Friday, December 27, 2024
Trang chủThâm cung bí sửBên trong Công trình 816 - nơi từng là căn cứ hạt...

Bên trong Công trình 816 – nơi từng là căn cứ hạt nhân tuyệt mật của TQ

Trung Quốc từng có nhiều công trình tuyệt mật trong lịch sử và một trong số đó là căn cứ hạt nhân 816 ở ngoại ô Trùng Khánh, một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của nước này.

Công trình hạt nhân 816.

Công trình 816 là cơ sở công nghiệp nguyên liệu hạt nhân thứ hai của Trung Quốc, được xây dựng ở thị trấn Bạch Đào, quận Bồi Lăng thuộc thành phố Trùng Khánh vào năm 1966, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, nhằm tăng cường phòng thủ quốc gia, cơ sở hạ tầng và các ngành kỹ thuật. Do quyết định xây được Thủ tướng Trung Quốc khi đó Chu Ân Lai ký vào ngày 18/6/1966 nên công trình mang biệt hiệu 816. Khoảng 12.000 lính công binh đã mất 8 năm để khoan hang và các chuyên gia đã mất 9 năm để lắp đặt thiết bị trong hang. Tổng đầu tư của dự án lên đến 746 triệu nhân dân tệ (hơn 100 triệu USD), tương đương với số tiền để xây đập Tam Hiệp ngày nay và được mệnh danh là “Trường Thành trong lòng đất”.

Khi đó, hơn 60.000 người Trung Quốc dường như mất tích chỉ trong một đêm và không ai biết họ đi đâu để xây dựng công trình tuyệt mật này, trong đó hơn 100 người đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng, 76 người được phong liệt sĩ với độ tuổi trung bình chỉ 21 tuổi. Để bảo mật, Trung Quốc đã xóa tên thị trấn nơi có căn cứ này khỏi mọi bản đồ trong hơn 2 thập kỷ.

Hai ngọn núi lớn đã bị đào rỗng với 1,51 triệu m3 đất đá được đào lên và đắp thành 2 ngọn núi khác ở ngay phía đối diện. Nếu dùng đất này để đắp đường có thể xây một con đường dài khoảng 1.500km. Công trình bao gồm một mạng lưới các đường hầm, các con đường và hang động nhân tạo. Đây hiện là hang động nhân tạo lớn nhất thế giới. Căn cứ này có thể chịu được các cuộc tấn công hạt nhân tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT và các trận động đất mạnh từ 8 độ trở lên.

Ông Thạch Lỗi, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh và cũng là thế hệ thứ 2 trong một gia đình từng tham gia xây dựng Công trình 816, cho biết: “Khi đó chọn thị trấn Bạch Đào làm nơi xây Công trình hạt nhân 816 là do kết cấu địa chất ổn định, ngay sát Ô Giang có tài nguyên nước rất phong phú và nằm ẩn kín trong núi”.

Căn cứ này có tổng diện tích xây dựng 104.000m2, gồm 18 hang động và hơn 130 hang dẫn, hang nhánh và đường hầm, giống như một mê cung mà xe cộ có thể tự do đi lại.

Hang cao nhất có 12 tầng, cao 79,6m. Hang động này được thiết kế để chứa một lò phản ứng hạt nhân và làm nơi sản xuất plutonium 239 – nguyên liệu quan trọng dùng để chế tạo ra bom nguyên tử và bom H. Lõi của lò phản ứng hạt nhân có thể lắp 2001 thanh nhiên liệu. Tuy nhiên, căn cứ này chưa bao giờ được sử dụng để thử hạt nhân hay sản xuất các thanh nhiên liệu, bởi Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch vào năm 1984 khi hoàn thành 85% tiến độ và lắp đặt được 60% công trình, với tổng chiều dài các tuyến đường trong hang lên tới 25km.

Hầm dẫn nước trong hang cũng dài gần 3km, có đường kính 3,5m, do hơn 3.000 lính công binh thi công trong vòng 4 năm, để dẫn nước từ dòng Ô Giang gần đó. Với 8 máy bơm được trang bị, 1/3 lượng nước của Ô Giang có thể được hút lên chỉ trong một lần bơm và đưa vào trong hang.

Mặc dù mọi hoạt động bị dừng vào năm 1984, nhưng căn cứ hạt nhân này đến năm 2002 mới được giải mật và lần đầu tiên mở cửa cho du khách tham quan vào năm 2010.

Ông Mã Trung Vĩ, du khách tỉnh Hà Bắc chia sẻ: “Hôm nay được lần đầu tiên đến đây tham quan, tôi thấy công trình thật vĩ đại, cảm thấy vô cùng chấn động, đồng thời cũng thấy được những đóng góp của quốc gia vào sự phát triển của sự nghiệp quân sự. Tôi rất tự hào”.

Đến nay, phần mở cửa đón khách tham quan chỉ chiếm hơn 20% toàn bộ công trình đồ sộ này. Phần còn lại của căn cứ 816 đang chờ được khai thác trong giai đoạn 2 và vẫn thuộc quyền sở hữu của quân đội.

Căn cứ hạt nhân 816 cũng là công trình hạt nhân duy nhất của nước này được mở cửa cho công chúng cho đến nay. Công trình này cùng với hệ thống hầm trú ẩn nhằng nhịt trong lòng đất, khiến nhiều người cho rằng, Trùng Khánh trên mặt đất lớn bao nhiêu thì thành phố này ngầm dưới đất cũng lớn bấy nhiêu. Trong khi đó, Trùng Khánh là thành phố lớn nhất Trung Quốc với diện tích hơn 82.400 km2, tương đương gần 2,4 lần diện tích của cả Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân gộp lại. Công trình đồ sộ này khiến người ta như hiểu thêm về câu thành ngữ nổi tiếng của người Trung Quốc “Ngu Công dời núi” và giờ nó đã trở thành nơi tiến hành giáo dục quốc phòng ở nước này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới