Tính chất công việc của kỹ thuật viên và nhu cầu chia sẻ thông tin tình báo trong chính phủ Mỹ đã tạo điều kiện để binh nhất Teixeira dễ dàng truy cập tài liệu mật.
Jack Teixeira, 21 tuổi, binh nhất thuộc Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia bang Massachusetts, ngày 14/4 trình diện tòa liên bang ở Boston và bị truy tố với cáo buộc lấy và sao chép thông tin quốc phòng, cố ý lan truyền thông tin “có thể được sử dụng để gây tổn hại cho Mỹ hoặc mang lại lợi ích cho bất cứ nước nào bên ngoài”.
Bằng cách nào Teixeira, người vừa tốt nghiệp trường công nghệ và giữ quân hàm thấp thứ ba trong không quân Vệ binh Quốc gia, có thể truy cập các thông tin tình báo tuyệt mật của Mỹ đang là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất lúc này.
Theo một quan chức chính quyền giấu tên, hàng trăm người được phép nhận các bản phân tích, đánh giá tuyệt mật này, nhưng họ chủ yếu là các quan chức, tướng lĩnh cấp cao và một binh sĩ cấp thấp như Teixeira không có khả năng nằm trong danh sách đó.
Tuy nhiên, ngày 30/9/2022, Teixeira được huy động thực hiện nhiệm vụ cấp liên bang tại với Đơn vị Tình báo 102 ở Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Otis, bang Massachusetts. Đây chính là bước ngoặt quan trọng tạo cơ hội cho Teixeira tiếp cận những tài liệu quan trọng.
Scott Murray, đại tá không quân đã nghỉ hưu, chuyên về tình báo, cho biết trong thời gian làm nhiệm vụ liên bang, với chuyên môn duy trì và bảo vệ các hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc, Teixeira đã được phép truy cập vào Hệ thống Liên lạc Tình báo Chung Toàn cầu (JWICS).
Theo Murray, việc một kỹ thuật viên công nghệ thông tin có quyền truy cập vào JWICS để bảo trì nó là điều bình thường. Ông mô tả hệ thống này giống như một mạng Internet chứa các tài liệu mật. Nhưng Teixeira sẽ không có “chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa”.
Một số tài liệu đặc biệt nhạy cảm, như bản tóm tắt hàng ngày trình lên Tổng thống, sẽ chỉ được lưu hành trong nhóm rất nhỏ các quan chức cấp cao.
Bản mô tả trên trang web của Lực lượng Không quân Mỹ liệt kê những yêu cầu tối thiểu đối với công việc của Teixeira. Những người làm công việc như anh ta chỉ cần tốt nghiệp trung học và đã được “thẩm tra lý lịch tư pháp”.
Giới chuyên gia đánh giá quy trình thẩm tra này khá toàn diện, trong đó có các bước như đánh giá nền tảng giáo dục, lịch sử tài chính và các mối quan hệ của ứng viên, cũng như phỏng vấn những người quen biết họ.
Việc Teixeira còn trẻ tuổi không nhất thiết là trở ngại trong việc tiếp cận tài liệu mật. Tướng không quân Pat Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, hôm 13/4, cho hay các binh sĩ trẻ làm việc trong lĩnh vực tình báo sẽ được cấp giấy phép an ninh sau quá trình rà soát nhân thân kỹ lưỡng.
“Chúng tôi giao nhiều trách nhiệm cho các thành viên của mình từ khi họ còn rất trẻ”, ông nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/4 cho biết ông đã yêu cầu các quan chức Mỹ xác định làm thế nào Teixeira có thể truy cập tài liệu mật. “Tôi không nghĩ sẽ mất nhiều thời gian”, ông nói với các phóng viên tháp tùng ở Dublin, Ireland.
Theo cựu công tố viên Don Christensen, với tư cách binh sĩ đang làm nhiệm vụ, Teixeira có thể tiếp cận các tài liệu dễ dàng hơn, nhưng điều này không có nghĩa anh ta nên làm như vậy.
“Điều này thực sự đặt ra câu hỏi tại sao tất cả mọi người tại Căn cứ Không quân Otis lại cần quyền truy cập vào loại thông tin mật chiến lược cấp cao như vậy”, ông đặt vấn đề.
Hệ thống JWICS được thiết kế từ đầu những năm 1990 cho cộng đồng tình báo quân đội, nhưng sau đó được mở rộng phạm vi sử dụng khi Bộ Quốc phòng thấy nó hữu ích. Theo trang web của Cơ quan Tình báo Quốc phòng, JWICS đã phát triển “nhanh chóng thành một công cụ đổi mới cần có” đối với những người đứng đầu quân đội.
Hệ thống này còn được cài đặt trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng sau khi cựu tổng thống Bill Clinton đến thăm Lầu Năm Góc.
Theo Murray, mọi tài liệu được in từ JWICS đều bị đánh dấu. Những thao tác của người dùng trên bàn phím cũng bị theo dõi. “Nếu tôi truy cập JWICS, sẽ có bản ghi lưu lại mọi hành động”, ông cho hay.
Dan Lomas, giảng viên cao cấp về nghiên cứu tình báo và an ninh tại Đại học Brunel, Anh, cho biết hàng trăm người trong quân đội và cơ sở tình báo Mỹ có quyền truy cập tương tự Teixeira.
“Đây là một phần trong nỗ lực giúp các nhà phân tích có được càng nhiều thông tin càng tốt”, ông giải thích. “Nhưng điều này cũng đồng nghĩa nguy cơ thông tin bị rò rỉ sẽ lớn hơn”.
Những thay đổi được đưa ra vài năm sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở New York và Washington, khi các cuộc điều tra xác định việc các cơ quan chính phủ Mỹ không thể chia sẻ thông tin tình báo với nhau là một trong những thiếu sót chính dẫn tới thảm kịch.
Không rõ bằng cách nào Teixeira có thể in các tài liệu mật và lén đưa chúng ra khỏi căn cứ dưới dạng số hóa hoặc văn bản. Nhưng Lomas lưu ý rằng các vụ vi phạm an ninh trước đây, như sự cố rò rỉ thông tin của Edward Snowden và Chelsea Manning, đã chứng minh các quy tắc bảo mật không phải lúc nào cũng được tuân thủ nghiêm ngặt.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong một cuộc họp báo ngày 13/4 nhấn mạnh “mọi quân nhân, công dân và nhà thầu quốc phòng Mỹ được quyền truy cập vào thông tin mật phải có nghĩa vụ pháp lý và đạo đức trong việc bảo vệ thông tin đó và báo cáo mọi hành vi đáng ngờ”.
Nhưng Lomas đánh giá cộng đồng tình báo Mỹ có thể đang bước vào “giai đoạn khó khăn” và việc áp dụng những hạn chế mới sau sự cố với Teixeira sẽ gây khó khăn cho việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.
“Hạn chế chia sẻ thông tin đồng nghĩa với việc quay trở lại những quy tắc nghiêm ngặt truyền thống”, ông nói.
Theo Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn cần thông tin tình báo được chia sẻ nhanh chóng tới những quan chức cấp cao trong chính quyền.
“Bạn phải chia sẻ chúng nhưng với cách làm thông minh hơn”, ông cho hay. “Phải có cách làm khác thay vì cấp quyền truy cập vĩnh viễn cho tất cả mọi người”.
Cuối cùng, an toàn của hệ thống tình báo chủ yếu vẫn phải dựa vào những người xử lý chúng, Alexandria Seymour, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mới của Mỹ, nhấn mạnh.
Bản khai có tuyên thệ do một đặc vụ FBI cung cấp nói rằng Teixeira đã “ký cam kết ràng buộc không tiết lộ thông tin mật trọn đời” trước khi được giao nhiệm vụ tại Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Otis và hành động rò rỉ dữ liệu sẽ khiến anh ta phải đối mặt các cáo buộc hình sự.
“Điều này đặt ra câu hỏi về cách chúng ta đào tạo nhân viên xử lý thông tin mật”, bà nói. “Nó phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống bảo mật, nhưng chúng ta vẫn phải duy trì một mức độ tin tưởng nhất định đối với nhân viên, rằng họ ở đó vì các lý do chính đáng”.
T.P