Ngân hàng Thế giới (World Bank) cảnh báo rằng vấn đề nhân khẩu học, chiến sự và đại dịch sẽ là trở lực kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một “thập kỷ mất mát” đang đến gần
Những năm vừa qua, chính phủ các nước trên thế giới đã công bố những đợt giảm thuế, trợ cấp và bộ luật mới nhằm nỗ lực thúc đẩy đầu tư, chống biến đổi khí hậu và mở rộng lực lượng lao động nước mình. Những nỗ lực đó là chưa đủ.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây đã cảnh báo về một “thập kỷ mất mát” đối với đà tăng trưởng toàn cầu, khi mà cuộc chiến ở Ukraine, đại dịch COVID-19 và lạm phát cao làm phức tạp hoá những thách thức hiện hữu về cấu trúc.
Tổ chức này cho rằng, “sẽ cần có nỗ lực chính sách chung phi thường mới có thể vãn hồi đà tăng trưởng trong thập kỷ tới sao cho bằng với mức trung bình của thập kỷ trước đó.” Có 3 nhân tố chính gây ra thách thức đối với nền kinh tế thế giới: lực lượng lao động bị già hoá, đầu tư suy yếu và sản lượng giảm.
“Trên toàn cầu, đà chậm tăng trưởng đang diễn ra: với xu hướng hiện tại, tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu – tốc độ tối đa mà một nền kinh tế có thể tăng trưởng mà không gây lạm phát – được dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, trong phần còn lại của những năm 2020″, World Bank cảnh báo.
Tiềm năng tăng trưởng trong thập kỷ từ 2000-2010 là 3,5%. Con số này đã giảm xuống 2,6% trong khoảng 2011-2021, và sẽ tiếp tục thu hẹp xuống còn 2,2% trong khoảng 2022-2030, ngân hàng này cảnh báo. Nguyên nhân chính gây ra đà tăng trưởng chậm chạp chính là các vấn đề về nhân khẩu học.
Hồi chuông cảnh báo mới nhất mà World Bank đưa ra về nền kinh tế toàn cầu xuất hiện sau khi Mỹ thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát, trong đó bao gồm hàng trăm tỉ USD tiền khuyến khích chuyển đổi sang năng lượng sạch, và trong khi một bộ luật khác giúp thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn. Để phản ứng, Liên minh châu Âu (EU) đang nới lỏng các quy định về giảm thuế và nhiều lợi ích khác dành cho các công ty công nghệ sạch.
Trong khi đó, nhiều nền kinh tế lớn đang cố gắng tăng cường lực lượng lao động, tuy nhiên thường vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ. Ở Pháp, những người biểu tình đã phản ứng gay gắt trước kế hoạch cải tổ lại hệ thống hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron, trong khi dân số suy giảm dần của Trung Quốc khiến chính quyền nhiều địa phương treo tiền thưởng và tăng thời hạn nghỉ thai sản để thúc đẩy tỷ lệ sinh đẻ.
Những nỗ lực này đến nay vẫn chưa đạt được nhiều hiệu quả. Sự suy yếu trong đà tăng trưởng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu như các cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát ở các nền kinh tế lớn, và gây ra suy thoái toàn cầu, World Bank cảnh báo. Lời cảnh báo xuất hiện chỉ vài tuần sau khi sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) gây ra tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ và châu Âu.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra liên quan tới triển vọng tăng trường toàn cầu khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và World Bank tổ chức các cuộc hội thảo từ ngày 10 đến 16/4.
Các nhà hoạch định chính sách và giới chức ngân hàng trung ương sẽ cùng với các nhà kinh tế học đến từ khắp nơi trên thế giới thảo luận về nhiều đề tài, bao gồm lạm phát, chuỗi cung ứng, sự phân mảnh thương mại toàn cầu, trí tuệ nhân tạo và nguồn vốn nhân lực.
Những trở lực kéo tụt đà tăng trưởng
Đầu năm nay, World Bank đã giảm mạnh dự báo đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, chỉ ra nguyên nhân là lạm phát cao dai dẳng làm tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu.
World Bank đưa ra con số dự báo tăng trưởng trong năm 2023 chỉ 1,7%. Các tổ chức khác, như IMF và Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đưa ra con số dự báo tăng trưởng cao hơn, 2,9%.
Đây không phải lần đầu tiên World Bank cảnh báo về một thập kỷ mất mát như vậy.
Trong năm 2021, ngân hàng này nói rằng đại dịch COVID-19 có thể làm giảm các hoạt động thương mại và đầu tư do gây ra tình trạng bất trắc. Họ cũng từng đưa ra cảnh báo tương tự sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đà tăng trưởng trung bình toàn cầu trong giai đoạn 2009-2018 là 2,8%, trong khi con số trong thập kỷ trước đó là 3,5%.
World Bank nhận diện một số thách thức kéo tụt đà tăng trưởng toàn cầu: đầu tư giảm, đà tăng sản lượng chậm, các biện pháp hạn chế thương mại như hàng rào thuế quan và những ảnh hưởng tiêu cực tiếp diễn của đại dịch COVID-19.
Ngân hàng này cho rằng các chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ có tác dụng. Các biện pháp thúc đẩy người dân, đặc biệt là phụ nữ, tham gia lực lượng lao động có thể đảo ngược xu hướng tiêu cực trong đà tăng trưởng lực lượng lao động, hiện đang đối diện với thách thức từ già hoá dân số và tỷ lệ sinh đẻ thấp.
Theo The Wall Street Journal, một số ý kiến cho rằng cảnh báo về “thập kỷ mất mát” của World Bank là quá bi quan.
Nhà kinh tế học Karen Dynan đến từ ĐH Harvard nói rằng già hoá dân số đang hiện hữu ở mọi khu vực trên thế giới sẽ là trở lực đối với đà tăng trưởng toàn cầu, nhưng bà tỏ ra lạc quan hơn về vấn đề tăng sản lượng.
“Tôi kỳ vọng rằng, ngoài tác động về nhân khẩu học, sản lượng trên đầu người sẽ phục hồi trở lại mức tiền đại dịch,” bà nói.
“World Bank đã đúng khi đưa ra quan ngại về khả năng xảy ra một thập kỷ mất mát ở khu vực cận Sahara của châu Phi, Trung Phi, ở Nam Á – rất nhiều người đang hứng chịu rủi ro hoặc đối diện với tình trạng rất khó khăn,” Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.
“Nhưng xét đến viễn cảnh GDP toàn cầu, hay thậm chí là viễn cảnh về dân số toàn cầu, hầu hết các thị trường mới nổi lớn cùng với nhóm G20 đang làm khá tốt,” ông Posen nói thêm, chỉ ra tình trạng kinh tế khoẻ mạnh ở châu Âu và các thị trường mới nổi trong những năm gần đây, ngay cả khi Fed nâng lãi suất một cách quyết liệt.
T.P