Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Mỹ "nổi cáu"

Vì sao Mỹ “nổi cáu”

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tốn khá nhiều thời lượng tuyên truyền của báo chí thế giới. Đánh giá kết quả chuyến thăm này, hôm 22/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương khẳng định: Trung Quốc và Nga cần phải tăng cường phối hợp và chuyến thăm này là sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc tới địa chính trị toàn cầu.

Đó là nhận định của Bắc Kinh và Moscow. Còn Mỹ và các nước phương Tây thì ngược lại. Washington cho rằng, Trung Quốc cũng đang có những hành động khiêu khích đáng lo ngại khi triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Nước này đã thả khinh khí cầu do thám bay qua không phận của Mỹ. Mấy ngày qua, Trung Quốc cho tàu Hải Dương Địa chất 8 đi vào khu vực EEZ của Việt Nam và Philippines gần quần đảo Hoàng Sa.

Thậm chí, Trung Quốc đang xem xét việc viện trợ quân sự cho Nga. Động thái này càng làm leo thang căng thẳng với Mỹ. Và chính quyền của ông Biden đã “nổi cáu”. Trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra tuyên bố, Mỹ cần phải tăng mạnh ngân sách cho hoạt động quốc phòng cho năm tài khóa 2024.

Theo định hướng chiến lược cho năm tài khóa tới (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), Bộ Quốc phòng Mỹ dự toán mức ngân sách là 842 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm tài khóa 2023 và tăng 13,4% so với năm tài khóa 2022. Theo ông L.Austin, ngân sách quốc phòng tăng chủ yếu do sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Ngân sách quốc phòng Mỹ cũng sẽ tập trung vào việc thúc đẩy ba ưu tiên của Bộ Quốc phòng: Một là, bảo vệ quốc gia; hai là, chăm sóc các quân nhân đang phục vụ và gia đình họ; ba là, phát triển các mối quan hệ và hợp tác bền chặt hơn với các đối tác và các quốc gia đồng minh.

Khoản ngân sách tăng đáng kể nhằm thực hiện Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống. Trong đó có ưu tiên cho việc đầu tư vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tại khu vực Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc đang đầu tư để tạo ra một vị thế quân sự linh hoạt hơn, gia tăng quy mô và mức độ phức tạp của các cuộc tập trận với các quốc gia đối tác ở đó.

Bộ Quốc phòng Mỹ có lẽ muốn “bắn tin” tới Trung Quốc rằng, Mỹ sẽ tăng cường các hoạt động quân sự, hợp tác sâu rộng hơn với các đồng minh và đối tác ở khu vực Thái Bình Dương. Cụ thể, mức đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2024 nêu trên cũng bao gồm mức tăng 40% cho “Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương”. Mức chi 9,1 tỷ USD cho Sáng kiến này là mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó ưu tiên cho việc tài trợ để giúp tăng khả năng phòng thủ cho đảo Hawaii và đảo Guam.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang chuyển tiếp và triển khai thêm lực lượng, đầu tư xây dựng sân bay, cơ sở hậu cần, nâng cao khả năng kháng cự ở những khu vực như Nhật Bản, Australia, đảo Guam và các quốc gia có chủ quyền tham gia Hiệp ước Hiệp hội Tự do.

Đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2024 cũng đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất của Bộ vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm nay, Riêng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tiêu tốn khoảng 145 tỷ USD.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng dự kiến chi khoảng 170 tỷ USD cho hoạt động mua sắm để duy trì sự thống trị trên không, trên biển và trên bộ. Trong đó dành khoảng 61 tỷ USD tài trợ cho những thiết bị như chiến đấu cơ B-21 Raider, 48 tỷ USD hỗ trợ đóng 9 tàu chiến cho Hải quân Mỹ.

Dự toán ngân sách quốc phòng cũng bao gồm 37,7 tỷ USD tài trợ cho bộ ba răn đe hạt nhân. “Bộ ba” này gồm ICBM phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay mang vũ khí hạt nhân. Duy trì ba trụ cột hạt nhân giúp hạn chế nguy cơ lực lượng chiến lược bị xóa sổ trong đòn phủ đầu, bảo đảm khả năng tấn công trả đũa và năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy.

Ông Austin nói với các thượng nghị sĩ của Mỹ rằng, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục hiện đại hóa bộ ba hạt nhân và tăng cường khả năng răn đe chiến lược của Mỹ.

Vậy là “hậu chuyến thăm” của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga đang nảy sinh nhiều vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế. Đương nhiên, Nga và Trung Quốc sẽ đạt được một số thỏa thuận tích cực về kinh tế, quốc phòng. Song điều đáng lo ngại là tiếp tục thêm dầu vào lửa trong quan hệ Trung Quốc-Mỹ và Trung Quốc với phương Tây.

Nhưng Trung Quốc vốn có kinh nghiệm “dò đá qua sông”. Khi thấy luồng lạch không thông họ sẽ nhanh chóng rút chân khỏi mặt nước. Trước sự phản ứng dữ dội từ Washington, trong đó có việc đầu tư mạnh mẽ cho ngân sách quốc phòng, liệu Bắc Kinh có diệu kế gì?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới