Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBao giờ cuộc chiến Nga-Ukraina chấm dứt?

Bao giờ cuộc chiến Nga-Ukraina chấm dứt?

“Vì chiến tranh bắt đầu từ trong đầu óc con người, nên việc bảo vệ hòa bình phải được kiến tạo từ trong đầu óc con người” – Hiến chương UNESCO.

Người ta nói chiến tranh là sự nối tiếp của chính trị. Mọi cuộc chiến tranh đều phải kết thúc, dù sớm hay muộn. Nhưng một khi đã nổ ra thì chiến tranh như một con quái vật hung dữ, rất khó kiểm soát. Chiến tranh Ukraine mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tuy đã diễn ra hơn một năm, gây tổn thất nặng nề cho cả Ukraine và Nga, nhưng đa số các chuyên gia cho rằng chiến tranh Ukraine “còn lâu mới kết thúc”.

Hơn một năm qua, quân đội Nga được cho là đã mất hơn 165.000 quân tại Ukraine. Tổn thất về người của Ukraine tuy ít hơn Nga, nhưng đất nước này bị tàn phá nặng nề. Việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh là một “cái bánh lớn” mà các cường quốc đều quan tâm, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ và Trung Quốc là hai đối thủ chính có vai trò lớn trong việc tái thiết Ukraine, cũng như trong việc viện trợ cho hai bên kéo dài chiến tranh.

Tạp chí Time tổng kết một năm chiến tranh ở Ukraine đã dẫn đến bảy hệ quả lớn. Một là NATO đã hồi sinh. Hai là một châu Âu mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn. Ba là cuộc khủng hoảng tỵ nạn lớn nhất trong nhiều thập niên. Bốn là sự đan xen giữa kinh doanh và địa chính trị. Năm là các nước giảm phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Sáu là một nước Nga không hoàn toàn bị cô lập. Bảy là Đài Loan trở thành trọng tâm mới.

Theo đại sứ Úc John McCarrthy, sau một năm chiến tranh Ukraine, có ba biến chuyển đáng chú ý. Một là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng tại khu vực Bắc Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai là diễn biến tại khu vực này (như chiến tranh Ukraine) sẽ tác động đến khu vực kia (như căng thẳng tại eo biển Đài Loan). Ba là sự hồi sinh của “các nước phương Nam” lâu nay mờ nhạt.

McCarthy cho rằng Trung Quốc có thể làm “đòn bẩy” trong tiến trình hòa bình sẽ diễn ra tại Châu Âu. Điều này giúp Trung Quốc có tầm vóc toàn cầu, tuy lúc này họ chưa khai thác được tiềm năng này. Sáng kiến hòa bình 12 điểm của Tập Cận Bình (ngày 25/2) tuy bị các nước liên quan bác bỏ, nhưng là bước đầu đề giúp Trung Quốc có một vai trò ngoại giao tích cực hơn tại Ukraine. Trung Quốc có thể gắn sự kiềm chế của mình trong việc cung cấp vũ khí cho Nga, với việc Mỹ kiềm chế trong việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan.

Tập Cận Bình và Putin

Chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình (20-23/3/2023) tuy diễn ra trong bối cảnh tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ Putin (20/3) như “tội phạm chiến tranh” (được 123 nước ủng hộ), nhưng Tập vẫn phải gặp Putin, để khẳng định vai trò của Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tập Cận Bình sau khi Đại hội Đảng 20 khẳng định nhiệm kỳ thứ ba của ông như “hoàng đế” Trung Hoa. Một năm qua, trong khi Trung Quốc vẫn ủng hộ Nga và đang cân nhắc viện trợ vũ khí cho Nga như để thách thức lệnh trừng phạt của Mỹ, thì Trung Quốc lại đang xây dựng hình ảnh và vai trò trung gian hòa giải. Vì vậy, chính quyền Biden có lý do để lo ngại về nước cờ tiếp theo của Trung Quốc.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng chiến tranh Ukraine “là một thảm họa cho nước Nga”. Tuy Putin có công phục hồi nước Nga, nhưng xâm lược Ukraine là một sai lầm chiến lược. Hàng trăm ngàn quân Nga đã chết hoặc bị thương. Hàng trăm ngàn người Nga có tay nghề cao đã chạy ra nước ngoài. Nói cách khác, nước Nga có cơ hội trở thành một cường quốc thịnh vượng trong thế kỷ 21, nhưng Putin đã đánh mất tất cả.

Những gì mà Putin và những người thân cận đã lựa chọn trong hai thập kỷ qua là từng bước dập tắt hy vọng về một nước Nga mới cởi mở hơn. Thay vào đó là hoài niệm về một đế quốc Nga trong quá khứ. Putin đã thâu tóm quyền lực và điều hành chính sách đối ngoại của Nga với nỗi ám ảnh về “đe dọa quân sự từ phương Tây”. Ông muốn biến nước Nga thành một cường quốc của thế kỷ 19, và kiểm soát các nước trong Liên Xô cũ, bắt đầu bằng Ukriane. Cánh cửa cơ hội của Nga đóng lại vĩnh viễn khi Putin ra lệnh xâm lược Ukraine.

Tuy Putin đã sai lầm chiến lược khi quyết định xâm lược Ukraine, nhưng công bằng mà nói ông đã đúng trong một số vấn đề nhất định. Một là các biện pháp trừng phạt của phương Tây không quyết định được kết cục chiến tranh Ukraine. Hai là đa số người Nga chấp nhận thất bại quân sự với những tổn thất lớn mà không dẫn đến việc lật đổ Putin. Ba là một số nước khác vì lợi ích của mình, đã không lên án Putin. Tuy Mỹ, Châu Âu và một số nước đã phản ứng gay gắt với Nga, nhưng “các nước phương Nam” không muốn theo phương Tây.

Theo Alexander Gabuev, “kế hoạch hòa bình” của Trung Quốc “là cái lá nho” che đậy sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Nga, bị phương Tây bác bỏ. Mục đích của Bắc Kinh là tạo dư luận cho rằng Trung Quốc đã đưa ra một “kế hoạch hòa bình” để hai bên xem xét, nhưng đã bị phương Tây bác bỏ. Nói cách khác, đây chỉ là một nước cờ nhỏ nhằm dọn đường cho giai đoạn “trước đàm phán”, trong một ván bài lớn và lâu dài của Bắc Kinh nhằm làm thay đổi trật tự thế giới.

Quá trình đàm phán

Theo Thomas Pickering (cựu thứ trưởng ngoại giao và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc), không có cuộc chiến tranh nào kết thúc mà không có hậu quả chính trị. Cuộc chiến tranh Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Cả hai bên đều cho rằng “còn quá sớm cho ngoại giao”. Chiến tranh thường kết thúc với ba giai đoạn đàm phán: một là “chuẩn bị trước”; hai là trước đàm phán; và ba là đàm phán.

Giai đoạn “chuẩn bị trước” thường để thu xếp các bất đồng nội bộ và kết nối với các bên liên quan. Giai đoạn “trước đàm phán” thường để chuẩn bị cho đàm phán chính thức, như xác định thời gian, địa điểm, và những người tham gia. Giai đoạn ba để đàm phán trực tiếp (thường được gắn với các hoạt động ngoại giao). Các yếu tố như bối cảnh chính trị, các đòn bẩy, và thực tế diễn ra trên chiến trường, đều góp phần tác động tới quá trình chuẩn bị đàm phán.

Hiện nay, Tổng thống Putin của Nga và Tổng thống Zelensky của Ukraine đều muốn giành chiến thắng trên chiến trường. Cơ hội đàm phán chỉ mở ra khi nào triển vọng quân sự của Nga suy giảm. Các cơ hội đó chỉ thực sự xuất hiện khi nào hai bên sẵn sàng đàm phán, hoặc là tín hiệu giả khi hai đối thủ tìm cách đánh lừa nhau. Hiện nay, mục tiêu của bên này còn vượt xa những gì mà bên kia sẵn sàng chấp nhận. Đối với Nga, phải kiểm soát được Ukraine. Đối với Ukraine, Nga phải trả lại tất cả các vùng họ chiếm đóng.

Chuẩn bị trước không đòi hỏi các bên phải nhất trí hoàn toàn với nhau về các vấn đề thực chất. Cũng không cần các bên phải thỏa thuận với nhau, mà chỉ cần thông cảm với sự khác biệt của các bên (ở Mỹ) như Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng để sẵn sàng đàm phán. Các nhà ngoại giao Mỹ thường nói rằng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, cần phải giải quyết tới 60% những khác biệt giữa các bên trong chính quyền và đội đàm phán. Sự hòa hợp của các bên không chỉ có ích mà còn là thiết yếu.

Hiện nay, Mỹ vẫn đang trong giai đoạn đầu để chuẩn bị đàm phán. Các nhà lãnh đạo thế giới đang gia tăng kêu gọi hòa bình. Washington và các bên thứ ba bắt đầu tiếp xúc không chính thức và bí mật với các bên khác để đánh giá thái độ của họ về ngoại giao. Những cố gắng để thu xếp các vấn đề nội bộ là vô cùng cần thiết để chuẩn bị chiến lược. Nhưng điều này là một thách thức khó lường và dễ thay đổi.

Giai đoạn trước đàm phán nhằm giúp Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp. Phía Mỹ cần nhấn mạnh với các đồng nghiệp Nga và Ukraine rằng kết quả quân sự sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém, và không chắc chắn. Ngoại giao là cách đảm bảo hơn để đạt được mục đích mong muốn. Cần xúc tiến “đàm phán sơ bộ” nhằm trao đổi về lập trường, ý tưởng, và thúc đẩy các tiếp xúc trực tiếp. Các bên thứ ba được Nga và Ukraine chấp nhận, có thể gặp riêng lãnh đạo của hai bên để thăm dò ý tưởng, mục tiêu và thái độ.

Tăng cường đàm phán trực tiếp, với sự giúp đỡ của bên thứ ba (như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ). Bắt đầu giai đoạn trước đàm phán với khuôn khổ không chính thức, có thể thúc đẩy quá trình đàm phán tiến triển. Tuy đàm phán không chính thức là một công cụ hữu ích, nhưng nếu lạm dụng cách này quá nhiều, có thể làm phức tạp thêm vấn đề. Mở cửa cho nhiều bên thứ ba tham gia sẽ tạo cơ hội cho họ can thiệp, có thể kéo dài đàm phán và dễ gây ra hiểu lầm, như một quả bom nổ chậm có thể phát nổ bất cứ lúc nào, làm hỏng việc.

Các bên có sẵn sàng chuyển từ giai đoạn “trước đàm phán” sang giai đoạn “đàm phán” sẽ phụ thuộc một phần vào các sự kiện diễn ra trên chiến trường và một phần vào nhận thức ai thắng, ai thua. Các bên thứ ba tham gia đàm phán có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo quá trình hòa bình đi đúng hướng. Một khi các bên đã nhất trí về tiến trình đàm phán trực tiếp, thì khó khăn sẽ bắt đầu. Việc giữ bí mật nội bộ là rất cần thiết để đàm phán trực tiếp, nhưng điều này không phải dễ đạt được.

Ukraine có vị trí quan trọng như cái cầu nối giữa EU và Nga. Ukraine cũng cần một khuôn khổ để tái thiết sau chiến tranh, tái định cư cho người dân, chống tham nhũng, và đảm bảo quy chế bình đẳng cho cả hai nhóm người nói tiếng Ukraine và tiếng Nga. Trong bối cảnh đó, Quebec là một mô hình hữu ích để Ukraine tham khảo. Tuy trưng cầu dân ý không phải là cách tốt nhất, nhưng người dân Ukraine cần được bỏ phiếu riêng rẽ tại Donbas và Crimea, xem họ muốn là một phần của Nga hay của Ukraine, hay khu tự trị ở mỗi nước.

Một điều khó nhất trí hơn là quy chế về an ninh: Liệu Ukraine có nên gia nhập NATO hay là nên gia nhập Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể của các nước Liên Xô cũ? Liệu Ukraine có nên quyết định điều đó bằng trưng cầu dân ý để phản ánh đúng nguyện vọng của người dân, với thời hạn mười năm? Thách thức lớn nhất, nhưng lại được giải quyết cuối cùng, là vấn đề lãnh thổ. Cách an toàn nhất và công bằng nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ là hỏi người dân xem họ muốn là một phần của Nga hay của Ukraine.

Donbass và Crimea sau đó sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý để xác định xem họ muốn gắn với Nga hay với Ukraine, trong vòng năm hay bảy năm tới. Tuy Nga và Ukraine chưa sẵn sàng đàm phán trực tiếp, nhưng với sự thận trọng và kín đáo, Mỹ và các bên thứ ba khác cần thúc đẩy giai đoạn “chuẩn bị trước” và bắt đầu giai đoạn “trước đàm phán”. Họ cần xây dựng lòng tin, thuyết phục các bên chấp nhận thực tế khắc nghiệt, tháo gỡ các trở ngại cho tiến bộ ngoại giao. Nếu không, Nga và Ukraine có thể bị xô đẩy vào cái vòng xoáy nguy hiểm.

Quyết định của ICC

Quyết định của ICC là một đòn hiểm đúng lúc Tập Cận Bình đến Nga gặp Putin. Không chỉ Putin bị mất uy tín mà Tập cũng bị mất uy tín, nếu ủng hộ “tội phạm chiến tranh”. Ukraine đã cảnh báo dư luận “đừng rơi vào cái bẫy của Trung Quốc”. Trong bối cảnh hiện nay, chuyến thăm của Tập không phản ánh nguyện vọng hòa bình, mà “muốn có vai trò trong việc dàn xếp hậu chiến”. Trung Quốc chỉ muốn ngừng xung đột có lợi cho Nga.

ICC đã từng ra lệnh bắt Tổng thống Muammar Gaddafi (Libya), Tổng thống Omar al-Bashir (Sudan), và xử cựu Tổng thống Laurent Gbagbo (Bờ Biển Ngà). Nhưng đây là lần đầu tiên, nguyên thủ quốc gia của một cường quốc là thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị ICC ra lệnh bắt giữ.

Trước mắt, quyết định của ICC đối với Tổng thống Putin và Maria Lvova-Belova (phụ trách quyền trẻ em của Nga) vì tội bắt cóc hàng vạn trẻ em Ukraine để tẩy não, tuy chưa tác động đến cuộc gặp Tập-Putin, hay lập trường của Bắc Kinh đối với Nga, nhưng là một đòn tâm lý nặng nề đối với tinh thần chiến đấu của quân đội Nga trên chiến trường. Về lâu dài, tuy Putin có thể vẫn an toàn ở Nga, nhưng đây là một đòn cân não và lâu dài đối với người Nga nói chung và Putin nói riêng, nếu muốn đến thăm các nước khác.

Ngay sau lệnh của ICC, Tổng thống Biden nói ông tin rằng quyết định của ICC đối với Putin là “chính đáng”, và nhấn mạnh rằng Putin “rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh” vì đã ra lệnh xâm lược Ukraine. Về cuộc gặp Tập-Putin, Chính quyền Biden tin rằng Trung Quốc muốn có vai trò hòa giải giữa Nga và Ukraine. Nhưng sau phán quyết của ICC, phải soi kỹ vai trò đó của Trung Quốc.

Hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam đều đưa tin về quyết định của ICC, nhưng thận trọng và tránh tỏ thái độ, chỉ nhấn mạnh lập trường chính thức của Nga là “không công nhận thẩm quyền của ICC và coi bất kỳ tuyên bố nào của ICC là không có hiệu lực pháp lý”. Phản ứng đó của Việt Nam là dễ hiểu, nhưng so với phát biểu gần đây của tướng Nguyễn Chí Vịnh (23/2) thì yếu hơn nhiều. Việc yêu hay ghét ai là quyền của cá nhân, nhưng trong thái độ ứng xử đối với cuộc chiến tranh Ukraine, thì phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Theo báo chí (24/2/2023), tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng ai phát động chiến tranh thì người đó phải kết thúc. Đến nay, Việt Nam không dám chỉ đích danh “Nga xâm lược”. Trong lần bỏ phiếu ngày 23/2 về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng (trong số 193 nước, có 141 nước bỏ phiếu thuận, 32 nước bỏ phiếu trắng, 7 nước bỏ phiếu chống, và 13 nước không bỏ phiếu).

Trước mắt, Trung Quốc đang hưởng lợi do chiến tranh Ukraine. Về lâu dài, Trung Quốc không thể để mất “cái bánh tái thiết Ukraine”, nhưng “cái bánh tái thiết nước Nga” còn lớn hơn nhiều. Sau một năm chiến tranh ác liệt, nước Nga đang bị kiệt quệ, thiếu cả đạn lẫn tiền. Chiến tranh càng kéo dài thì Nga càng kiệt quệ, và càng phải lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, như một con nợ lớn. Nói cách khác, Trung Quốc có cơ hội lớn, không chỉ củng cố được an ninh về phía bắc, mà còn thâu tóm được nguồn tài nguyên khổng lồ của Nga.

Tướng Mark Milley (Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân) nói với các bộ trưởng quốc phòng NATO: “Nga đã thua về chiến lược, về chiến dịch và chiến thuật”. Có ba kịch bản: một là Ukraine thắng và đuổi quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine; hai là Nga thắng và Ukraine trở thành một phần Liên bang Nga; ba là một giải pháp được quốc tế đảm bảo. Đại sứ Úc John McCarthy gợi ý một thỏa thận như Simla Agreement (1972) giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir.

Ngoài ra còn một kịch bản khác là chiến tranh có thể mở rộng thành xung đột không mong muốn giữa Nga và NATO, với nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Lâu nay, quan điểm của Putin là nếu không làm chủ được Ukraine thì nước Nga không còn là một cường quốc. Nga có nguy cơ trở thành một cường quốc khu vực, nhưng có khả năng đe dọa hủy diệt hạt nhân. Là sỹ quan KGB, Putin biết khai thác tối đa hiệu quả tâm lý của trò chơi “bên miếng hố chiến tranh”. Đó là nước cờ hiệu quả trong thế bí.

Henry Kissinger đã nói từ năm ngoái, “kết thúc chiến tranh, phải có chỗ cho Ukraine và phải có chỗ cho Nga”. Ông cũng thừa nhận rằng Nga có thể tự tách mình khỏi Châu Âu. Nhưng liệu Nga có còn tồn tại như một cường quốc hay không? Theo học giả Walter Russell Mead, hậu quả của việc đó rất lớn, xô đẩy Nga vào khủng hoảng bản sắc với hệ quả chính trị khó lường. Một nước Nga suy tàn có thể nguy hiểm hơn một nước Nga đang trỗi dậy.

Các học giả Nga cho rằng chúng ta đang chứng kiến “sự giẫy chết kéo dài” của đế quốc Nga. Đó là “sự sụp đổ hoàn toàn của mọi thứ ở Nga” vì dưới thời Putin, “tương lai của nước Nga đã bị cắt cụt”. Theo Paul Dipp, một nước Nga bị suy yếu nghiêm trọng, cô lập và nhỏ hơn có thể trở nên nguy hiểm hơn cho thế giới, dù kết cục của chiến tranh Ukraine sẽ thế nào đi nữa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới