Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam nói “mềm”, làm “cứng”

Việt Nam nói “mềm”, làm “cứng”

Cùng với Philippines, Việt Nam là quốc gia bị Trung Quốc gây hấn nhiều trên Biển Đông. Đối lại sự ngang ngược, phản ứng của Việt Nam thường bị cho là “yếu đuối”. Trong thực tế, những người quy kết đã nhầm. Phản ứng của Việt Nam trên thực địa mới là điều quan trọng, và cứng rắn hơn họ tưởng.

Ngày 26/3/2023, tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam và tàu hải cảnh CCG5205 của Trung Quốc đã áp sát một cách nguy hiểm. (Hình ảnh của Maritime Traffic)

Bằng vào cách thức phản ứng đó, Việt Nam bao giờ cũng chứng minh, với những vấn đề liên quan chủ quyền, lợi ích quốc gia, họ không nhân nhượng. Các chuyên gia theo sát tình hình Biển Đông cùng cánh báo chí phương Tây còn tinh quái phát hiện, đưa ra nhận xét rằng: nhiều dấu hiệu cho thấy, khác với trước kia đôi lúc còn kiềm chế, Hà Nội vẻ như ngày càng áp dụng lối “chơi rắn”, nói cách khác, là “chơi sòng phẳng” với Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh có các động thái khiêu khích, xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên thực địa.

Chuyện vừa xảy ra là một thí dụ.

Sự thể là cách đây vài bốn ngày, truyền thông phương Tây thập thò thông tin một tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc đã lai vãng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thông tin sau đó cụ thể hơn, rằng, con tàu ví như “kẻ trộm” đó là tàu Hải Dương địa chất 4; khu vực tàu này xâm nhập bất hợp pháp là bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…

Vậy là cái tên Tư Chính một lần nữa có chiều hướng “nóng” lên. Một lần nữa là bởi trước đó, từ tháng 7 tới tháng 9 năm 2019, Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc từ ngày 03/07/2019, đã thực hiện cái gọi là khảo sát một vùng đáy biển rộng lớn ở phía đông bắc Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam – thực chất là nhằm “nắn gân”, hay “thử phản ứng” của Việt Nam, thậm chí, là thử phản ứng của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đấu tranh khôn khéo, cho tàu bám đuổi, tránh gây hấn để không rơi vào “bẫy” của Trung Quốc, đồng thời, công bố thông tin, tranh thủ dư luận quốc tế phê phán Trung Quốc – một cách phản ứng được dư luận đánh giá là “khôn khéo, phù hợp”. Sau 3 tháng, Trung Quốc buộc phải rút tàu đi.

Trở lại vụ việc lần này. Mặc cho truyền thông phương Tây làm cái gọi là “đi trước”, Việt Nam chỉ đề cập sự việc sau đó hai ngày nhân câu hỏi của phóng viên quốc tế đề nghị khẳng định thông tin và cho biết phản ứng trước sự việc.

Thực ra, hỏi để mà hỏi thôi, còn cánh báo chí quốc tế lọc lõi thừa biết, bà phó phát ngôn ngoại giao xinh đẹp Phạm Thu Hằng sẽ có lời lẽ như thế nào trong thời điểm này. Bà nói rằng: “Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp quản lý và thực thi pháp luật trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và pháp luật Việt Nam để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình…”.

Xét về truyền thông, thế là khôn ngoan, kín kẽ, chặt chẽ, dù có thể lại bị ít người, hoặc do thiếu thiện chí, hoặc do không mấy am hiểu tính chất, đặc thù người đóng vai là cái “loa” cơ quan ngoại giao nên không những không chia sẻ, mà còn quy cho  là “yếm thế”.

Tuy nhiên, cũng truyền thông phương Tây phát hiện ra ứng xử của Việt Nam trên thực địa là cứng rắn, khác hẳn những lời mềm mại của người phát ngôn ngoại giao nêu trên. Tới mức, suýt nữa đã có một cuộc đụng đầu nảy lửa tại vùng biển cách Bãi Tư Chính của Việt Nam 50 hải lý (92.6km) về phía nam.

 Cụ thể, RFA (đài Mỹ hẳn hoi nhé) dưới cái tít không giấu nổi sự hoan hỷ “Tàu hải cảnh của Trung Quốc bị đuổi khỏi vùng biển của Việt Nam”, đã dẫn dữ liệu của trang theo dõi tàu thuyền Marine Traffic (Giao thông Hàng hải), theo đó: từ ngày 24/3, Việt Nam đã cho tàu kiểm ngư bám đuổi một tàu hải cảnh của Trung Quốc; tàu kiểm ngư của Việt Nam rõ ràng đã có một cuộc chạm trán căng thẳng vào cuối tuần qua ở Biển Đông. Hai tàu này đã áp sát, tới mức chỉ cách nhau 10 mét.

Cái từ “rõ ràng” hàm ý thông tin này cấm cãi, là thật. Cái sự “bị đuổi” thì là gì, nếu không là khẳng định Trung Quốc là “kẻ trộm”? Kinh nhất là “khoảng cách 10m”. Những người đi biển thừa biết, 10 m là khoảng cách mong manh, có thể xảy ra sự cố bất kỳ lúc nào khi cả hai con tàu cùng đang chuyển động trong trạng thái “gờm nhau”.

Sự việc càng đáng chú ý hơn với thông tin từ ông Ray Powell, người đứng đầu dự án Myoushu (Biển Đông) ở Đại học Stanford –  người đầu tiên phát hiện ra vụ việc nghiêm trọng này, cho biết: “Mặc dù có sự khác biệt về kích cỡ nhưng tàu Việt Nam khá táo bạo. Tàu Trung Quốc to gấp đôi tàu Việt Nam. Chắc chắn đã có một cuộc chạm trán rất căng thẳng”…

Căng thẳng tới mức nào, vị chuyên gia trên không đề cập. Tuy nhiên, việc 90 phút sau, tàu Trung Quốc rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – nơi nó đã ở đó từ tối thứ Sáu (24/3), cho thấy, tàu Hải cảnh Trung Quốc biết phận; còn tàu Kiểm ngư của Việt Nam đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Mới biết, trong bảo vệ lợi ích quốc gia, đừng vì lời nói mà đánh giá hành động. Hành động mới là quan trọng. Còn nói, nhất là lời nói của các nhà ngoại giao, nhiều khi chỉ mang tính hình thức trong bối cảnh cụ thể nào đó thôi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới