Sunday, November 17, 2024
Trang chủQuân sựCăng thẳng ở eo biển Đài Loan và toan tính của TQ

Căng thẳng ở eo biển Đài Loan và toan tính của TQ

Việc Trung Quốc đang cấp tập tiến hành các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan ẩn chứa thông điệp cũng như toan tính gì của Bắc Kinh?

Một tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận ở eo biển Đài Loan.

Sáng qua (12.4), Reuters dẫn thông tin từ Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho hay đã phát hiện 35 máy bay quân sự và 8 tàu hải quân Trung Quốc xung quanh hòn đảo này trong 24 giờ trước đó. Trong số đó, 14 chiếc vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, vốn được xem là đường phân định không chính thức trên biển giữa đại lục và Đài Loan. Những ngày qua, Trung Quốc đã tăng cường tập trận và các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan.

Tình thế của Trung Quốc

Cùng ngày 12.4, trả lời PV, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định: “Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng tăng cao do Bắc Kinh cho rằng Đài Bắc đang tìm cách độc lập khỏi đại lục. Bắc Kinh xem việc bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan, gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại California (Mỹ) và tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul tại Đài Bắc gần đây chứng minh cho ý định của Đài Bắc về việc tách khỏi đại lục”.

Theo GS Nagy, Trung Quốc đã tập trận lớn cả về quy mô lẫn tần suất đồng thời gây áp lực nhằm vào giới chức Đài Loan. Nhưng động thái này càng củng cố nhận thức của nhiều nước rằng Bắc Kinh đang muốn thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua sức mạnh kinh tế và sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần thiết.

“Trong khi đó, lập trường của Bắc Kinh đối với Đài Loan được ủng hộ rộng rãi trong đảng cầm quyền và dư luận nội bộ Trung Quốc, nên sẽ rất khó để Đài Bắc và các bên thỏa hiệp với Bắc Kinh về vấn đề này. Ngược lại, với những hành động hiện tại, Bắc Kinh cũng ngày càng khó thuyết phục cộng đồng quốc tế về sự e ngại Trung Quốc có thể dùng vũ lực để đạt được mục tiêu”, GS Nagy phân tích.

Điểm đáng chú ý trong cuộc tập trận

Tương tự, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: “Sau khi lãnh đạo Thái Anh Văn vừa qua gặp ông McCarthy tại California (Mỹ) và tiếp nghị sĩ McCaul tại Đài Bắc, Bắc Kinh đã bắt đầu các cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan. Dù cuộc tập trận đã kết thúc, Bắc Kinh vẫn tiếp tục triển khai quân gần Đài Loan. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang tận dụng cơ hội triển khai quân đội của họ gần Đài Loan”.

“Tuy nhiên, các cuộc tập trận nhỏ hơn và ngắn hơn so với lần căng thẳng trước. Vào tháng 8.2022, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan, Đài Bắc đã tiến hành tập trận với mức độ lớn hơn hiện tại. Điều này có thể bắt nguồn từ 3 nguyên nhân sau”, TS Nagao phân tích và chỉ ra 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, nếu Trung Quốc lần này cũng tập trận với mức độ như hồi tháng 8.2022 thì sẽ càng khiến dư luận Đài Loan có ý chí độc lập lớn hơn, trong khi cuộc bầu cử ở đảo này đang đến gần.

Thứ hai, một số khí tài quân sự của Trung Quốc có xuất xứ từ Nga, và Nga hiện không thể xuất khẩu đủ lượng phụ tùng, khí tài cho Trung Quốc như Bắc Kinh mong muốn. Nên dù có đạt mức dự trữ nhất định thì Trung Quốc cũng không thể hao phí trong lúc này.

Tâm điểm của cuộc tập trận là việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay ở phía Thái Bình Dương, hướng về nơi có kho chứa vũ khí. Đó cũng là khu vực nằm giữa Đài Loan và Nhật – Mỹ – Philippines. Nên việc Trung Quốc tập trận lần này tạo ra sự thách thức trực tiếp cho cụm phòng thủ Đài Loan và Mỹ, Nhật, Philippines.

Trung Quốc không chỉ tập trận

Cũng trả lời PV, cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Cuộc tập trận lần này, về mức độ hoạt động thì đơn giản hơn năm ngoái khi không phóng tên lửa, nhưng về mặt chiến thuật, chúng phức tạp hơn. Nhiều máy bay đã tham gia tập trận, bao gồm các cuộc mô phỏng tấn công và sự hiện diện của tàu sân bay Sơn Đông. Tuy nhiên, cuộc tập trận lần này không có sự phối hợp giữa tàu sân bay với các lực lượng ngoài hải quân”, cựu đại tá Schuster đánh giá và dự báo: “Có thể, trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ có sự phối hợp tập trận phần này ở xung quanh Đài Loan”.

Ông cũng cho rằng cuộc tập trận còn gửi đi thông điệp cho Đài Bắc rằng việc thống nhất là không thể tránh khỏi và sẽ đạt được vào thời điểm do Bắc Kinh lựa chọn.

Đặc biệt, ông chỉ ra: “Một vấn đề cần chú ý là hành động của Trung Quốc ngoài cuộc tập trận. Cơ quan Quản lý an toàn hàng hải Phúc Kiến (FMSA) đã triển khai chiếc tàu mới nhất của lực lượng này là Hải Tuần 06 dài 128 m, độ choán nước 6.600 tấn để “kiểm tra” và “bảo vệ” tuyến hàng hải đi qua eo biển Đài Loan”.

“Động thái này gửi đi thông điệp các tàu Đài Loan, đặc biệt là phà chở khách, có quyền tự do hoạt động thương mại ở eo biển Đài Loan hay không sẽ do Bắc Kinh quyết định”, ông Schuster phân tích.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới