Saturday, June 29, 2024

Ai thắng ai?

Câu hỏi của thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947-1989) giữa nước bị xâm lược và kẻ đi xâm lược, giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa tưởng đã chìm vào dĩ vãng. Vậy mà, ngày nay- thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh – nó lại gióng giả mỗi ngày.

Ngày nay, “Ai” không còn là hai hệ thống nữa mà là giữa những liên minh, liên kết (lâu dài và tạm thời) đang vừa tranh thủ nhau vừa tấn công nhau vì lợi ích của dân tộc, vì mục tiêu dẫn dắt thế giới. Thể hiện rõ nhất ở hai chiến tuyến lúc này là Trung-Nga với Mỹ và NATO.

Nhưng đó là câu chuyện dài, cần phải có đủ thông tin và phân tích một cách toàn diện, kĩ lưỡng. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên mấy dẫn chứng mới nổi lên trong thời gian qua, xem như đây là những điểm nóng trong quan hệ quốc tế. Đó là điểm nóng Trung-Nga với Mỹ, sau hàng loạt động thái ngoại giao, kinh tế, và gia tăng quân sự mới đây.

Gần nhất là hôm 18/4, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc thăm Moscow. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước để “đối phó với sự chuyển đổi của bối cảnh địa chính trị toàn cầu”.

Các ngài văn vở với nhau vậy thôi, thực chất là hợp tác với nhau để chống lại Mỹ và NATO.

Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Serguei Choigu, đã tuyên bố: Chuyến thăm Moscow của ông nhằm “chứng tỏ cho thế giới bên ngoài thấy rõ quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác chiến lược giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Nga”.

Ông Lý Thuợng Phúc cam kết sẽ: “thúc đẩy hợp tác quân sự, kỹ thuật và thương mại quân sự giữa Nga và Trung Quốc; nâng các mối quan hệ này lên một tầm mức mới”.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu nói sát vào nhiệm vụ quốc phòng hơn. Ông kêu gọi hai bên “phát triển các quan hệ này bằng cách hỗ trợ mạnh mẽ cho nhau, kể cả trong những vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia”.

Sau những tuyên bố đanh thép của hai Bộ trưởng, một thỏa thuận hợp tác quân sự đã được ký kết giữa hai học viện quân sự Nga và Trung Quốc. Trong biên bản ghi nhớ giấu kín các điều khoản cụ thể về thỏa thuận này.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là đáp lại thịnh tình của Tổng thống Nga Putin. Trước đó, hôm 16/4, đích thân Putin đã đến gặp và trao đổi với ông Lý Thượng Phúc. Và ông Lý đã “xúc động” bày tỏ sẽ chọn đến thăm Nga đầu tiên nhằm “nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt và tầm quan trọng chiến lược trong mối quan hệ song phương Nga – Trung”.

Vậy là chỉ sau một tháng Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga (3/2023), Bộ trưởng Quốc phòng tiếp tục có mặt ở Moscow. Giữa lúc Nga đang sa lầy trong cuộc chiến với Ukraine, đây không phải là sự kiện ngoại giao bình thường. Sự kiện này đang khiến cho Washington lo lắng.

Rõ ràng đang có một “vòng xoáy” trong quan hệ Mỹ-Nga-Trung Quốc. Mỹ thừa hiểu lý do Nga-Trung tăng cường hợp tác. Hai nước này trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước từng tuyên bố không đội trời chung, mặc dù cùng giống nhau ở thể chế lãnh đạo, quản lý đất nước. Theo nguồn tin tình báo, sắp tới Trung Quốc sẽ cung cấp drone và đạn dược cho Nga.

Drone là một loại máy bay không người lái. Nó không chỉ phục vụ cho quân sự mà còn sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Một công ty Trung Quốc có kế hoạch sản xuất drone “trinh sát” cho quân đội Nga nhằm tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine.

Bước sang năm thứ hai, cuộc chiến ở Ukraine gây ra “những vấn đề nghiêm trọng” với Trung Quốc – nhận định của Nhà Trắng. Liệu Bắc Kinh quyết định cung cấp vũ khí cho quân đội Nga sẽ dẫn đến hậu quả gì? Cái giá mà Tập Cận Bình phải trả?

Điều khó tránh là, Mỹ sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn, gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Hôm 24/2, Tổng thống Biden đã nói trong một cuộc phỏng vấn, rằng ông đã trao đổi về chủ đề này với ông Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ nói rằng, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến cho nhiều tập đoàn nước ngoài phải rời khỏi Nga. Các nhà lãnh đạo các nước khối G7 trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 03/3, cũng đe dọa các nước hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ phải trả giá đắt.

Trung Quốc cho đến nay vẫn không thể hiện lập trường về cuộc xâm lược Ukraine của Nga; không lên án chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine cũng như không áp trừng phạt với Moscow bất chấp sức ép từ phương Tây. Tuy bắt tay với Nga nhưng Bắc Kinh đang tìm cách “làm vừa lòng cả hai bên”, không gây căng thẳng với Mỹ để tránh nhận thêm những đòn trừng phạt không đáng có.

Về phía Mỹ, Washington cùng lúc phải đối mặt với hai mặt trận Nga và Trung Quốc. Đây là một thế cờ khó phá kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II đến nay. Lúc này chưa thể buông xuôi để thua ván cờ bị chiếu bí. Cần tìm cách ngăn chặn cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, không trở thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Cuộc chiến ở Ukraine xảy ra đúng thời điểm khủng hoảng của môi trường an ninh quốc tế, của trật tự quốc tế. Không chỉ có Mỹ, Trung Quốc cũng cần duy trì lợi ích chung trong việc ngăn chặn một vòng xoáy có thể gây ra tổn thất lớn về kinh tế. Sự hợp tác chính trị, thương mại và quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ được làm sâu sắc hơn. Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác với Nga là dựa trên ý chí và lợi ích an ninh quốc gia của mình.

Theo các nhà phân tích thời cuộc, đối đầu Mỹ-Trung sắp tới sẽ còn tiếp tục gia tăng ở những khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chính quyền của ông Biden dự kiến sẽ công bố Chiến lược của Mỹ trong khu vực và trên thế giới nhằm hạn chế tham vọng “soán ngôi Mỹ ” của Trung Quốc. Tham vọng ấy Bắc Kinh dự kiến có thể thực thi vào năm 2049, khi CHND Trung Hoa tròn một trăm tuổi.

Liệu rồi ai sẽ thắng ai trong cuộc chiến lập lại trật tự thế giới này?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới