Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu tìm chiến lược riêng với TQ

Châu Âu tìm chiến lược riêng với TQ

Không chọn tách rời Trung Quốc như Mỹ, châu Âu muốn duy trì hợp tác với Bắc Kinh bằng chiến lược “giảm thiểu rủi ro” nhằm ngăn phụ thuộc vào nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh ngày 6/4.

“Giảm thiểu rủi ro” là khái niệm mới xuất hiện gần đây trong giới hoạch định chính sách đối ngoại châu Âu khi đề cập đến Trung Quốc. Theo khái niệm này, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm cách giảm nguy cơ phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, nhưng không ủng hộ cắt quan hệ với cường quốc châu Á.

Khái niệm được cho là cách EU phản ứng với lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó ông cho rằng phương Tây phải “tách rời” Trung Quốc để kiềm chế sức mạnh ngày một trỗi dậy của Bắc Kinh. Mỹ bắt đầu chính sách tách rời với Trung Quốc bằng cách hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang quốc gia châu Á, cũng như cấm ứng dụng TikTok và điều chỉnh đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Chính sách giảm rủi ro của EU đã được thử thách trong tuần trước, với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Macron và bà Von der Leyen kể từ sau đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thăm Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm ngoái, trong khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez mới tới hồi cuối tháng 3. Trong tuần này, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borell cũng dự kiến thăm Bắc Kinh.

Trung Quốc chỉ mới mở cửa biên giới gần đây sau khi nới lỏng chính sách Không Covid. Loạt chuyến thăm của các lãnh đạo châu Âu tới Trung Quốc gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương.

EU xuất khẩu khoảng 9% lượng hàng hóa sang Trung Quốc, trong khi nhập khẩu khoảng 20%. Là một thị trường lớn của Trung Quốc, các lãnh đạo châu Âu hy vọng đây có thể là đòn bẩy giúp họ thuyết phục ông Tập tăng sức ép với Nga trong khủng hoảng Ukraine, cũng như kiềm chế tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

Ông Macron và bà Von der Leyen đến Bắc Kinh với những nhiệm vụ gần như trái ngược. Bà Von der Leyen bày tỏ lập trường cứng rắn là giảm thiểu rủi ro, trong khi ông Macron cố gắng giảm căng thẳng và thúc đẩy thương mại Pháp – Trung.

Chính sách giảm thiểu rủi ro và lập trường cứng rắn hơn của EU với sự trỗi dậy của Trung Quốc từng được nêu trong bài phát biểu của bà Von der Leyen hôm 30/3 tại một viện nghiên cứu ở Brussels. Trong bài phát biểu, Chủ tịch EC nói rằng Trung Quốc đang trở nên “cứng rắn hơn ở trong nước và quyết đoán hơn ở nước ngoài”.

Bà nêu ra loạt mối lo ngại của EU về Trung Quốc như “quan hệ hữu nghị không giới hạn” của nước này với Nga, việc Bắc Kinh từ chối lên án cuộc chiến của Moskva ở Ukraine, ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, hay nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự và các biện pháp kiểm soát với nền kinh tế.

“Trung Quốc đã bước sang trang mới của kỷ nguyên ‘cải cách và mở cửa’, cũng như đang chuyển sang thời kỳ mới về an ninh và kiểm soát”, bà nói. “Chúng ta có thể nhìn thấy một con đường rõ ràng để Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào thế giới, nhưng tăng sự phụ thuộc của thế giới vào Bắc Kinh”.

Bà Von der Leyen cảnh báo rằng Trung Quốc đang muốn khiến nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào Bắc Kinh. Sự thống trị của Trung Quốc về các nguyên liệu thô quan trọng như lithium hay coban đặt ra nhiều rủi ro, vì chúng rất quan trọng trong phát triển đường sắt cao tốc, năng lượng tái tạo, robot hay trí tuệ nhân tạo.

Bà nói EU phải nhận ra an ninh của khối quan trọng hơn “thị trường tự do và thương mại mở cửa”.

“Mục tiêu rõ ràng của Bắc Kinh là thay đổi mang tính hệ thống của trật tự quốc tế, trong đó Trung Quốc là trung tâm”, bà nói. Chủ tịch EC lấy dẫn chứng từ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng các tổ chức ngân hàng và thương mại “để cạnh tranh với hệ thống quốc tế hiện tại”.

Thành công gần đây của Trung Quốc khi làm trung gian để Iran và Arab Saudi nối lại quan hệ là bằng chứng cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên thế giới, theo bà Von der Leyen.

Lãnh đạo châu Âu cảnh báo phương Tây phải cảnh giác với tham vọng của Trung Quốc và lưu ý tới chuyến thăm Nga gần đây của ông Tập.

“Điều đáng chú ý nhất là những lời ông Tập nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi rời Điện Kremlin rằng ‘giờ đây đã có những thay đổi mà chúng ta chưa từng thấy trong 100 năm qua. Và chúng ta là những người cùng nhau thúc đẩy thay đổi này'”, bà nói.

Bà Von der Leyen thêm rằng đó là lý do EU phải hợp tác với Trung Quốc, nhưng cũng cần đánh giá lại mối quan hệ với họ để giảm bớt rủi ro và ngăn ngừa nguy cơ phụ thuộc.

“Tôi tin rằng việc tách rời khỏi Trung Quốc là không khả thi và không mang lại lợi ích cho châu Âu. Quan hệ của chúng tôi không chỉ có hai thái cực là hợp tác hoặc cắt đứt hoàn toàn. Phản ứng của chúng tôi cũng không thể rõ ràng như thế. Đây là lý do châu Âu cần tập trung giảm thiểu rủi ro chứ không phải tách rời với Trung Quốc”, bà chia sẻ.

Chủ tịch EC tin rằng các cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với đối tác Trung Quốc là phần quan trọng trong chiến lược giảm thiểu rủi ro thông qua con đường ngoại giao.

Bà cho rằng EU cũng phải xem xét lại Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện EU – Trung Quốc (CAI) từng đạt được vào tháng 12/2020 nhưng sau đó bị Nghị viện châu Âu bỏ phiếu đóng băng do phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh với lệnh trừng phạt của EU liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

“Chúng tôi biết có một số lĩnh vực thương mại và đầu tư gây rủi ro cho an ninh kinh tế và quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc dường như không tách bạch giữa thương mại và quân sự. Điều này đúng với một số công nghệ nhạy cảm, hàng hóa lưỡng dụng hoặc thỏa thuận đầu tư đi kèm yêu cầu chuyển giao công nghệ. Đó là lý do sau khi giảm thiểu rủi ro thông qua ngoại giao, giảm thiểu rủi ro kinh tế là phần thứ hai trong chiến lược tương lai của chúng tôi với Trung Quốc”, bà von der Leyen cho hay.

Giới quan sát cho rằng phát biểu của bà von der Leyen cho thấy Trung Quốc và châu Âu không thể hoàn toàn cắt đứt quan hệ như mong muốn của Mỹ.

“Trung Quốc và châu Âu đang đứng trước một cánh cửa mà cả hai đều không muốn đóng”, bài bình luận đăng trên báo La Stampa của Italy có đoạn. “Ngay cả khi không thể thống nhất về việc duy trì độ mở của nó, họ vẫn mong tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào để không đóng sầm cánh cửa đó”.

Khi đến Trung Quốc, ông Macron và bà Von der Leyen tuyên bố họ muốn “tạo khoảng cách giữa ông Tập và ông Putin” để giải quyết khủng hoảng Ukraine, theo La Stampa. Nhưng hai lãnh đạo EU cũng hiểu rằng Trung Quốc muốn “tạo khoảng cách giữa EU và Mỹ”. Tất cả đều hiểu rằng khoảng cách vẫn sẽ tồn tại, nhưng không ai muốn khiến cho chúng không thể vượt qua.

Báo L’Opinion của Pháp gần đây đăng bức tranh mô tả tình hình hiện tại của châu Âu, đó là ông Macron và bà von der Leyen đang nỗ lực trở thành cầu nối bắc qua hố sâu giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong bức họa, ông Macron nói với ông Tập rằng “chúng tôi chọn con đường ở giữa”.

Trong các cuộc hội đàm với ông Macron và bà von der Leyen, ông Tập cũng bày tỏ ủng hộ châu Âu “tăng cường tự chủ chiến lược”, nhấn mạnh quan hệ giữa Trung Quốc và EU “không thể bị bên thứ ba kiểm soát”. Ông cũng tin rằng châu Âu sẽ có hướng đi độc lập trong phát triển quan hệ với Trung Quốc, theo Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Việc Chủ tịch Tập kêu gọi châu Âu duy trì sự độc lập chiến lược là tín hiệu rằng việc từ bỏ ảnh hưởng của Mỹ và có cái nhìn khách quan về Trung Quốc sẽ là chìa khóa để hai bên cùng đưa quan hệ trở lại đúng hướng”, Cui Hongjian, giám đốc Phòng Nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới