Ngày mai (16/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có buổi làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của TP chỉ đạt 0,7%, thấp nhất kể từ năm 1982 đến nay.
Chỉ hơn 7 tỉnh trong cả nước
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng tính theo giá hiện hành. Tính theo giá so sánh năm 2010 thì đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,70% so với cùng kỳ.
Đây là mức tăng khá thấp khi so với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 3,32%. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đứng thứ 56/63 địa phương và thấp nhất trong 5 TP trực thuộc Trung ương, gồm Hải Phòng (tăng 9,65%), Đà Nẵng (7,12%), Hà Nội (5,8%) và Cần Thơ (4,02%).
Đánh giá về tình hình kinh tế 3 tháng đã qua, Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) nhận định, đây là lần đầu tiên từ năm 1982, mức tăng trưởng kinh tế của TP ở dạng “cầm đèn đỏ”.
Còn theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, so sánh với các địa phương khác trong quý 1/2023, TP chỉ hơn được 7 tỉnh, khi xếp thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước.
Theo Viện này, ngoài chỉ số còn cầm cự là thu ngân sách quý 1 ước đạt 124.796 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm, các chỉ số còn lại cho thấy sự suy giảm mạnh.
Cụ thể, chi tiêu công giảm mạnh; tăng trưởng ngành thương mại dịch vụ giảm tốc do nhu cầu trong nước suy yếu; xuất khẩu suy yếu do cầu tiêu dùng thế giới giảm; tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP có chiều hướng giảm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; chỉ số ngành bất động sản giảm hơn 54% từ đầu năm 2022.
Viện nghiên cứu phát triển cũng chỉ ra các nguyên nhân làm kinh tế TP suy giảm mạnh, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan, có ba nhóm nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, thời điểm quý 1 là giai đoạn diễn ra Tết, các hoạt động sản xuất tạm dừng; mức chi tiêu thấp, người dân thắt lưng buộc bụng.
Thứ hai, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp (chiến sự, lạm phát toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng hệ thống ngân hàng châu Âu, Bắc Mỹ) khiến cho lĩnh vực xuất khẩu nhập khẩu của Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và thương mại…
Thứ ba, việc Trung ương chấn chỉnh ngành tài chính-ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề thương mại-dịch vụ khác nhau của thành phố, đặc biệt là bất động sản. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp.
Về nguyên nhân chủ quan, có 4 nhóm chủ yếu:
Thứ nhất, tiến độ giải ngân đầu tư công quý 1 chậm (chỉ đạt 4%).
Thứ hai, hiệu quả thực thi công vụ của bộ máy TP không cao, dẫn đến ách tắc về hồ sơ, giấy tờ khiến cho các dự án không thể triển khai được, việc kém hiệu quả này chủ yếu do con người và tâm lý.
Thứ ba, tăng trưởng của TP trong các ngành chủ lực đã đến giới hạn, đặc biệt là sự giới hạn lớn về nguồn lực tài chính (tỷ lệ điều tiết, ngân sách đầu tư, cách thức huy động nguồn lực) và cơ sở hạ tầng (cơ sở hạ tầng công nghiệp như đường xá, bến bãi, logistic, đất công nghiệp hay hạ tầng dịch vụ như trung tâm triển lãm, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa…)
Và cuối cùng là các vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền của TP trong nhiều lĩnh vực từ đầu tư, tài nguyên môi trường, đến tài chính, bộ máy, con người.
Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh đầu tư công
Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, đà suy giảm từ quý I sẽ dẫn đến thách thức và khó khăn cho quý II và các quý tiếp theo.
Thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó lường; thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn; sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng; sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuất khẩu thu hẹp…
Theo đó, ông yêu cầu các cấp, các ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường khả năng dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội; tập trung giải quyết thủ tục hành chính, các vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp; phát huy tối đa các động lực tăng trưởng hiện có.
Chủ tịch TP Phan Văn Mãi yêu cầu cần tập trung kích tăng trưởng bằng nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng trong các dự án trọng điểm.
Quyết liệt giải ngân đầu tư công, đặc biệt với các nhóm dự án có vốn lớn chẳng hạn như vành đai 3 (quý 2 dự kiến giải ngân gần 11.000 tỷ); gắn tiến độ giải ngân đầu tư công với khen thưởng-kỷ luật, có biện pháp mạnh như điều chuyển, cách chức, kỷ luật công khai.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án ngoài ngân sách, kích cầu tiêu dùng với chính sách khuyến mãi để kích thích thị trường hơn 10 triệu dân, thị trường trong nước, xuất khẩu…
Tập trung giải quyết các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục của người dân, doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ cho các dự án, công trình tạo dòng vốn đổ vào để tạo thêm công ăn, việc làm, tạo khí thế niềm tin cho nền kinh tế.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng yêu cầu các sở, ngành có nhiều hồ sơ tồn đọng rà soát ngay, khắc phục ngay. Cái gì thuộc thẩm quyền thì giải quyết ngay, cái gì cần sự phối hợp thì làm việc với trách nhiệm cao, không đùn đẩy nhau.
T.P