Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLá bài của Pháp trong quan hệ Mỹ - Trung

Lá bài của Pháp trong quan hệ Mỹ – Trung

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm chính thức hiếm thấy tới Trung Quốc từ ngày 5 đến 7-4. Thế giới càng thêm chú ý khi ngay trước thềm chuyến thăm, một lãnh đạo của EU nhấn mạnh khối này phải hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.

Trong khi hợp tác kinh tế là trọng tâm trong chuyến đi của ông Macron, cuộc xung đột Nga – Ukraine và căng thẳng Mỹ – Trung lại khiến chuyến đi của nhà lãnh đạo Pháp càng thêm nhiều màu sắc.
“Vai thiện”, “vai ác”

Ông Macron sẽ gặp một số trở ngại nếu muốn vun đắp mối quan hệ với ông Tập nói riêng và Trung Quốc nói chung.

Hiện nay, Tổng thống Pháp chịu áp lực phải đề cập tới những khác biệt trong mối quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc như chính sách đối ngoại, vai trò trong xung đột Nga – Ukraine, vấn đề nhân quyền…

Ngay trước chuyến đi, báo chí không khỏi bất ngờ khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh việc Liên minh châu Âu (EU) phải hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, một phát biểu được hiểu ngầm đề cập tới khả năng hủy thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc.

Khi bàn về việc bà von der Leyen phát biểu về Trung Quốc theo cách “kỳ quặc” trước chuyến đi, tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích thậm chí cho rằng đó là cách bà von der Leyen đóng “vai ác”, còn ông Macron sẽ vào “vai thiện”.

Phát biểu của chủ tịch Ủy ban châu Âu khiến đại sứ Trung Quốc tại EU “hơi thất vọng”, khi ông này cho rằng chính sách và lập trường của Trung Quốc đã bị diễn đạt sai.

Khó khăn ở chỗ ông Macron cũng phải duy trì mối quan hệ lành mạnh với Bắc Kinh ít nhất trong hợp tác kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế châu Âu và thế giới nhìn chung đang khó khăn, tổng thống Pháp xem kinh tế là trọng tâm chuyến đi. Tháp tùng ông là các giám đốc của một phái đoàn doanh nghiệp bao gồm các công ty lớn như EDF, Veolia, Airbus và Alstom.

Nói cách khác, ông Macron đang phải xử lý tình huống quen thuộc của các nước châu Âu cũng như nhiều đối tác và đồng minh của Mỹ trên thế giới: giữ được mối quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Cuộc xung đột Ukraine và căng thẳng Mỹ – Trung leo thang ở nhiều lĩnh vực tạo ra tình thế lưỡng nan cho ông Macron và nước Pháp nói chung. Tuy nhiên, đây cũng là một tình thế lưỡng nan thú vị.

Là những người đồng chí hướng phương Tây, Pháp hẳn nhiên chịu áp lực ít nhiều từ Mỹ và EU khi đề cập tới sự khác biệt căn bản với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính nước Pháp và EU cũng gặp vấn đề với quy định đầu tư mới (trợ cấp công ty trên đất Mỹ) của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, mà người châu Âu gọi là một chính sách bảo hộ. Cũng giống châu Âu, Paris cần tìm cách gây áp lực lên Mỹ và thúc đẩy các lựa chọn thay thế.

Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc vốn đã là thị trường lớn của châu Âu, cũng nhìn thấy thời cơ ở lục địa già. Thị trường châu Âu được xem là giải pháp của công ty Trung Quốc khi quan hệ với Mỹ căng thẳng.
Nói cách khác, trong khi Washington muốn kéo nước Pháp ra khỏi Trung Quốc, Bắc Kinh cũng có thể nhân cơ hội này kéo nước Pháp rời xa Washington một chút.

Tưởng “không có bài để đánh”, thực tế Pháp dường như đang có cơ sở để đa dạng hóa và tăng sức mạnh trên bàn đàm phán.
Tìm giải pháp cho chiến sự Ukraine

Khi lãnh đạo các nước lớn gặp nhau, dư luận thường quan tâm tới chuyện lớn. Không ngạc nhiên khi tình hình Ukraine nhanh chóng che phủ cuộc gặp giữa ông Macron và ông Tập.

Điểm chung giữa ông Macron và ông Tập là cả hai đều thuộc diện “có thể nói chuyện được” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phương Tây đã lo ngại Trung Quốc không đảm bảo tính khách quan trong vấn đề Ukraine, đặc biệt sau khi ông Tập và ông Putin vừa phát đi những tín hiệu thắt chặt quan hệ Trung – Nga. Vì vậy, đây là lúc ông Macron được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một mối quan hệ đậm tính cá nhân hơn với ông Tập.

Sau cùng, họ hy vọng một mối quan hệ như vậy sẽ giúp Pháp làm “sứ giả” góp phần kiến tạo hòa bình cho Ukraine. Thậm chí có ý kiến cho rằng ông Macron mong sẽ “kéo Bắc Kinh ra xa Matxcơva”.

Giải quyết được vấn đề trên cũng đồng nghĩa một chiến thắng chính trị cho ông Macron, người được hiểu đang có áp lực chứng tỏ tư thế của một nhà lãnh đạo toàn cầu. Giới quan sát nhận xét việc ông đi cùng bà Ursula von der Leyen tới Trung Quốc cũng nhằm phản ánh tham vọng này.

Tuy nhiên, khả năng ông Macron tạo bước đột phá cho một giải pháp hòa bình Ukraine gần với mong muốn của phương Tây hơn là không cao.

Tờ Politico nhận xét ông Macron đang “thiếu đòn bẩy” và dẫn nguồn quan chức chính quyền Mỹ cho biết Nhà Trắng ít kỳ vọng vào bước đột phá như vậy trong chuyến đi của ông Macron.

Một phần nguyên nhân nữa cho suy nghĩ bi quan này là việc ông Macron hầu như không lay chuyển tình thế Ukraine sau nhiều cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin.
Ông Macron sẽ tới Quảng Đông

Điện Elysee cho biết cùng tháp tùng Tổng thống Pháp Macron tới Trung Quốc sẽ là Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và Ngoại trưởng Catherine Colonna, cùng phái đoàn doanh nghiệp.

Ông Macron dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường ở Bắc Kinh. Tại đây, ông sẽ gặp gỡ doanh nghiệp Pháp và sau đó dự quốc yến trước lúc có cuộc gặp ba bên với ông Tập và Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen.

Theo lịch, ông Macron cũng sẽ có “vài tiếng với ông Tập” trong một cuộc gặp thân mật ở Bắc Kinh, sau đó cùng ông Tập tới Quảng Đông. Đây là nơi cha của ông Tập (ông Tập Trọng Huân) từng làm lãnh đạo.

RELATED ARTICLES

Tin mới