Trong cuộc họp báo “Lưỡng hội” đầu tiên diễn ra ngày 7/3, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã thẳng thắn chỉ ra rằng nhận thức của Mỹ về Trung Quốc xuất hiện “sự sai lệch nghiêm trọng” và quan hệ Trung-Mỹ có “nguy cơ chệch hướng”. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trực tiếp chỉ trích Mỹ gây sức ép đối với Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng việc Tập Cận Bình và Tần Cương trực tiếp chỉ đích danh Mỹ cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục xấu đi trong ngắn hạn và trung hạn, và hiện tại chưa có thế lực nào có thể phá vỡ “vòng luẩn quẩn” này.
Quan hệ Trung-Mỹ ít hy vọng cải thiện?
Khi nói về quan hệ Trung-Mỹ tại buổi họp báo, Tần Cương cho biết: “Mỹ có sự sai lệch nghiêm trọng trong nhận thức và định vị về Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ chính và thách thức địa chính trị lớn nhất. ‘Chiếc cúc áo đầu tiên đã đơm sai’, khiến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hoàn toàn đi chệch khỏi quỹ đạo đúng đắn”. Ông cũng cảnh báo: “Nếu Mỹ không ‘đạp phanh’ và tiếp tục lao vào con đường sai lệch, thì không có lan can bảo vệ nào có thể ngăn cản việc trật bánh và lật xe, chắc chắn sẽ rơi vào xung đột và đối đầu”.
Trước đó một ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có hành động hiếm thấy – trực tiếp chỉ trích Washington, cáo buộc các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu có ý đồ kiềm chế Trung Quốc, khiến Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong 5 năm qua và bất ổn toàn cầu gia tăng đáng kể.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cảnh báo Mỹ về nguy cơ xung đột nếu quan hệ Trung-Mỹ không được xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, trước đây khi nói về nguy cơ xung đột, phía Trung Quốc thường tế nhị hơn, chẳng hạn như dùng cụm từ “quốc gia nào đó” thay cho “Mỹ”. Những lời lẽ gay gắt của Tần Cương cũng khiến dư luận có phần ngạc nhiên, trái ngược với những dự đoán gần đây rằng Trung Quốc có thể từ bỏ chính sách ngoại giao “Chiến lang”.
Kể từ cuối năm 2022 đến nay, quan hệ song phương giữa Trung Quốc với một số nước đã chạm đáy do các vấn đề về thương mại, công nghệ, Đài Loan, nhân quyền và ủng hộ cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. Khi đó có người cho rằng việc Tần Cương lên làm ngoại trưởng, đặc biệt là việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bị điều chuyển, đều đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã nhận ra chính sách ngoại giao “Chiến lang” sẽ khiến Trung Quốc mất nhiều bạn bè, do đó nước này sẵn sàng từ bỏ chính sách này.
Sau khi cuộc họp báo của Tần Cương kết thúc, chuyên gia về Trung Quốc Bill Bishop viết trên Twitter: “Có phải trí nhớ của tôi kém? Không phải trước đây có người nói rằng việc bổ nhiệm Tần Cương làm ngoại trưởng là một phần của giọng điệu ngoại giao mềm mỏng của Trung Quốc sao?”
Zack Cooper, chuyên gia cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng sở dĩ Tập Cận Bình lựa chọn lập trường cứng rắn hơn rất có thể vì ông cảm thấy “quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai gần dường như không có nhiều hy vọng được cải thiện, vì vậy có thể ông ấy cho rằng việc đưa ra những lời chỉ trích đó cũng không gây ảnh hưởng gì”.
Quan hệ Trung-Mỹ nhiều lần chạm lằn ranh đỏ
Tuy nhiên, Ian Johnson, học giả cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), lại cho rằng hành động của Tập Cận Bình và Tần Cương dường như là phản ứng đối với một loạt hành động gần đây của Mỹ liên quan đến Trung Quốc. Ông nói: “Tôi cho rằng từ góc nhìn của Trung Quốc, diễn biến động thái của Mỹ có phần khiến người ta lo ngại và đó là biểu hiện của lo ngại đó. Tôi nghĩ nói một cách khách quan, Washington hiện tại cũng có nhiều chỉ trích nhằm vào Trung Quốc. Điều đó có thể khiến Trung Quốc thấy lo ngại và tất nhiên cũng kích động Trung Quốc”.
Ngày 28/2, Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc – mới được thành lập tại Hạ viện Mỹ – đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên về “Mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Mỹ”. Phiên điều trần đã đưa ra cảnh báo về thách thức mà chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra cho Mỹ và tuyên bố rằng cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ sẽ quyết định hướng đi của thế kỷ 21. Mike Gallagher, nhà lãnh đạo về chính sách Trung Quốc mới nhậm chức của Hạ viện, thẳng thừng nói rằng giữa Mỹ và Trung Quốc “là một cuộc đấu tranh sống còn”.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ ra tuyên bố cho biết Đạo luật Chip nhằm vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ chính thức có hiệu lực. Đạo luật này nhằm định hình lại địa vị trung tâm của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đồng thời kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Ian Johnson cho rằng những hành động này của Mỹ chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng của Trung Quốc, dù Trung Quốc không phải không có lỗi. Ian Johnson cho rằng mối quan hệ Trung-Mỹ hiện đang ở trong một vòng luẩn quẩn và “lằn ranh đỏ” đã nhiều lần bị chạm vào. Ông nói: “Chúng ta đang ở trong một vòng luẩn quẩn. Chúng ta đang ở trong vòng tuần hoàn lặp lại giữa hành động và phản ứng. Bên này hành động trước, sau đó bên kia phản ứng, rồi bên này lại đưa ra phản ứng đối với phản ứng của bên kia. Vì vậy, kể từ cuộc đàm phán ở Bali năm 2022, cả hai bên đều bày tỏ mong muốn đặt ra “lằn ranh đỏ” cho mối quan hệ. Điều đó cũng tốt, nhưng có vẻ như bất kể hai bên muốn làm gì, thì luôn có một động lực không ngừng đẩy mối quan hệ ngày càng xuống thấp hơn, và họ dường như không có cách nào để phá vỡ vòng luẩn quẩn này”.
Tháng 11/2022, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Bali, Indonesia, Biden và Tập Cận Bình đã tổ chức hội đàm trực tiếp đầu tiên kể từ khi Biden nhậm chức, với hy vọng thiết lập “hành lang bảo vệ” hoặc tìm ra “lằn ranh đỏ” cho quan hệ giữa hai nước. Nhưng vụ việc khinh khí cầu do thám của Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ vào đầu tháng 2/2023 đã thay đổi nỗ lực giảm căng thẳng giữa quan hệ hai nước, buộc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hoãn kế hoạch tới thăm Trung Quốc để cải thiện quan hệ song phương.
Trả lời phỏng vấn VOA, Chase Blazek, chuyên gia phân tích châu Á-Thái Bình Dương tại Stratfor, một tổ chức tư vấn tình báo an ninh của Mỹ cho biết Trung Quốc và Mỹ dường như đang bước vào quỹ đạo đối đầu, ngay cả khi hai bên đều để lại đường lui trong phát ngôn, nhưng cũng rất khó để thiết lập được giới hạn trong thực tế. Theo đó, “Trung Quốc nói rằng họ sẵn sàng thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Mỹ, miễn là nước này không tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ cũng cho biết nước này sẵn sàng thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, miễn là Bắc Kinh không gây ra mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã nhận thấy mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng nhìn ra Washington có ý định kiềm chế nước này. Mặc dù cả hai nước đều để lại đường lui trong khuôn khổ ngôn từ và ngoại giao, hoặc có thể cung cấp không gian để thiết lập một lằn ranh trong quan hệ song phương, nhưng dường như hai nước đều không muốn đi vào giai đoạn trung lập, vì họ đều cho rằng đối phương tạo ra mối đe dọa quá lớn, khó có thể thiết lập một lằn ranh thực tế”.
Ngày 2/7, phát biểu trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Biden cho biết Mỹ tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc chứ không phải xung đột, nhưng ông cũng đưa ra cảnh báo nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Mỹ, nước này sẽ có hành động để bảo vệ đất nước.
Thế tiến thoái lưỡng nan mà Tập Cận Bình phải đối mặt
Craig Singleton, nghiên cứu viên tại Quỹ bảo vệ dân chủ, cho rằng Tập Cận Bình phải đối mặt với “tình thế tiến thoái lưỡng nan điển hình của nhà độc tài”, mới đổ trách nhiệm cho “các thế lực thù địch bên ngoài” về thất bại của mình. Theo Craig Singleton, “chính sách hoàn toàn trái ngược với dự kiến ban đầu đã tạo ra ảnh hưởng bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời xa lánh với người dân các nước trên thế giới. Đối mặt với những thách thức này và những thách thức khác, Tập Cận Bình buộc phải đổ lỗi trách nhiệm về những thất bại này cho các thế lực thù địch bên ngoài”.
Nhiều chuyên gia cho rằng những khó khăn kinh tế hiện tại của Trung Quốc phần nhiều là do chính sách của Tập Cận Bình gây ra, đặc biệt là do ưu tiên chính sách an ninh quốc gia hơn phát triển kinh tế. Tại kỳ họp Lưỡng hội, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 5%. Nhưng do Tập Cận Bình đề cao sự kiểm soát của đảng nên nhiều người dự đoán đội ngũ kinh tế mới của Tập Cận Bình sẽ khó đưa Trung Quốc thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Craig Singleton dự đoán trong trung và ngắn hạn, quan hệ Trung-Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi. Ông kiến nghị thay vì xây dựng các hành lang bảo vệ mối quan hệ giữa hai nước, có lẽ Chính quyền Biden nên tập trung hơn vào việc thiết lập mối quan hệ “có đi có lại”.
Ryan Hass, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, từng đảm nhiệm Giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Chính quyền Obama, lo ngại rằng việc Tập Cận Bình công khai chỉ trích Mỹ sẽ kích động làn sóng chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc. Ông viết trong một email gửi tới VOA: “Việc Chủ tịch Tập Cận Bình công khai bày tỏ sự bất mãn đối với Mỹ sẽ thúc các quan chức khác trong nội bộ chính quyền Trung Quốc có lập trường công khai gay gắt hơn với Mỹ. Điều này cũng sẽ khiến nhiều người đổ trách nhiệm lên Mỹ”.
Hợp tác trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khó khăn hơn
Trên Twitter, Scott Kennedy, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, sự chỉ trích trực tiếp của Tập Cận Bình đối với Mỹ cho thấy rằng “Mỹ và Trung Quốc khó có thể đạt được thỏa hiệp về bất kỳ vấn đề lớn nào trong tương lai”.
Trả lời phỏng vấn trang tin Axios ngày 7/3, John Kerry, Đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu cho rằng căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tổn hại đến sự hợp tác giữa hai nước về vấn đề khí hậu. Theo ông, “thật đáng tiếc, trong năm ngoái… một điều đáng lẽ không nên xảy ra đã xảy ra và vấn đề khí hậu đã quấn vào tất cả những căng thẳng khác tồn tại giữa hai nước”.
Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận trực tuyến trên tờ Washington Post ngày 6/3, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matthew Pottinger cho rằng Mỹ không nên quá kỳ vọng vào việc tiến hành hợp tác có đi có lại với Trung Quốc, vì “có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh căn bản là không sẵn sàng hợp tác có đi có lại”. Theo ông, “phát ngôn của Tập Cận Bình trong 10 năm qua rất có tính kế thừa, Tập Cận Bình tin rằng Trung Quốc hiện đã có thời cơ chưa từng có. Ông ấy đã nói về ý tưởng này nhiều lần, trong các bài phát biểu, trong tài liệu chuẩn bị dành cho các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản và giới tướng lĩnh của Quân đội Giải phóng Nhân dân, đều nói về sự suy yếu của nước Mỹ và sự hỗn loạn của châu Âu, như thể đây là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc tận dụng cơ hội ngàn năm có một”.
Matthew Pottinger cho biết Chính quyền Obama, Chính quyền Trump và Chính quyền Biden đều đã nỗ lực mong muốn tiến hành đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai bên đều có lợi ích chung. Nhưng Bắc Kinh lại nghiêng về việc muốn sử dụng sự hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống ma túy làm đòn bẩy để buộc Mỹ phải nhượng bộ trong các lĩnh vực khác.
D.T.T