Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiRăn đe trên Biển Đông- phần nổi của tảng băng trôi

Răn đe trên Biển Đông- phần nổi của tảng băng trôi

Ngay sau khi Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận “bao vây toàn diện” kéo dài ba ngày ở Eo biển Đài Loan, Mỹ và Philippines đã khởi động cuộc tập trận chiến đấu lớn nhất trong 30 năm qua trên vùng Biển Đông và Eo biển Đài Loan.

Các tướng quân đội Mỹ và Philippines khoác tay nhau trong trong lễ khai mạc cuộc tập trận chung Balikatan ở thành phố Quezon, ngoại ô Manila, Philippines vào ngày 11/4.

Các cuộc tập trận nối tiếp nhau khiến cho tình hình khu vực càng trở nên căng như dây đàn, bởi đây là cuộc “so găng” giữa hai cường quốc Mỹ-Trung Quốc trong thời điểm mối quan hệ giữa hai nước này xuống đến mức thấp nhất. Nó căng thẳng còn là vì, Trung Quốc đã sử dụng các loại vũ khí, khí tài hiện đại nhất, và đồng minh Mỹ-Philippines lần đầu sử dụng đạn thật trong tập trận ở Biển Đông.

Cuộc tập trận khởi động hôm 11/4 mang tên “Balikatan”, có nghĩa là “kề vai sát cánh”. Không chỉ có các cuộc bắn đạn thật mà còn thêm “gia vị” mới cho “món” tấn công bằng hỏa tiễn đánh chìm thuyền. Thời gian tập trận khá dài, dự kiến kết thúc vào ngày 28/4.

Theo số liệu của Lầu Năm Góc, Balikatan có sự tham gia của hơn 17.600 quân nhân, trong đó có khoảng 12.200 quân nhân Mỹ, 5.400 lực lượng Philippines và 111 đối tác Úc. Về vũ khí, các tàu chiến, máy bay chiến đấu, tên lửa Patriot, hệ thống pháo phản lực HIMARS và tên lửa dẫn hướng chống tăng Javelin của Mỹ cũng sẽ sớm xuất hiện trong cuộc tập trận khổng lồ này.

Đại tá Michael Logico – Phát ngôn viên của Philippines tại Balikata – cho biết: “Chúng tôi không khiêu khích bất kỳ ai. Đây thật sự là một hình thức răn đe”. Không nói rõ là răn đe ai, nhưng cũng không ai lạ gì đối tượng mà Washington và Manila nhắm tới, khi có một tình huống đáng chú ý: sẽ đánh chìm một tàu mục tiêu dài 61 m ngoài khơi tỉnh Zambales bằng không kích và pháo kích.

Một quan chức quân sự Philippines cho biết, cuộc diễn tập nhằm củng cố khả năng phòng thủ ven biển của nước này và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Các kịch bản thực địa như vậy sẽ kiểm tra khả năng của các đồng minh trong bắn đạn thật, kết hợp với chia sẻ thông tin và tình báo, liên lạc giữa các đơn vị cơ động, hoạt động hậu cần, hoạt động đổ bộ.

Cuộc tập trận Balikatan được khai hỏa một ngày sau khi Trung Quốc kết thúc tập trận chiến đấu mô phỏng phong tỏa Đài Loan. Thời điểm ấy diễn ra ngay sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại California khiến Bắc Kinh sôi máu.

Không phải khi diễn ra cuộc tập trận của Mỹ-Philippines, Bắc Kinh mới lên tiếng chỉ trích, mà trước đó Trung Quốc đã liên tục cảnh báo việc Mỹ tăng cường triển khai quân sự ở khu vực Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Mao Ninh- cho rằng, động thái của Mỹ “sẽ chỉ dẫn đến nhiều căng thẳng hơn và làm giảm hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Bà Mao cũng nhắc đến sự kiện hôm 10/4, Hạm đội 7 của Mỹ đã triển khai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Milius đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) (!). Hành động đó là “thách thức” các yêu sách lãnh thổ mở rộng của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Không thấy bà Mao đả động gì đến Philippines, có lẽ vì lí do tế nhị, khi Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tỏ ra khôn khéo hơn. Mới đây, trong chuyến thăm Trung quốc (tháng 1/2023) Tổng thống Marcos Jr. Đã thực hiện “phép thử” đối với chính sách đối ngoại cân bằng giữa các nước lớn mà ông đang theo đuổi. Manila mong muốn “duy trì quan hệ ổn định và thu hút lợi ích kinh tế của Trung Quốc”, nhưng cũng muốn “làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh với Mỹ”.

Mặc dù tuyên bố ngoại giao mềm dẻo nhưng Manila đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ; cho phép các đợt luân phiên của lực lượng Mỹ ở lại nhiều doanh trại quân sự của Philippines hơn theo Hiệp ước quốc phòng được ký vào năm 2014.

Vậy lí do của các cuộc tập trận triền miên giữa các đồng minh trong khu vực Biển Đông là gì? Phải chăng vẫn là do tranh chấp ngôi bá chủ toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc? Đài Loan trước sau chỉ là con bài mặc cả của hai siêu cường. Khi vấn đề Đài Loan chưa được giải quyết thì đây vẫn là điểm nóng trong khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục lợi đụng để can thiệp.

Tuy nhiên, Washington thừa khôn khéo để không đẩy giới hạn lên cao, tránh một cuộc tấn công quân sự thật sự, thậm chí có thể xảy ra chiến tranh nóng. Câu hỏi vẫn treo lơ lửng là: Mỹ có can thiệp vào vấn đề Đài Loan trong trường hợp Đại lục tấn công hòn đảo? Nếu Mỹ không can thiệp thì Trung Quốc càng có động lực để thực hiện mục tiêu thống nhất bằng các giải pháp khác nhau, trong đó giải pháp làm cho Đài Bắc sụp đổ từ bên trong vẫn là cách tính khôn ngoan.

Đứng trước bối cảnh đó Mỹ phải xây dựng bằng được một Chiến lược quốc gia toàn diện để ngăn chặn Trung Quốc. Nếu không thời đại “nước Mỹ trên hết” sẽ khép lại.

Vậy là, việc gây căng thẳng trên Biển Đông với các cuộc tập trận liên miên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Các cường quốc ra rả liên án nhau và đua nhau đưa tàu chiến, máy bay, tên lửa hiện đại vào các cuộc tập trận “như thật” cũng chỉ vì muốn độc chiếm Biển Đông, và “bảo vệ tự do hàng hải”.

Khi chưa tìm được sách lược gì hay hơn thì hẵng cứ phô trương sức mạnh, uy hiếp, răn đe nhau. Đó là một kịch bản vô tiền khoáng hậu, còn kéo dài dài.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới