Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ sắp kết thúc thời kỳ là “Công xưởng thế giới”

TQ sắp kết thúc thời kỳ là “Công xưởng thế giới”

Kể từ khi mối quan hệ địa chính trị giữa Trung – Mỹ xấu đi, chi phí sản xuất ở Trung Quốc cũng tăng lên, cộng thêm chính sách Zero Covid và hành vi thâm nhập vào các doanh nghiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)… ngày càng nhiều công ty nước ngoài cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác, bao gồm cả các công ty trong lĩnh vực công nghệ.

Hình ảnh cho thấy một nhà máy sản xuất sản phẩm quang học ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Kyocera của Nhật Bản là một trong những nhà sản xuất linh kiện bán dẫn lớn nhất thế giới. Năm ngoái, chủ tịch công ty là ông Hideo Tanimoto đã thông báo rằng lần đầu tiên sau gần 20 năm họ sẽ xây dựng một nhà máy mới tại Nhật Bản. Tháng trước, ông nói với Financial Times rằng mô hình kinh doanh sản xuất tại Trung Quốc và từ đó xuất khẩu ra nước ngoài không còn khả thi.

Ông Tanimoto nói: “Không chỉ tiền lương của (công nhân Trung Quốc) tăng lên, mà rõ ràng là rất khó để xuất khẩu từ Trung Quốc sang một số khu vực khác do mọi thứ đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.

Cuộc di cư công nghệ khỏi Trung Quốc trở thành xu hướng
Vào tháng 10 năm ngoái, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt nhất trong lịch sử đối với Trung Quốc, nhằm ngăn ĐCSTQ sử dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng sức mạnh quân sự và khả năng giám sát. Tháng trước, Nhật Bản và Hà Lan cũng đã đồng ý cùng với Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu các công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc.

Ông Tanimoto cho biết, hiện nay việc sản xuất phần cứng ở Trung Quốc gần như là không thể nếu như không được tiếp cận với công nghệ chip.

Kyocera đại diện cho những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu trước xu hướng di cư công nghệ khỏi Trung Quốc. Dell, nhà sản xuất máy tính lớn thứ ba thế giới, đã tiết lộ kế hoạch ngừng sử dụng vi mạch (microchip) của Trung Quốc vào năm tới và yêu cầu các nhà cung cấp giảm sử dụng các loại linh kiện khác do Trung Quốc sản xuất. Theo hồ sơ chứng khoán do đối tác Trung Quốc của Tsinghua Unigroup cũng cấp, công ty Hewlett Packard Enterprise (HPE) – đối thủ cạnh tranh của họ – đang rao bán một công ty liên doanh sản xuất thiết bị công nghệ thông tin có tuổi đời 20 năm.

Financial Times ngày 14/3 đưa tin, bà Judith Wiese – Giám đốc Nhân sự kiêm Giám đốc Phát triển bền vững của công ty Siemens – cho biết công ty đang thuê nhân công và cân nhắc xây thêm nhà máy ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Nhiều công ty đa quốc gia khác cũng đang cân bằng các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng. Các công ty như Sony, Samsung và Adidas đã chuyển dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Một số yếu tố khiến dòng chảy công nghệ tăng tốc
Ông Eddie Han, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Isaiah Research, nói với Nikkei rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất thiết bị điện tử thực hiện kế hoạch thay thế của họ một cách nghiêm túc hơn – đó là xây dựng các cơ sở sản xuất thay thế ở bên ngoài Trung Quốc. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu.

Ông Mehdi Hosseini, một nhà phân tích công nghệ cao cấp của Tập đoàn quốc tế Susquehanna, người vừa trở về từ châu Á, nói với tờ báo Barron’s của Mỹ: “Tôi nghe được từ các công ty trong khu vực rằng họ ngày càng quan tâm đến việc giảm nguồn cung ứng linh kiện (từ Trung Quốc) hoặc chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc”.

Ngoài đó ra, còn một nguyên nhân khác là kể từ năm 2010, chi phí lao động ở Trung Quốc đã tăng 40%.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và việc hàng loạt công ty nước ngoài tháo chạy đã khiến các nhà đầu tư suy xét xem liệu điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc xâm chiếm eo biển Đài Loan.

Lệnh phong tỏa do chính sách Zero Covid càng là lời cảnh báo cho các công ty nước ngoài về mối nguy hiểm khi đặt chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc. Ông Daniel Karlsson, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Asia Perspective, nói với tờ Barron’s: “Mọi người cho rằng có thể thực sự xảy ra (cuộc xâm lược) ở Đài Loan”.

Theo ông Karlsson, chính sách Zero Covid là ‘giọt nước tràn ly’ dẫn đến làn sóng này. Ông cho biết, kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19, chính quyền ông Tập Cận Bình đã cố gắng xoa dịu quan hệ với phương Tây, đặc biệt là châu Âu. Nhưng khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, bất kỳ bầu không khí tốt đẹp nào cũng có thể bị khuynh hướng chuyên chế lấn át.

Ông Arthur Budaghyan, chiến lược gia trưởng về thị trường mới nổi tại BCA Research, nói với tờ Barron’s: “Điều không may là, tình hình vài tháng qua đã nói cho tôi biết, ĐCSTQ sẽ tham dự vào bất kỳ hình thức tái cơ cấu kinh tế nào”.

Sau khi Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ, các công ty Hàn Quốc bắt đầu đối mặt với làn sóng chủ nghĩa dân tộc do ĐCSTQ xúi giục và người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài, trong đó có H&M, đã bày tỏ quan ngại về điều kiện lao động ở Tân Cương và trúng phải ‘cơn gió độc’ mang tên tẩy chay hàng ngoại do Đoàn Thanh niên ĐCSTQ phát động.

Ông James Lim, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Hàn Quốc tại công ty Dalton Investments, cho biết: “Tình cảm thù hận [do chủ nghĩa dân tộc] đã ảnh hưởng đến rất nhiều công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc”.

Công ty lớn nhất của Hàn Quốc, Samsung Electronics, sau đó đã rút toàn bộ hoạt động sản xuất điện thoại thông minh ra khỏi Trung Quốc, và chủ yếu chuyển sang Việt Nam. Hyundai Motor đã mất 3/4 doanh số bán hàng tại Trung Quốc và phải bán nhà máy chủ chốt của mình.

Giờ đây, ngay cả Apple cũng đang cân nhắc rút khỏi Trung Quốc, chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Ấn Độ và MacBook sang Việt Nam. Tuần báo Barron’s cho rằng kỷ nguyên “công xưởng thế giới” của Trung Quốc sắp kết thúc.

Những quốc gia tiềm năng có thể hưởng lợi từ cuộc di cư công nghệ khỏi Trung Quốc này sẽ trải dài từ Mexico đến Ba Lan, cho đến cả Malaysia và Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới