Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNgoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam, phản đối và phản ứng từ...

Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam, phản đối và phản ứng từ TQ

Sự kiện nóng, được dư luận thế giới quan tâm, đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Việt Nam trong các ngày từ 14 đến 16/4.

Ông Blinken đến Việt Nam và sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo cao nhất của chính quyền Việt Nam nhằm mục đích gì? Theo các nguồn tin tin cậy thì, vấn đề trọng tâm là, hai bên sẽ có các cuộc thảo luận quan trọng nhân kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, 10 năm hai bên là đối tác toàn diện của nhau.

Dư luận cũng hi vọng chuyến đi này sẽ đặt nền móng cho việc nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên đối tác chiến lược. Nếu thuận lợi thì có thể được tuyên bố ngay trong năm nay vào dịp ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ hoặc Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam. Tất cả vẫn còn nằm trong khoảng mờ. Nếu không nâng tầm đối tác lên mức cao hơn thì có thể sẽ chẳng có chuyến thăm nào hết của hai nhà lãnh đạo cao nhất.

Chuyến thăm mang tính thăm dò của ngài Ngoại trưởng Mỹ có một sự kiện khá ấn tượng. Đó là Mỹ sẽ xây dựng Tòa Đại sứ quán mới tại quận Cầu Giấy- thủ đô Hà Nội. Trong ngoại giao, nhiều khi các sự kiện này nói lên sự ấm áp hay lạnh giá; sự nồng nhiệt chào đón hay bàn tay hờ hững chìa ra.

Bối cảnh chuyến thăm cũng là thuận lợi. Phía Mỹ đã sắp xếp khá hợp lý, sau khi thăm Việt Nam ba ngày ông Blinken sẽ dự cuộc họp các ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản. Hiệu ứng của chuyến thăm Việt Nam dù thành công ở mức nào cũng sẽ được “đo đếm” ngay tại hội nghị quan chức ngoại giao ở xứ Phù Tang.

Bối cảnh quan hệ hai nước thời gian này cũng khá là ấm áp. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ có những dấu hiệu tích cực. Mỹ đánh giá cao những sáng kiến của Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, cùng những đóng góp tích cực vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là, thương mại hai nước đã vượt mốc 100 tỉ USD trong năm 2022. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ, trở thành lựa chọn tốt cho các công ty Mỹ. Nhà Trắng mong muốn Hà Nội đa dạng hóa lựa chọn thương mại và đầu tư để giảm bớt lệ thuộc vào nguồn sản phẩm và sản xuất của Trung Quốc.

Chuyến thăm của ông Blinken mới bắt đầu. Các cuộc đối thoại sẽ gồm nhiều vấn đề chiến lược như chính trị, về an ninh, quốc phòng, về phát triển, hợp tác kinh tế, đầu tư…Trong đó, vấn đề khá nhạy cảm là khi đối thoại về các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề của an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điểm nhấn là, an ninh của Đông Nam Á, trong đó có an ninh, những diễn biến an ninh ở trên Biển Đông.

Trở lại vấn đề quan trọng nhất là nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước, trong đó có Mỹ. Có bốn quốc gia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Vì sao Hà Nội ngần ngại khi nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ? Câu trả lời ai cũng hiểu là khi Việt Nam xích lại gần Mỹ thì sẽ bị Bắc Kinh không hài lòng. Có nhà bình luận quốc tế cho rằng, khi Việt Nam bắt tay khăng khít với Mỹ thì có thể Trung Quốc sẽ không phản đối nhưng chắc chắn họ sẽ phản ứng. Mà khi ông hàng xóm to lớn hắt hơi thì chẳng khác nào cơn bão đối với kẻ yếu thế. Xưa nay Trung Quốc có rất nhiều trò phù phép, chơi xấu, khiến cho kinh tế Việt Nam nhiều phen điêu đứng. Chỉ riêng việc ngừng nhập khẩu nông sản qua biên giới đã thấy rõ chuyện này.

Khi Việt Nam Mỹ tiến sâu hơn trong quan hệ ngoại giao, Trung Quốc sẽ có các phản ứng ngầm về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa… Họ phản ứng vì muốn rằng những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông và những yêu sách khác không bị cản trở.

Những năm gần đây Bắc Kinh đã không còn che giấu tham vọng Trung Quốc sẽ làm bá chủ thiên hạ một ngày không xa. Khi ấy “Trật tự cũ” do Mỹ và các nước dân chủ thiết lập và xây dựng nên từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay sẽ được thay thế bởi “Trật tự Pax Sinica” (hòa bình kiểu Trung Quốc) do Trung Quốc nắm thế chủ đạo. Suy cho cùng, bản chất “trật tự thế giới mới” vẫn chỉ là cuộc chiến tranh giành địa chính trị giữa hai cường quốc Mỹ – Trung, và họ đều có cách diễn giải riêng.

Cái thế kẹt của Việt Nam là vì lẽ đó.

Với tất cả tinh thần cầu thị, Hà Nội mong muốn việc nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện sẽ là một xu hướng tốt. Nó có tác dụng tích cực trong việc duy trì ổn định, hòa bình thế giới. Nó tạo ra những tiền đề tốt hơn cho thịnh vượng, phát triển. Đó chính là đường lối độc lập tự chủ trong ngoại giao, cũng là truyền thống quý báu trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam qua các thời kỳ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới