

Không chỉ nhà ga hành khách, việc thi công các công trình hạ tầng xã hội ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn vẫn còn nhiều hạng mục dang dở.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án hạ tầng xã hội ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn cho người dân nhường đất làm sân bay có 11 gói thầu là các công trình trường học, trụ sở UBND xã, trung tâm văn hóa.

Tuy nhiên, nhà thầu thi công ở 6 gói thầu (5 trường học và 1 trung tâm văn hóa) đang thi công dang dở, chậm tiến độ. Sau khi được nhắc nhở nhưng vẫn không thi công, nhà thầu này đã bị chấm dứt hợp đồng, ban quản lý dự án cũng đã làm việc với ngân hàng bảo lãnh cho nhà thầu để thu hồi tiền tạm ứng hợp đồng các gói thầu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.

Thông tin về phương án “khởi động” lại 6 gói thầu trên, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đang thực hiện các thủ tục thông báo chấm dứt, thanh lý hợp đồng với nhà thầu thi công để lựa chọn lại nhà thầu, đảm bảm hoàn thành các công trình dang dở trong tháng 8-2023.

Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định cho người dân nhường đất xây sân bay cũng đang tắc.

Ông Võ Tấn Đức, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án có đưa vào kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân. Đồng Nai cũng tổ chức phát phiếu điều tra nhu cầu đào tạo, học nghề của người dân nhưng rất ít người có nhu cầu học nghề.

“Đồng Nai cũng tính toán các phương án để chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu của người dân. Sau khi Kiểm toán Nhà nước cho rằng đề án có sự trùng lắp với phần đền bù, hỗ trợ cho người dân mất đất và yêu cầu trả lại 302 tỉ đồng, Đồng Nai dự kiến dùng ngân sách địa phương để đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp cho người dân ở vùng dự án sân bay”, ông Đức cho biết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới