Trong thế giới không an toàn, đầy rẫy những bất ổn, nhiều quốc gia đang cho thấy tham vọng muốn sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dồn dập những cảnh báo bùng nổ chiến tranh hạt nhân giữa Nga và phương Tây trong thời gian qua, nhất là sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Từ Hàn Quốc đến Ba Lan, Belarus và nhiều quốc gia đang tìm cách phát triển, mua, cũng như sở hữu vũ khí hạt nhân từ Mỹ và Nga.
Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương gần đây cảnh báo Trung Quốc và Mỹ đang trên đường tiến tới “xung đột và đối đầu”. Lời cảnh báo của ông Tần Cương được đưa ra khi mối nguy hiểm mới – khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Từ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đến châu Âu, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để răn đe ngày càng gia tăng. Xu hướng phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh tình hình địa chính trị bất ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay, các quốc gia đều có những toan tính riêng, lên kế hoạch sở hữu vũ khí hạt nhân để phỏng thủ, bảo vệ chính đất nước mình. Điều này khiến các điểm nóng địa chính trị đối mặt với nguy cơ trở thành bãi thử hạt nhân.
Nhiều nước muốn sở hữu vũ khí hạt nhân
Trước những cảnh báo đe dọa hạt nhân từ quốc gia láng giềng Triều Tiên, dư luận Hàn Quốc đang đặt ra câu hỏi về việc phải chăng nước này cần có vũ khí hạt nhân để đối phó với nguy cơ từ Bình Nhưỡng.
Mặc dù Thủ tướng Han Duck-soo từng khẳng định Hàn Quốc có đủ vũ khí để ngăn chặn mối de doạ từ Triều Tiên, tuy nhiên, câu hỏi về nhu cầu sở hữu vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc gia tăng thời gian gần đây.
Hôm 13/3, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon nói xung đột ở Ukraine cho thấy Hàn Quốc cần sở hữu vũ khí hạt nhân để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên. Theo vị này, trong bối cảnh “Triều Tiên gần như đã thành công trong việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật, đồng thời sở hàng chục đầu đạn” thì rất khó để “thuyết phục người dân Hàn Quốc rằng nước này nên kiềm chế phát triển vũ khí hạt nhân và kiên định với mục tiêu phi hạt nhân hóa”.
Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho rằng Hàn Quốc nên thúc đẩy việc phát triển, sở hữu vũ khí hạt nhân dù vấp phải phản ứng dữ dội và lệnh trừng phạt quốc tế. “Sẽ có phản đối ban đầu từ cộng đồng quốc tế, nhưng cuối cùng động thái này của Hàn Quốc sẽ nhận được sự ủng hộ”, ông Oh Se-hoon nói.
Theo kết quả thăm dò được công bố hồi tháng 2 năm ngoái, 71% trong hơn 1.300 người Hàn Quốc được hỏi ý kiến cho rằng nước này cần phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng trong bối cảnh căng thẳng không ngừng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Cũng theo cuộc thăm dò này, ngày càng nhiều người Hàn Quốc không còn tin tưởng vào lá chắn bảo vệ từ Mỹ.
Với việc Triều Tiên đưa ra nhiều lời đe dọa hơn về cuộc tấn công hạt nhân, Hàn Quốc hiện muốn có vũ khí hạt nhân cũng là điều dễ hiểu. Dù Seoul đã thỏa thuận với Washington để duy trì sự hiện diện vũ khí hạt nhân ở nước này, song quyền sử dụng chúng vẫn thuộc về Mỹ.
Câu hỏi được quan tâm là sau Hàn Quốc, điều gì sẽ xảy ra nếu Australia hoặc Philippines cũng muốn Mỹ đối xử tương tự? Nếu tham vọng của các nước này thành sự thật, Mỹ chấp nhận hiện diện đầu đạn hạt nhân tại các nước này, châu Á có thể trở thành trường bắn, bãi thử vũ khí hạt nhân. Khi đó, châu lục này không chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ và Triều Tiên sở hữu hạt nhân.
Australia là đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hợp tác quân sự hai nước diễn ra thường xuyên. Để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ cho Australia, hỗ trợ nước này xây dựng một lực lượng tàu ngầm hạt nhân vào năm 2040 thông qua hiệp ước an ninh AUKUS.
Ngoài ra, cuối năm 2022 có thông tin cho rằng Mỹ lên kế hoạch triển khai tối đa 6 máy bay ném bom B-52 có thể mang đầu đạn hạt nhân ở miền Bắc Australia. Những động thái của Mỹ và Australia khiến Trung Quốc bức xúc, Bắc Kinh cho rằng điều đó sẽ làm gay gắt thêm tình hình căng thẳng của Đông Á.
Trong khi đó, ở Trung Đông, khi Iran tiến gần hơn đến việc chế tạo bom hạt nhân, Israel cảnh báo “ngay bây giờ hoặc không bao giờ” phải ngăn chặn Tehran. Nếu Iran có được vũ khí hạt nhân sẽ phát sinh nhiều nguy cơ.
Đầu tiên, Iran có thể sử dụng, chia sẻ vũ khí hạt nhân với Venezuela, Syria… Điều này sẽ đặt phương Tây vào ghế nóng địa chính trị. Thứ hai, một khi Iran được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra một “cuộc khủng hoảng mang tính sống còn” cho các đối thủ của nước này.
Dù cho Ả Rập Xê-Út và Iran vừa khởi tuyên bố bình thường hoá, tái khởi động quan hệ song phương qua vai trò trung gian của Trung Quốc, song bom hạt nhân của Iran sẽ thay đổi mọi thứ. Ả Rập Xê-Út cảnh báo mọi thứ sẽ đổ vỡ nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này cũng sẽ thúc đẩy Ả Rập Xê-Út phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ?
Chỉ vài ngày sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, người dân Belarus đã bỏ phiếu ủng hộ giải pháp cho phép Nga đặt vũ khí hạt nhân ở nước này. Vài tháng sau, Ba Lan ra tín hiệu sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin nói Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng kiêm đồng minh Belarus, nước giáp với ba thành viên NATO. Lãnh đạo Nga cho hay ông đã trao đổi vấn đề này từ lâu với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và “hai bên đã nhất trí thực hiện”.
NATO chỉ trích Nga vì lời lẽ “nguy hiểm và vô trách nhiệm” về hạt nhân sau động thái này của Moskva. Phát ngôn viên NATO Oana Lungescu nói rằng Nga đã liên tục phá vỡ các cam kết kiểm soát vũ khí của mình, gần đây nhất là đình chỉ tham gia hiệp ước New START.
Trong khi đó, hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói nước này đang đàm phán với Mỹ về việc tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân NATO nhằm chống lại đe dọa từ Nga.
“Ba Lan không sở hữu vũ khí hạt nhân. Luôn tồn tại cơ hội để tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân. Chúng tôi đã nói chuyện với các lãnh đạo Mỹ để xem liệu nước này có khả năng chia sẻ hạt nhân hay không”, ông nói.
Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách răn đe của NATO, cho phép bố trí vũ khí hạt nhân tại các nước thành viên không sở hữu năng lực này. Ngoài ra, chương trình có thể bao gồm những hoạt động như cung cấp máy bay hộ tống hoặc máy bay trinh sát để thực hiện sứ mệnh hạt nhân.
Trong số ba cường quốc hạt nhân của NATO là Pháp, Anh và Mỹ, chỉ có Mỹ thực hiện chia sẻ hạt nhân. Bỉ, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Italia nằm trong số các đồng minh có vũ khí hạt nhân Mỹ trên lãnh thổ của họ.
Đối đầu hạt nhân
Hiện trên thế giới có 9 nước sở hữu hạt nhân, ngoài Mỹ, Nga và Trung Quốc còn có Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên, hầu hết nằm trong hai phe đối đầu lớn. Trong đó, Israel thân Mỹ, Ấn Độ vẫn tương tác với cả Mỹ và Nga, chưa ủng hộ rõ ràng bên nào.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), Nga sở hữu 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhiều nhất thế giới, trong khi Mỹ sở hữu 5.428 đầu đạn hạt nhân. Tổng số đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ chiếm 90% toàn cầu. Trung Quốc có 350 đầu đạn hạt nhân.
Nga và Mỹ vốn muốn triển khai đàm phán về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vào cuối năm 2022 để hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân mỗi bên có thể triển khai. Tuy nhiên, hôm 21/2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đình chỉ tham gia New START.
Trước đó, cuối tháng 1, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga vi phạm New START, khi không cho phép Mỹ tiến hành hoạt động thanh sát và từ chối cuộc gặp với Mỹ để thảo luận việc tuân thủ hiệp ước này.
Hiện nay, phía Mỹ gồm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), NATO, cũng như các nước đối tác khác, có thể huy động, tập hợp lực lượng, phô trương sức mạnh răn đe hạt nhân hùng mạnh.
Phía Trung Quốc và Nga có Iran và Triều Tiên. Song, Nga là cường quốc vũ khí hạt nhân và nhiều lần cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân, điều này đã thực sự phát huy tác dụng trong việc cân bằng hai phe, khiến cho Mỹ và châu Âu do dự khi viện trợ Ukraine.
Nhiều rủi ro
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên mà nhiều quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Đây là sự dịch chuyển lớn. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới đã chú trọng vào việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Khi câu lạc bộ cường quốc hạt nhân có nguy cơ mở rộng, có những tác động địa chấn đối với thế giới.
Thứ nhất, phần lớn sức mạnh của Mỹ đến từ sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào nước này. Dù là Ba Lan, Nhật Bản hay Ả Rập Xê-Út, “chất keo dính” kết nối các quốc gia này với Mỹ chính là quốc phòng. Nếu các đồng minh của Mỹ bắt đầu tự bảo vệ mình bằng vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ làm xói mòn, suy giảm sức mạnh của Washington đối với các nước này.
Thứ hai, mối đe dọa của vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến chiến tranh. Israel có thể có hành động chống lại Iran? Triều Tiên sẽ tấn công Hàn Quốc trước khi Seoul có vũ khí hạt nhân? Sự khởi đầu của một cuộc chiến khác, về vũ khí hạt nhân, sẽ đe dọa sự ổn định toàn cầu tương tự như những tác động của xung đột Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Cộng đồng quốc tế có thể phải cùng lúc đối mặt với hai cuộc chiến lớn?
Thứ ba, khi ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn trở thành cường quốc hạt nhân, họ sẽ trông cậy vào ai? Indonesia có thể quay sang Ấn Độ. Brazil có thể cậy nhờ Nga và Trung Quốc. Một khi Mỹ quyết định chuyển giao vũ khí hạt nhân cho đồng minh, điều này cũng mở ra cơ hội cho các cường quốc hạt nhân khác làm điều tương tự.
Cuối cùng, cách các quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân có thể tạo ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tiếp theo. Nếu Philippines sở hữu vũ khí hạt nhân, nước này có thể bố trí chúng trên các đảo ở các biển, đảo trong khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu hạt nhân ở châu Á? Tình trạng này có thể lặp lại trên phạm vi toàn cầu khi vũ khí hạt nhân lan rộng, tạo ra tình trạng khủng hoảng cho các nước, khu vực.
Trong nhiều năm, mối đe dọa chiến tranh hạt không tồn tại, viễn cảnh về việc sử dụng vũ khí hạt nhân dường như là không thể tưởng tượng bởi có quá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, ngày nay, xung đột Ukraine khiến nhiều nước cảnh giác, gia tăng nhu cầu tự vệ trước các mối đe doạ. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể không còn là điều cấm kỵ, thậm chỉ nhiều nước sẽ coi đó là cách tốt nhất để đảm bảo sự sống còn.
Một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới đã bắt đầu. Tất nhiên, nhiều quốc gia sẽ cố gắng áp đặt các quy tắc và lệnh cấm để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, xem ra điều này không dễ, nhất là khi các nước nhận ra nhiều nguy hiểm cận kề, đe doạ sự tồn vong của quốc gia họ.
Giờ đây, thế giới phải chấp nhận thực tế rằng, khi vũ khí hạt nhân lan rộng, trở nên phổ biến, thì một cuộc tấn công hạt nhân sẽ là nguy cơ hiện hữu. Và các nước sẽ phải dần thích nghi và bắt đầu tìm ra cách hoạt động dưới cái bóng của một mối đe dọa liên tục và ngày càng tăng.
T.P