Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Anwar Ibrahim lỡ lời?

Ông Anwar Ibrahim lỡ lời?

Trong một cuộc họp thường kỳ sau đó của Văn phòng Thủ tướng, ông Anwar Ibrahim đã nói rằng: “Do tồn tại những yêu sách chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc, Malaysia sẵn sàng đàm phán để giải quyết”

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 30-3.

Đầy đủ, câu nói của người đứng đầu Chính phủ Malaysia là: “Khi thảo luận (với ông Tập Cận Bình) về vấn đề Biển Đông, ông đã nhấn mạnh Malaysia là quốc gia nhỏ và có nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do tồn tại những yêu sách chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc, Malaysia sẵn sàng đàm phán để giải quyết”.

Chẳng thể ngờ, đó lại là là nguồn cơn khiến ông Anwar “ăn đòn” của các chính trị gia phe đối lập. Những người này đã la ó, chỉ trích ông Anwar “đang mạo hiểm với chủ quyền của Malaysia”. Giận tới mức, phe đối lập dường như “quên” luôn những điều mà ông Thủ tướng cho là thành công trong chuyến công du quan trọng: các nhà đầu tư Trung Quốc đã cam kết đầu tư khoảng 170 tỷ Ringgit vào Malaysia thông qua 19 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các doanh nghiệp hai nước –  khoản đầu tư lớn nhất vào Malaysia từ Trung Quốc, cho đến thời điểm này.

Tại sao ông Anwar lại bị chỉ trích? Ông là nạn nhân trò chơi thóa mạ trên sân khấu chính trị chăng?

Thì vẫn, chính trường các quốc gia đa đảng là thế, sơ sểnh là bên này tố bên kia. Cái sơ sểnh của đương kim thủ tương Malaysia Anwar, bị phe đối lập tóm được và quy kết, là đã tỏ ra yếm thế với Trung Quốc trong chuyến công du trên.

Thoạt đầu, nghe cái sự quy kết, chính ông Anwar và những người ủng hộ ông còn chưa hiểu “mô tê ra răng” nữa kia. Sau đó mới té ngửa và giận cánh đối lập cố chấp bắt bẻ phát ngôn của mình kiểu “chẻ sợi tóc làm tư”. Cụ thể, sự “yếm thế” – theo phe đối lập – thể hiện ở chỗ chẳng có lý do gì mà ông Anwar phải “đàm phán” với Trung Quốc về những vùng, khu vực trên Biển Đông hiển nhiên đã thuộc chủ quyền của Malaysia, hoàn toàn không có tranh chấp.

Những chính trị gia phe đối lập còn có thể phê ông Anwar là…dại.

Dại vì còn đó, phán quyết của Tòa Trọng tài LHQ (PCA)  còn nguyên giá trị; vụ kiện là của Philippines nhọc công, tốn kém, nhưng hưởng lợi là chung các bên liên quan khi PCA giải thích UNCLOS 1982 đã phủ nhận hầu hết yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra. Vậy thì hà cớ gì ông Anwar dại dột thừa nhận một thứ gọi là “chồng lấn” để rồi đề cập tới “đàm phán” như một giải pháp sáng suốt?

Thói đời, ”được đằng chân, lân đằng đầu”, nhượng bộ Trung Quốc thì có mà cắt hết đất đai, biển đảo, bởi với  “đường 9 đoạn” Trung Quốc yêu sách gần trọn Biển Đông. Đó là chưa kể, “đàm phán” chính là chiêu bài Trung Quốc nêu ra bấy nay với các bên liên quan chủ quyền Biển Đông, gắn thêm vào đó cái gọi là “song phương” để thành một cái “bẫy”.

Sa vào cái “bẫy” đó, các quốc gia nhỏ bé Đông Nam Á tránh sao khỏi dễ dàng bị Trung Quốc, hoặc thu phục hoặc nghiền nát?

Nói cách khác, theo các nhà chính trị phe đối lập, trong chuyện này, hóa ra Thủ tướng Malaysia còn lâu mới tỉnh táo, khí phách, bản lĩnh bằng nhà lãnh đạo nước láng giềng Indonesia. Họ muốn nhắc tới việc tổng thống Indonesia Joko Widodo, tiếp theo các động thái làm “mất mặt” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông những năm trước đó, năm 2020, trong lần tới thăm một hòn đảo thuộc quần đảo Natuna mà nước này đang kiểm soát, đã khẳng định đanh thép: “không có đàm phán khi nói tới chủ quyền của chúng ta” – tuyên bố khiến Trung Quốc vô vùng hậm hực.

Vì sĩ diện của một nhà lãnh đạo quốc gia, có thể ông Anwar không tiện trực tiếp thừa nhận mình đã thiếu tỉnh táo khi đề cập câu chuyện chủ quyền quốc gia trong chuyến công du thăm Trung Quốc vừa qua. Tuy nhiên, thâm tâm hẳn ông cũng thấy phe đối lập có lý. Thế nên, ông mới thể hiện thể hiện sự “cầu thị” bằng cách yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này làm cái việc giải thích, thực chất là “thanh minh” rằng:  hai từ “đàm phán” mà ông Anwar nói có nghĩa là Malaysia muốn tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình và không ảnh hưởng đến lập trường của Malaysia”.

Liệu có thể coi đây như một bài học khi phát ngôn? Chủ quyền quốc gia, chuyện đùa sao được!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới