Trung Quốc đang tận dụng các lợi thế thương mại để thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền của nước này trong giao dịch với các đối tác thương mại lớn, xây dựng sức mạnh của đồng nhân dân tệ để thách thức sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tiền tệ quốc tế, như được thể hiện qua bước tiến mới đây cùng với quốc gia lớn nhất Nam Mỹ.
Theo tờ “Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng” (SCMP), việc thúc đẩy thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư, thay vì đồng đô la Mỹ, là một trong nhiều cách mà Bắc Kinh đã đặt ra để giảm mức độ tiếp xúc với tài sản bằng đồng đô la và ngăn Trung Quốc bị Washington “bóp nghẹt” tài chính.
Các nhà phân tích nhận định, đồng nhân dân tệ sẽ được sử dụng nhiều hơn trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài ở các quốc gia nằm trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, thương mại năng lượng với các nước Trung Đông và thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số.
Phi đô la hóa diễn ra mạnh mẽ
Brazil – đối tác thương mại lớn thứ 10 và là nhà cung cấp quặng sắt và đậu nành chính cho Trung Quốc – đã bắt đầu chấp nhận các khoản thanh toán thương mại và đầu tư bằng đồng nhân dân tệ, với một thỏa thuận được ký kết giữa ngân hàng trung ương hai nước vào tháng 2, cũng như chỉ định một ngân hàng thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ và được quyền truy cập vào Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc – tương đương với dịch vụ nhắn tin tài chính quốc tế SWIFT – vào tuần trước.
Theo SCMP, tài sản ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ của Brazil đã đạt mức cao mới là 5,37% trên tổng số tài sản ngoại hối vào cuối năm 2022, vượt qua tài sản bằng đồng euro để trở thành tài sản lớn thứ hai của nước này.
Việc này đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ kể từ khi đồng tiền này được đưa vào dự trữ ngoại hối của Brazil cách đây 4 năm. Trong khi đó, tài sản bằng đô la Mỹ của nước này giảm từ mức 89,93% vào năm 2018 xuống còn 80,24% vào cuối năm 2022.
Một nghiên cứu do hai nhà phân tích Huang Yadong và Zhang Wenlang thực hiện cùng với China International Capital Corporation – ngân hàng đầu tư hàng đầu của Trung Quốc – cho thấy: “Trong ngắn hạn, tình trạng phi đô la hóa như vậy phản ánh những rạn nứt trong hệ thống tiền tệ quốc tế do đồng đô la Mỹ thống trị trong bối cảnh biến động về địa chính trị”.
Nga – đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc – gần như đã bị loại khỏi hệ thống tài chính lấy đô la Mỹ làm trung tâm kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhưng Nga cũng đã tăng đáng kể việc nắm giữ đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối và quỹ có chủ quyền, với hơn 2/3 các giao dịch thương mại song phương được thanh toán bằng nhân dân tệ hoặc đồng rúp.
Hai nhà phân tích cho biết: “Điều đó cho thấy một xu hướng dài hạn rằng vị thế quốc tế của đồng đô la Mỹ cuối cùng sẽ phù hợp với vị thế kinh tế của nó.”
Theo SCMP, đồng nhân dân tệ hiện chỉ chiếm 2,19% thanh toán toàn cầu, 3,5% giao dịch ngoại hối toàn cầu, 2,69% dự trữ do các ngân hàng trung ương nắm giữ và 12,28% rổ tiền tệ có Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Việc mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài của đồng nhân dân tệ bị hạn chế bởi thực tế là nó có ít tính chuyển đổi hơn so với đồng đô la Mỹ hoặc đồng euro, và do Trung Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt để chống lại cú sốc của thị trường tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, đồng nhân dân tệ sẽ còn nhiều cơ hội để cải thiện tình hình, vì Trung Quốc có vị thế là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 18% nền kinh tế toàn cầu.
Thanh toán thương mại và đầu tư bằng nhân dân tệ tăng trưởng hai con số
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, khoảng 7,92 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,15 nghìn tỷ USD) giá trị thương mại hàng hóa đã được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ vào năm ngoái, tăng 37,3% so với một năm trước đó.
Các khoản thanh toán bằng nhân dân tệ liên quan đến đầu tư trực tiếp đã tăng 16,6% so với một năm trước đó, lên mức 6,76 nghìn tỷ nhân dân tệ (982,6 tỷ USD) vào năm 2022.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã vận động hành lang để sử dụng đồng nhân dân tệ trong hoạt động thương mại dầu thô song phương với các nước Trung Đông.
Theo SCMP, việc này đặt ra một thách thức tiềm năng đối với hệ thống petrodollar – sự trao đổi dầu lấy USD giữa những nước mua dầu và những nước sản xuất dầu, vì trên thực tế, động thái của Trung Quốc đã nhận được những phản ứng tích cực. Iraq đã tuyên bố vào tháng 2 rằng, họ sẽ chấp nhận thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ.
Và vào tuần trước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã thanh toán bằng nhân dân tệ cho tập đoàn năng lượng đa quốc gia Total Energies của Pháp trong một thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng được môi giới bởi Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải.
Bắc Kinh cũng muốn thúc đẩy nhiều giao dịch tài chính và thương mại bằng đồng nhân dân tệ hơn với các thành viên ASEAN – đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Trong một báo cáo quan trọng được công bố vào tháng 10/2022, Bắc Kinh cho biết, họ sẽ tiếp tục quốc tế hóa đồng nhân dân tệ một cách có trật tự.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đẩy nhanh việc thiết lập cơ sở hạ tầng tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán, chuyển khoản và đầu tư xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ.
PBOC đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương – một cơ chế cung cấp thanh khoản cho đồng nhân dân tệ ở nước ngoài – với hơn 40 quốc gia hoặc khu vực, bao gồm 350 tỷ nhân dân tệ với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã ủy quyền cho 31 ngân hàng thanh toán bù trừ nhân dân tệ tại 29 quốc gia hoặc khu vực trên thế giới.
T.P