Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu Mỹ có bị xua đuổi hay không?

Tàu Mỹ có bị xua đuổi hay không?

Nguồn tin từ hai phía Mỹ và Trung Quốc trong mấy ngày qua liên tục bác bỏ lẫn nhau, khiến cho dư luận thế giới càng có cơ sở khẳng định, đây chính là minh chứng cụ thể cho một cuộc chiến thông tin – một kiểu chiến tranh mới trong kỷ nguyên số.

Hôm 24/3, các cơ quan thông tin, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin tàu Mỹ đã vi phạm lãnh hải Trung Quốc ở Biển Đông, khu vực quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam). Ông Đàm Khắc Phi, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi cảnh cáo và yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay lập tức mọi hành động khiêu khích. Nếu cố tình tái phạm, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng do những sự cố không mong muốn”. Cái sự cố không mong muốn ấy theo ông Đàm là Mỹ cố tình đưa tàu khu trục đến quấy nhiễu ở khu vực Tây Sa (!).

Báo chí Trung Quốc nêu rõ, hôm 24/3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius của Mỹ đã bị xua đuổi và buộc phải tháo chạy. Đây là hành động cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông nhằm thách thức chủ quyền vô căn cứ.

Tàu USS Milius thuộc lớp khu trục hạm Arleigh Burke, được Mỹ chế tạo và đưa vào biên chế từ năm 1996. Tàu có chiều dài 154m, sườn ngang 18m, mớn nước 9,4m, trọng tải tối đa gần 9.000 tấn. USS Milius cần tới bốn động cơ tuabin khí General Electric LM2500-30. Vận tốc tàu có thể đạt 56 km/h với tầm hoạt động lên tới 8.100km. Nó có thể phát hiện mục tiêu dưới mặt nước như tàu ngầm, hoặc ngư lôi đối phương ở khoảng cách 64km.

Sự xuất hiện của “quái vật” này khiến Trung Quốc hết sức tức giận. Nhưng, con tàu khu trục này có xuất hiện ở Hoàng Sa và bị xua đuổi thật không, hay chỉ là thói thị phi trong thời hiện đại, một cái hướng cần nhắm đến trong cuộc chiến thông tin?

Mặc cho Bắc Kinh nói , Washington kiên quyết nói không. Lầu Năm Góc bác bỏ mọi tuyên bố từ Quân đội Trung Quốc. Rằng, không có cuộc “xua đuổi” nào xảy ra. Và Hải quân Mỹ đàng hoàng làm nhiệm vụ tuần tra nhằm “duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Ông Luka Bakic, người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ tuyên bố cứng rắn: “Các yêu sách hàng hải bất hợp phát của Trung Quốc ở Biển Đông là hành vi lấn lướt, bắt nạt các nước nhỏ, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải. Quyền tự do đó bao gồm tự do hàng hải và hàng không, cũng như quyền tự do kinh tế của các quốc gia ven Biển Đông”.

Nói về việc tàu Mỹ bị “xua đuổi”, ông L. Bakic thản nhiên: “Chúng tôi làm gì mà bị xua đuổi và ai dám xua đuổi chúng tôi? Không ai có quyền xua đuổi khi chúng tôi đang thực thi các hoạt động an ninh hàng hải thường lệ ở vùng biển quốc tế. Điều đó phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOC) 1982”.

Vậy là câu chuyện tàu chiến của hai cường quốc “xua đuổi” nhau trên Biển Đông giống như lát cắt của một vở kịch hài. Trong cảnh huống ấy bên nào cũng muốn đóng vai chính diện, chả ai muốn nhận mình phản diện hoặc mang vai hề. Người phát ngôn của cả hai bên thì luôn tự nhận mình mới là đúng là có quyền mang danh người phán xử.

Thời nay, những “ông lớn” trên trường quốc tế đều muốn mang đến cho thế giới giải pháp hòa bình. Nhưng giải pháp ấy nhiều khi chỉ như một tuyên bố nhằm thể hiện lập trường. Giải pháp ấy nếu thành công thì người đưa ra giải pháp được ghi công, nếu thất bại thì họ cũng vô can.

Điều này giống như những giải hòa bình cho Ukraine mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp mới đây với Tổng thống Nga Putin. Nó là giải pháp tổng thể với những lời ve vuốt nhau mà không có cái gì cụ thể. Thực tế, có rất nhiều điều mà Tổng thống Nga V. Putin mong muốn đã không được đáp ứng. Tập Cận Bình đã không đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng ông ta ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine.

Những giải pháp trừu tượng, mơ hồ không có ích gì. Như thế thì quốc gia nào cũng có khả năng trở thành sứ giả hòa bình.

Việc tàu chiến, máy bay Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác trong thời gian qua chỉ là chuyện cụ thể trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc cần độc chiếm Biển Đông làm bàn đạp để vươn lên cạnh tranh vị trí siêu cường. Nếu không cớ sao họ phải la ó khi tàu chiến Mỹ xuất hiện trong khu vực?

Vấn đề khẩn thiết đặt ra lúc này là, không chỉ các nước đang có tranh chấp, các nước trong khu vực ASEAN, mà tranh chấp trên Biển Đông trở thành vấn đề toàn cầu. Không chỉ Mỹ mà các nước khác như Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ… vốn phụ thuộc vào tự do hàng hải đã và đang tích cực can dự để góp tiếng nói chung bảo đảm cho luật pháp quốc tế được tôn trọng.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới