Wednesday, April 24, 2024
Trang chủQuân sựTQ thay đổi chiến lược hạt nhân

TQ thay đổi chiến lược hạt nhân

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD để phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ — không chỉ sản xuất, sắm mới bom hạt nhân và đầu đạn hạt nhân, mà còn cả tên lửa, phương tiện vận chuyển, kho chứa, tàu ngầm và máy bay ném bom. Việc xây dựng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc có ý nghĩa gì về mặt chiến lược hạt nhân và địa chính trị?

Xe quân sự mang tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung DF-21D tham gia cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/09/2015.

Răn đe tối thiểu
Nhiều thập kỷ trước, người Trung Quốc ít nhiều hài lòng với việc sở hữu một lực lượng hạt nhân tương đối nhỏ. Bắc Kinh đã thử nghiệm bom nguyên tử (urani phân hạch) đầu tiên vào năm 1964 và bom hydro (nhiệt hạch) đầu tiên vào năm 1969. Bắc Kinh cũng phóng thử một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào năm 1966.

Trong thời kỳ ấy, lực lượng hạt nhân của Trung Quốc duy trì ở quy mô nhỏ và ở mức “cảnh báo thấp”, tuân theo chiến lược “không sử dụng trước” (NFU) [- tức là chỉ được sử dụng với mục đích trả đũa hạt nhân]. Từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000, nhiều ước tính khác nhau của phương Tây cho thấy kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc có không quá 160 đầu đạn hạt nhân. Do vậy, nước này được xếp ở vị trí cuối cùng trong “câu lạc bộ hạt nhân” – danh sách những nước được xác định có vũ khí hạt nhân như Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp.

Hơn nữa, Trung Quốc đã không thực sự sở hữu một lực lượng hạt nhân chiến lược: họ vẫn thiếu máy bay ném bom tầm xa hay tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (trừ một chiếc tàu ngầm lớp Xia (Xia–class) cồng kềnh, lỗi thời, không thể sử dụng được – đến mức nó được cho là chỉ thực hiện được một cuộc tuần tra răn đe duy nhất và không bao giờ ra khơi nữa).

Phần chủ chốt của lực lượng răn đe chiến lược của Trung Quốc chỉ bao gồm khoảng 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) DF-5A — những tên lửa khổng lồ chạy bằng nhiên liệu lỏng và mất hàng giờ (nếu không muốn nói là vài ngày) để chuẩn bị cho công tác phóng; do đó Bắc Kinh sẽ khó mà phát động một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ.

Trên thực tế, trong phần lớn thế kỷ 20, Trung Quốc đơn giản là quá nghèo và quá lạc hậu về công nghệ để có thể hy vọng sánh ngang sức mạnh hạt nhân của Hoa Kỳ hay Liên Xô. Một lực lượng hạt nhân nhỏ là đủ, nhưng Bắc Kinh còn thiếu một cơ sở lý luận chiến lược mạnh mẽ cho việc sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Câu trả lời là “răn đe tối thiểu” (có thể răn đe đối thủ ở mức tối thiểu). Theo học thuyết “răn đe tối thiểu”, Trung Quốc chỉ cần sở hữu một lực lượng hạt nhân có khả năng sống sót và trả đũa cuộc tấn công của kẻ thù. Điều này có nghĩa là, một lực lượng hạt nhân trả đũa dù hạn chế nhưng bền vững sẽ có thể ngăn chặn hành vi bắt nạt hạt nhân; nó cũng tương thích với học thuyết mang định hướng phòng thủ của Chiến tranh Nhân dân.

Chính sách này đã hoạt động hiệu quả trong nhiều thập kỷ, kể cả đến những năm 1980 và 1990 – khi Trung Quốc mở cửa, bắt đầu hiện đại hóa nền kinh tế và trở nên giàu có hơn. Quá trình hiện đại hóa hạt nhân nhìn chung nhường chỗ cho việc xây dựng các lực lượng thông thường của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

Về chính sách hạt nhân, Bắc Kinh chỉ đơn giản là nâng cấp nó lên thành “răn đe tối thiểu động”. Học thuyết này nhấn mạnh nhiều đến khả năng sống sót, khả năng có đủ nguồn cung và độ tin cậy. Các lực lượng hạt nhân vẫn còn hạn chế về quy mô, nhưng chúng sẽ có thể chống lại tốt hơn cuộc tấn công đầu tiên từ phía kẻ thù, nhờ đó, Trung Quốc có thể thực hiện cuộc tấn công trả đũa gây thiệt hại cho đối phương.

Chính sách “răn đe tối thiểu động” đã giúp nâng số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc lên đôi chút, có lẽ là lên tới 400 đầu đạn. Ngoài ra, chính sách này đòi hỏi Bắc Kinh phải mở rộng các hệ thống vận chuyển [- hệ thống công nghệ và phương tiện để đặt vũ khí hạt nhân vào vị trí thích hợp nhất]. Đặc biệt, với chính sách “răn đe tối thiểu động”, số lượng ICBM của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 55 đến 65 chiếc, hầu hết là các hệ thống tiên tiến, có thể được vận chuyển bằng đường bộ, sử dụng nhiên liệu rắn, có khả năng ẩn nấp trước các cuộc tấn công của kẻ thù và có khả năng khai hỏa trong thời gian ngắn.

Tấn công hạt nhân phủ đầu?
Tuy nhiên, trong khoảng một thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã tích cực xây dựng kho vũ khí hạt nhân của họ — một kho vũ khí quá lớn, không còn phù hợp với định nghĩa của “răn đe tối thiểu” hay “răn đe tối thiểu động”.

Ví dụ, theo Wall Street Journal, Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (STRATCOM) cho biết Trung Quốc đang có nhiều bệ phóng ICBM hơn Mỹ. STRATCOM lập luận rằng số lượng kho chứa ICBM của Trung Quốc đã tăng từ 100 vào năm 2020 lên 450 vào cuối năm 2022. Ngay cả khi một vài bệ phóng trong số này hiện còn để trống, chúng vẫn cho thấy, trong tương lai gần, Bắc Kinh có thể tăng đáng kể quy mô lực lượng hạt nhân trên đất liền.

Ngoài ra, khoảng một thập kỷ trước, đã xuất hiện suy đoán rằng Trung Quốc có thể đang xây dựng hàng ngàn dặm địa đạo để lưu trữ và vận chuyển vũ khí hạt nhân. Theo ước tính vào thời điểm đó thì Trung Quốc có thể có tới 3.000 đầu đạn hạt nhân.

Lực lượng Không quân Hoa Kỳ có 400 kho chứa tên lửa, cùng với 50 kho khác đang để trống. Mỗi tên lửa của Mỹ chỉ mang một đầu đạn duy nhất.

Tất nhiên, phần lớn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là ở trên biển. Hải quân Hoa Kỳ vận hành 14 tàu ngầm mang tên lửa (SSBN) lớp Ohio (Ohio–class). Mỗi SSBN được trang bị 24 tên lửa đạn đạo phóng từ biển (SLBM) Trident II và mỗi SLBM mang tới 12 đầu đạn.

Tuy nhiên, ngay cả ở phương diện này, Trung Quốc cũng đang bắt kịp Mỹ. Bắc Kinh hiện vận hành 6 chiếc SSBN Type-094. Mỗi chiếc đều được trang bị hàng chục SLBM JL-2 có tầm bắn 4.600 dặm (7403 km), mỗi SLBM mang một đầu đạn duy nhất, nhưng chúng có khả năng mang từ 3 đến 8 đầu đạn. Ngoài ra, một lớp SSBN mới đang được Trung Quốc nghiên cứu phát triển.

Việc đưa máy bay ném bom mới (máy bay tàng hình H-20) và lượng lớn tên lửa có thể được vận chuyển bằng đường bộ (road-mobile missile) vào hoạt động, cũng như việc nâng cấp lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, là rất ấn tượng (hoặc rất đáng lo ngại, tùy thuộc vào góc nhìn của quý vị). Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể sẽ sở hữu 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030 và lên tới 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035. Con số này gần tương đương với tổng số đầu đạn đang ở trạng thái “sẵn sàng sử dụng” mà cả Mỹ và Nga sở hữu (cả hai nước này đều có hàng nghìn vũ khí hạt nhân khác đang được cất giữ trong kho).

Việc Trung Quốc khẩn trương xây dựng lực lượng hạt nhân với quy mô lớn đặt ra câu hỏi: họ có mục đích gì? Những con số về lực lượng hạt nhân của họ đã vượt quá mức “răn đe tối thiểu”. Hơn nữa, các hệ thống vận chuyển hạt nhân của Trung Quốc có độ chính xác ngày càng cao, nhờ đó, Bắc Kinh có khả năng tấn công phủ đầu. Phải chăng Bắc Kinh đã chuyển sang chiến lược tấn công hạt nhân phủ đầu?

Đó là một khả năng. Tuy nhiên, một điều thậm chí còn đáng lo ngại hơn bất kỳ chiến lược hạt nhân có mục đích nào, đó là: có thể Bắc Kinh cũng không biết rõ họ muốn làm gì với kho vũ khí hạt nhân đang ngày càng lớn mạnh của họ. Họ có thể đang xây dựng lực lượng hạt nhân chỉ đơn giản bởi vì họ có tiền và công nghệ để làm như vậy, và bởi vì họ coi vũ khí hạt nhân là một công cụ khác trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ.

Chiến lược quốc gia của Trung Quốc – đặt mục tiêu “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” vào giữa thế kỷ này – quá hung hăng đến mức có thể dẫn đến việc Bắc Kinh sử dụng vũ khí hạt nhân một cách nóng nảy. Trung Quốc thậm chí có lẽ không biết họ đang để bản thân rơi vào tình huống nào.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới