Sau chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo 2 nước Philippines và Malaysia, rộ lên thông tin rằng các nước ven Biển Đông đang đi vào quỹ đạo đàm phán song phương với Trung Quốc. Vậy thực hư thế nào và việc đàm phán song phương với Trung Quốc có thể đem đến rủi ro gì, chúng ta cùng phân tích.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 1/2023 của Tổng thống Philippines Marcos Jr, hai nước đồng ý duy trì tinh thần thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí được ký từ năm 2018 và sớm mở lại đàm phán về vấn đề này. Còn trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4/2023, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói với phía Trung Quốc rằng nước này sẵn sàng đàm phán để có thể thực hiện các dự án dầu khí tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông. Qua những động thái kể trên, giới quan sát cho rằng có thể nói, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, sau nhiều năm kiên trì gây sức ép, Trung Quốc đã áp đặt được phương thức “đàm phán song phương” với một số nước liên quan trong ASEAN.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định Tập Cận Bình đã tranh thủ các chuyến thăm của Tổng thống Philippines và của Thủ tướng Malaysia để gây áp lực về các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông cũng như về phương thức đàm phán song phương. Trước sức ép từ Trung Quốc, Manila đã chấp nhận mở lại các cuộc đàm phán kỹ thuật về các điều khoản cho khả năng hợp tác song phương, vốn được khởi động từ tháng 11/2018 dưới thời Tổng thống Duterte và bị đình chỉ trước khi ông Duterte kết thúc nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng việc chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc của ông Marcos có thể chỉ là một thủ thuật ngoại giao để tỏ thiện chí và giảm căng thẳng. Trên thực tế, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc chính quyền của ông Marcos đã liên tiếp có một loạt động thái củng cố quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ (như công bố thêm 4 địa điểm cho phép quân đội Mỹ có thể tiếp cận; khôi phục Đối thoại an ninh, ngoại giao 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ-Philippines sau 7 năm gián đoạn; cùng Mỹ tiến hành tập trận mang tên “vai kề vai” với quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Biển Đông…). Ngoài ra, Manila cũng nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng với Nhật Bản và Úc.
Rõ ràng những động thái này không phải là nhằm tạo thuận lợi cho đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông mà để tạo đối trọng với trước những thách thức từ Trung Quốc. Một số chuyên gia còn cho rằng với những diễn biến dồn dập trong quan hệ giữa Mỹ và Philippines gần đây thể hiện chính quyền của Tổng thống Marcos đã “ngả hẳn sang Mỹ”. Mặt khác, kinh nghiệm đàm phán song phương với Trung Quốc trong gần 6 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Duterte đã giúp cho chính quyền của ông Marcos có được bài học sâu sắc nên khó có thể đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Mặt khác, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines cho rằng, mong muốn giải quyết tranh chấp một cách thân thiện “không có nghĩa là họ sẽ đơn giản nhượng bộ các yêu cầu của Trung Quốc”. Ông Batongbacal thẳng thắn thừa nhận rằng việc Philippines sẽ thảo luận và đàm phán với Trung Quốc không phải là “dấu hiệu thành công trong cách tiếp cận song phương”.
Đối với Malaysia, Thủ tướng Anwar Ibrahim trong chuyến thăm Trung Quốc đã khẳng định với Tập Cận Bình rằng Tập đoàn Petronas đang và sẽ hoạt động trong vùng biển của Malaysia, song để ngỏ khả năng có thể đàm phán với Trung Quốc khi nói: “nếu Trung Quốc cảm thấy rằng họ có quyền đối với khu vực này, chúng tôi có thể thảo luận và đàm phán về vấn đề này”. Việc Thủ tướng Anwar Ibrahim để ngỏ khả năng đàm phán song phương với Trung Quốc vè Biển Đông đã khiến phe đối lập nước này phản đối mạnh mẽ.
Phát biểu của Thủ tướng Anwar liên quan tới việc chính phủ của ông “chuẩn bị đàm phán” với Trung Quốc về quyền thăm dò tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông đã dẫn đến một số chỉ trích rằng chủ quyền và quyền tài phán của Malaysia đối với thềm lục địa của nước này đã được công nhận và không phải là vấn đề tranh chấp hay là vấn đề cần phải đàn phán. Hôm 6/4, ông Muhyiddin Yassin – lãnh đạo đảng Bersatu, đảng đứng đầu trong liên minh đối lập Perikatan – đã kịch liệt chỉ trích Thủ tướng Anwar vì những phát biểu của ông. Ông Muhyiddin nói: “Tuyên bố này là liều lĩnh và một Thủ tướng không bao giờ được đưa ra một tuyên bố như vậy. Hàm ý của tuyên bố này đã gián tiếp thừa nhận yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ vốn thuộc về Malaysia và cần phải được bảo vệ”.
Trong bối cảnh dư luận và các nhà phân tích xôn xao về những phát biểu mà Thủ tướng Anwar đưa ra sau chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc và phe đối lập thì tận dụng để chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim mềm yếu trước những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Malaysia đã đưa ra một tuyên bố để giải thích. Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Malaysia nói rằng lập trường của nước này về Biển Đông “là nhất quán và không thay đổi”; khẳng định “Chính phủ Malaysia cam kết rõ ràng và kiên quyết đối với việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của Malaysia trong các khu vực hàng hải của mình ở Biển Đông, như đã được mô tả trong Bản đồ năm 1979 của Malaysia”.
Bản đồ năm 1979, do Cục Khảo sát và Bản đồ Malaysia phát hành, được dùng làm tài liệu tham khảo chính thức cho các yêu sách lãnh thổ của nước này ở Biển Đông. Tuyên bố cũng cho biết: “Malaysia kiên quyết giữ quan điểm rằng các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và mang tính xây dựng, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết bằng việc sử dụng thuật ngữ “đàm phán”, Thủ tướng Anwar “muốn nói rằng những vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được thảo luận hoặc giải quyết một cách hòa bình… và Malaysia không phải thỏa hiệp lập trường nguyên tắc của mình, để tránh xung đột leo thang, đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực”; nhấn manh: “Do đó, trong bối cảnh này, Malaysia sẽ tiếp tục cách tiếp cận ngoại giao trong các hoạt động tương tác của Malaysia với các quốc gia khác”.
Lâu nay, Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến đàm phán song phương, phản đối cách tiếp cận đa phương trên vấn đề Biển Đông. Để thúc ép các nước ven Biển Đông chấp nhận đàm phán song phương, Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với các nước trên thực địa. Họ liên tiếp cho tàu hải cảnh, tàu thăm dò địa chấn và tàu dân quân biển cản trở quấy rối các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng ven Biển Đông ngay trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hợp pháp của nước này. Trước sức ép của Bắc Kinh, các nước ven Biển Đông, một số nước đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc nhưng không đạt được kết quả.
Việt Nam sau khi giải quyết với Trung Quốc vấn đề phân định biên giới trên đất liền và phân định vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ đã tiếp tục tiến hành đàm phán với Trung Quốc về vấn đề trên biển, nhưng cho đến nay không có bất kỳ tiến triển nào. Philippines dưới thời của cựu Tổng thống Duterte đã từng tiến hành đàm phán với Trung Quốc và ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng ở Biển Đông vào tháng 11/2018, song không có những tiến triển khi đi vào bàn các vấn đề cụ thể và cuối cùng chính quyền của ông Duterte đã phải tuyên bố chấm dứt Biên bản ghi nhớ trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Malaysia chưa đàm phán song phương với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và phát biểu của Thủ tướng Malaysia khi thăm Trung Quốc đề ngỏ khả năng đàm phán song phương với Trung Quốc ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của phe đối lập. Cho đến nay, Indonesia vẫn kiên quyết không thảo luận với Trung Quốc về tranh chấp trên biển, với lý do Indonesia hoàn toàn không có tranh chấp trên biển vời Trung Quốc và đường biên giới trên biển của nước này phù hợp với luật pháp quốc tế.
Giới quan sát nhận định rất phương thức đàm phán song phương mà Trung Quốc đang hướng tới không thể giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông bởi tranh chấp này hết sức phức tạp, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến các nước ngoài khu vực như vấn đề tự do, an ninh hàng hải và hàng không. Mặt khác, Trung Quốc luôn bất chấp lẽ phải và luật pháp quốc tế nên không thể mong chờ vào sự thiện chí đàm phán của Bắc Kinh. Ý đồ của Trung Quốc trong thúc ép các nước ven Biển Đông đàm phán song phương có thể là:
Thứ nhất, thực hiện chính sách “chia để trị” với phương châm “bẻ từng chiếc đũa dễ hơn bẻ cả bó đũa”. Ý đồ của Trung Quốc là tiến hành đàm phán song phương đe có thể lợi dụng ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự của mình gây sức ép, bắt nạt các nước nhỏ, cưỡng ép các nước này chấp nhận nhượng bộ. Cách tiếp cận song phương của Trung Quốc hết sức nguy hiểm và có thể khiến các nước láng giềng gặp nhiều rủi ro.
Bắc Kinh muốn dùng đàm phán song phương để chia rẽ các nước ven Biển Đông với nhau, phá vỡ đoàn kết trong nội bộ ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New Shouth Wales Úc, điểm đáng chú ý là nếu như trước đây các nước ASEAN có tranh chấp trên biển với Trung Quốc tập hợp lại với nhau để có lập trường chung trước khi thảo luận các bất đồng với Trung Quốc thì việc Trung Quốc lôi kéo từng nước đàm phán song phương đã phá vỡ cơ chế hợp tác này giữa các nước ven Biển Đông.
Thứ hai, Bắc Kinh mưu toan sử dụng diễn đàn đàm phán song phương để lùa các nước ven Biển Đông đi vào quỹ đạo của họ. Thực tế cho thấy, Trung Quốc thường kết hợp việc lớn tiếng hù dọa trong đàm phán song phương với việc triển khai hoạt động gây hấn hung hăng trên thực địa để gây sức ép buộc các nước chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc, thực chất là biến các vùng đặc quyền kinh tế hoàn toàn không có tranh chấp của các nước láng giềng thành vùng tranh chấp, thúc đẩy yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông thực hiện mục tiêu cuối cùng là độc chiếm Biển Đông.
Mặt khác, việc Bắc Kinh mưu toan dùng diễn đàn đàm phán song phương để chèn ép, cưỡng bức các nước láng giềng có khả năng kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại các nước này, làm bùng lên tinh thần “bài Hoa” trong dân chúng các nước.
Thứ ba, Trung Quốc thúc đẩy cách tiếp cận đa phương để đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông. Với việc các nước chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ lấy cớ là “Trung Quốc và các nước trong khu vực hoàn toàn có thể tự giải quyết tranh chấp Biển Đông” để ngăn cản việc Mỹ và các đồng minh can dự vào Biển Đông.
Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc luôn tìm cách vu cáo đổ lỗi cho Mỹ can dự vào Biển Đông khiến tình hình căng thẳng và tìm mọi cách để đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông, thậm chí họ còn đưa vào dự thảo về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông nội dung loại bỏ các nước ngoài khu vực (trong đó có Mỹ) ra khỏi Biển Đông. Đây là lý do vì sao Trung Quốc luôn thúc ép các nước ven Biển Đông đàm phán song phương về Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng một điều không thể phủ nhận là việc các bên ngồi vào với nhau để thảo luận với nhau các vấn đề liên quan đến tranh chấp dù là tại diễn đàn đa phương hay song phương là điều có ý nghĩa, giúp cho tình hình không leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, với một Trung Quốc luôn mang một tư tưởng bá quyền, đại Hán lại có sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội thì không thể mong chờ ở sự thiện chí, hợp tác, xây dựng của Bắc Kinh. Do vậy, các nhà phân tích đã đưa ra cảnh báo chống lại cách tiếp cận song phương của Trung Quốc; nếu các bên không tỉnh táo mà bị Trung Quốc lôi vào “vòng xoáy” của mình thì đàm phán song phương sẽ mang tới nhiều rủi do. Các ý kiến này cho rằng cách tiếp cận đa phương trên hồ sơ Biển Đông sẽ có lợi cho các nước láng giềng ven Biển Đông trong đối chọi với một Trung Quốc hung hăng.