Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngTQ lại “gây sự” với Ấn Độ bằng cách đặt lại tên...

TQ lại “gây sự” với Ấn Độ bằng cách đặt lại tên vùng biển tranh chấp

Hôm thứ Ba (ngày 4/4), Ấn Độ đã thẳng thừng bác bỏ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đổi tên một phần khu vực ở Arunachal Pradesh – tiểu bang giáp với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc về phía bắc. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đặt tên cho các thực thể ở khu vực tranh chấp. Năm 2020, họ cũng từng làm như vậy với Việt Nam ở Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Ảnh chụp một vùng miền núi thuộc huyện Tawang, tiểu bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ vào ngày 20/10/2021. Khu vực này nằm gần Trung Quốc.

Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới dài 3.800 km. Năm 1962, quân đội hai nước đã nổ ra cuộc chiến vì vấn đề chủ quyền biên giới. Các cuộc đụng độ ở vùng núi Ladakh trong những năm gần đây lại khiến quan hệ hai nước trầm trọng hơn.

Chủ nhật tuần trước (ngày 2/4), hai bên lại xảy ra một cuộc khẩu chiến mới. Bộ Dân chính Trung Quốc ra tuyên bố cho biết, họ đã “tiêu chuẩn hóa” một số địa danh ở miền nam Tây Tạng. Theo đó, thay đổi tên của 11 địa điểm ở bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ, trong đó bao gồm 5 đỉnh núi.

Tuyên bố trên đi kèm một bản đồ cho thấy, khu vực được gọi là “Nam Tây Tạng” là khu vực phía bắc sông Brahmaputra (Trung Quốc gọi là sông Yarlung Zangbo) trên biên giới Trung – Ấn và thuộc phạm vi tranh chấp chủ quyền.

Ấn Độ đã bác bỏ tuyên bố này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi viết trên Twitter: “Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ”.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm thứ Ba (4/4) rằng, việc đổi tên “hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.

Năm 2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra trận hỗn chiến ở vùng núi Ladakh nằm trên đường biên giới chung. Có ít nhất 24 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng, nhưng chính quyền Bắc Kinh chưa từng công bố con số thương vong. Sau đó, hai bên đã trải qua các cuộc đàm phán ngoại giao, quân sự, và tình hình dần dịu xuống.

Tới tháng 12 năm ngoái, quân đội hai nước lại đụng độ ở huyện Tawang của Arunachal Pradesh.

Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar cho biết tình hình ở Ladakh rất mong manh và nguy hiểm, quân đội hai bên đã triển khai binh lính tại một số địa điểm rất gần nhau.

Trước đó vào năm 2017 và 2021, Trung Quốc cũng từng “tiêu chuẩn hóa” các địa danh thuộc khu vực tranh chấp ở miền nam Tây Tạng, bao gồm tên khu vực cư trú và sông núi, nhưng đều không được chính phủ Ấn Độ công nhận.

Tự đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông và biển Hoa Đông
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng tỏ rõ dã tâm thôn tính lãnh thổ của các quốc gia láng giềng, bao gồm Ấn Độ ở phía Tây, Nhật Bản ở phía Đông, và Việt Nam ở phía Nam.

Ngày 19/4/2020, Bộ Dân chính Trung Quốc công bố cái gọi là ‘danh xưng tiêu chuẩn’ của hàng chục thực thể bao gồm đảo và bãi cạn trên Biển Đông.

Khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đưa tin, các “danh xưng tiêu chuẩn” được công bố vào ngày 19/4 sẽ áp dụng cho “25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông”.

Đáng chú ý, trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc cách đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Một ngày trước đó (ngày 18/4), Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) loan tin, chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”.

CGTN là cơ quan ngôn luận ở nước ngoài của ĐCSTQ và trực thuộc Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Còn “thành phố Tam Sa” là “đơn vị hành chính” được Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa, và Nam Sa”, mà Việt Nam gọi là “Hoàng Sa, Bãi Macclesfield, và Trường Sa”.

Vào tối ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng trước việc Trung Quốc thông báo thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” như sau: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tới ngày 23/6/2020, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung – Nhật tăng nhiệt trở lại do tranh chấp chủ quyền biển đảo, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã đặt tên cho 50 thực thể địa chất dưới biển Hoa Đông.

Các thực thể này được cho là nằm xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản đang kiểm soát, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và cũng tuyên bố chủ quyền. Phía Trung Quốc tiếp tục sử dụng cụm từ “danh xưng tiêu chuẩn”.

Tại thời điểm ấy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc”. Còn đài NHK đưa tin, về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế, chính phủ Nhật Bản duy trì quan điểm quần đảo Senkaku là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới