Diễn đàn Bác Ngao do Trung Quốc lập ra được tổ chức thường niên tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc từ năm 2001. Ban thư ký của Diễn đàn có trụ sở tại Bắc Kinh. Ý đồ của Trung Quốc lập ra Diễn đàn để làm đối trọng, thậm chí thay thế Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy sĩ. Hàng năm, Trung Quốc đã tận dụng diễn đàn này để truyền đi những quan điểm của Bắc Kinh liên quan đến các vấn đề quốc tế và khu vực.
Năm 2023, Diễn đàn Bác Ngao được tổ chức từ 28 đến 31/3 với sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia và khu vực. Bên lề Diễn đàn, hôm 30/3 Trung Quốc đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dựng trật tự hợp tác và an ninh ở Biển Hoa Nam (Biển Đông)”, với sự tham gia của các nhà ngoại giao Trung Quốc, cựu Tổng thống Philippines Gloria Arroyo, đại diện một tổ chức phi chính phủ và nhiều học giả khác. Giới chức Bắc Kinh mượn cuộc hội thảo này để chỉ trích Philippines “theo đuôi Mỹ”, bao biện cho những hành vi hung hăng của họ ở Biển Đông,
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp và căng thẳng, những người tham dự hội thảo “Xây dựng trật tự hợp tác và an ninh ở Biển Hoa Nam (Biển Đông)” cho rằng hợp tác về bảo vệ sinh thái, giảm nhẹ hậu quả thiên tai và kết nối hàng hải là hướng đi đã đem lại kết quả và cần được tiếp tục thúc đẩy. Một số ý kiến cũng đề xuất cần có thêm các cơ chế đối thoại không chính thức, chẳng hạn như giữa các nhóm chuyên gia tư vấn và các tổ chức phi chính phủ, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tránh những tính toán sai lầm.
Các diễn giả Trung Quốc đưa ra những ý kiến xuyên tạc tình hình thực tế ở Biển Đông, cho rằng “tình hình Biển Đông thời gian qua cơ bản ổn định”; đổ lỗi cho Mỹ và một số nước phương Tây “can thiệp” vào Biển Đông là nguyên nhân gây tình hình bất ổn nhằm đẩy các nước này ra khỏi khu vực để Trung Quốc rảnh tay khống chế độc chiếm Biển Đông. Chính khách và học giả Trung Quốc còn cao giọng nói rằng sự ổn định ở Biển Đông và sự thịnh vượng dựa trên đó đã mang lại lợi ích cho toàn bộ Trung Quốc và Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ nỗ lực cùng các nước trong khu vực “giải quyết ổn thỏa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông”.
Bên lề hội thảo, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) – Chủ tịch sáng lập Viện Nghiên cứu Nam Hải quốc gia Trung Quốc nói với phóng viên tờ “Thời báo Hoàn Cầu” rằng xét từ tình hình phức tạp ở Biển Đông, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Philippines có thể nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn. Việc Philippines vừa chấp thuận mở thêm 4 căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ tiếp cận và tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay với đồng minh này trong tháng 4 này; đồng thời, Manila cũng đang tăng cường quan hệ quốc phòng, hợp tác quân sự với Nhật và Úc, 2 đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực khiến Bắc Kinh lo ngại và tìm cách ngăn cản. Điều này được thể hiện rõ qua phát biểu của ông Ngô Sĩ Tồn.
Tại hội thảo, ông Ngô Sĩ Tồn kêu gọi các nước trong khu vực nỗ lực chung để ngăn chặn quân sự hóa Biển Đông và đặc biệt thận trọng trong việc mời các thế lực bên ngoài vào khu vực. Giới quan sát quốc tế đặt câu hỏi phải chăng ông Ngô Sĩ Tồn không biết rằng chính Trung Quốc là nước đã đẩy nhanh quân sự hóa ở Biển Đông thông qua việc biến các thực thể ở Biển Đông thành các đồn điền quân sự với các trang thiết bị vũ khí hiện đại đó hay sao? Và chính Trung Quốc đã liên tiếp đưa tàu chiến, kể cả tàu sân bay và tàu ngầm tiến hành tập trận rầm rộ ở Biển Đông đó hay sao?
Một số học giả cho rằng phát biểu của các giới chức và chuyên gia Trung Quốc tại hội thảo lần này là nhằm truyền tới Manila thông điệp “răn đe”, “cảnh cáo” trước việc Philippines củng cố quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ và tăng cường hợp tác an ninh với các đồng minh của Mỹ trong khu vực; ngăn Philippines đi quá xa với Mỹ. Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định là chính quyền của Tổng thống Marcos đã hiểu rõ họ cần làm gì để có thể bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích của họ ở Biển Đông
Phát biểu tại hội thảo, Bà Gloria Arroyo chỉ nhắc lại một cách chung chung quan điểm của Philippines rằng các vấn đề hàng hải không ảnh hưởng đến toàn bộ mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Philippines, và cả 2 nước đang sử dụng các cơ chế đối thoại trực tiếp để quản lý bất đồng; đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN.
Rõ ràng những lời nói mỹ miều của các giới chức và học giả Trung Quốc tại cuộc hội thảo lần này hoàn toàn trái ngược với những hành động trên thực tế của Bắc Kinh cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông đã và đang diễn ra trên Biển Đông.
Tại hội thảo, một số ý kiến bày tỏ kỳ vọng cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ững xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN có những tiến triển tích cực trong năm 2023 khi Indonesia làm chủ tịch ASEAN. Ông Michael Vatikiotis, cố vấn cấp cao Trung tâm Đối thoại Nhân đạo có trụ sở tại Geneva, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy hòa giải để tránh xung đột vũ trang, phát biểu rằng bản thân cuộc đàm phán là một quá trình xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, cho phép các bên giao tiếp và thảo luận về khác biệt. Ông cho rằng quy trình đóng vai trò quan trọng không kém kết quả.
Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế nhận định mặc dù nước chủ nhà ASEAN trong năm 2023 là Indonesia đã tuyên bố nỗ lực thúc đẩy đàm phán về COC đạt kết quả thực chất và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã khẳng định ủng hộ quyền tự chủ chiến lược của ASEAN và đồng ý đẩy nhanh đàm phán về COC, song những hành động hung hăng của Trung Quốc liên tục diễn ra ở Biển Đông có thể là trờ ngại cho cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC.
Ngay tại hội thảo, ông Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cựu Phó Tổng thư ký về kinh tế xã hội tại Liên hợp quốc (LHQ), nhấn mạnh rằng các nước trong khu vực nên hiểu tính cấp bách của đàm phán COC. Giới chuyên gia cho rằng kết quả đàm phán về COC phụ thuộc vào thiện chí của cả hai bên trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán, Trung Quốc cần phải dừng ngay các hoạt động hung hăng, gây hấn trên thực địa. Cho dù Bắc Kinh có những lời nói hoa mỹ tại các diễn đàn như tại hội thảo “Xây dựng trật tự hợp tác và an ninh ở Biển Hoa Nam (Biển Đông)” vừa qua, song họ vẫn tiếp tục các hành động bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông thì chỉ làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp, căng thẳng và khiến cánh cửa đàm phán về COC thu hẹp lại. Chúng ta cùng theo dõi Bắc Kinh sẽ hành động ra sao trong thời gian tới để chứng minh cho thiện chí hợp tác và xây dựng của họ trong việc thúc đẩy COC và duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.