Thursday, November 14, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLạc lối giữa mê cung giao thông ở Trùng Khánh (TQ)

Lạc lối giữa mê cung giao thông ở Trùng Khánh (TQ)

Nếu có dịp đến Trùng Khánh, thành phố lớn nhất Trung Quốc, một trong những ấn tượng mạnh đối với du khách là hệ thống giao thông nhằng nhịt, đa chiều như mê cung và ma trận tại đây. Lúc này người ta có thể đang đi trong thang máy dài như tòa nhà 30 tầng xuống sâu dưới lòng đất, nhưng lúc khác lại chót vót trên những làn đường cao gần 40 mét lơ lửng trên cao.


Trung Quốc từng được mệnh danh là Vương quốc xe đạp trong quá khứ và đến nay vẫn được xếp hạng là quốc gia có số lượng xe đạp chia sẻ đang họat động đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, có một thành phố ở nước này, người ta không thấy bóng dáng của xe đạp. Đó là Trùng Khánh.

Đến đây, một trong những điều gây ấn tượng đặc biệt cho du khách đó là người dân nơi này giống như những chú dê núi, hết trèo lên những ngôi nhà cao tít ở trên đỉnh núi, lại thả bộ xuống những ngôi nhà dưới chân núi. Ở Trùng Khánh, bạn sẽ không bao giờ biết mình đang ở tầng mấy, dù đang đi giữa phố xá đông đúc, xe cộ tấp nập. Để di chuyển, ngoài hệ thống đường sắt nội đô, người dân nơi đây đôi khi không đi bộ hay lái xe như thường thấy, mà sử dụng hệ thống thang máy lên xuống ngược xuôi…

Thang cuốn dài 112m, tương đương một tòa nhà 31 tầng, có độ dốc 30 độ, là một trong số đó. Đây là thang cuốn dài nhất ở Trung Quốc và thứ nhì châu Á, mang tên Hoàng Quan (tức vương miện). Người dân ở đây sẽ phải mua vé để được đi thang với giá 2 nhân dân tệ (gần 7.000 đồng Việt Nam) cho một lượt lên hoặc xuống với thời gian khoảng 2 phút 30 giây.

Theo chị Tăng Tường Hâm, hướng dẫn viên tại đây, địa hình địa thế đồi núi đặc biệt đã tạo nên một hệ thống giao thông khác biệt ở Trùng Khánh: “Do nằm giữa hai đầu mối giao thông quan trọng, hàng ngày có rất nhiều người dân qua lại. Họ phải lên dốc xuống đèo rất vất vả, do vậy, vào ngày 18/2/1996, thang cuốn Hoàng Quan đã ra đời, nhằm giúp giảm bớt khó khăn cho người dân đi lại hàng ngày, đồng thời mang lại sự tiện lợi cho khách du lịch khi mang theo túi lớn túi nhỏ. Trong ấn tượng của mọi người, thang cuốn thường được dùng để lên xuống giữa các tầng lầu, nhưng ở Trùng Khánh, thang cuốn được sử dụng để lên xuống núi, điều này sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm khác biệt”.

Cùng với hệ thống thang máy ngược xuôi, mạng lưới cầu vượt nhằng nhịt uốn lượn của Trùng Khánh cũng không khỏi khiến khách du lịch choáng ngợp. Anh Khương Vĩnh Bằng, du khách người Giang Tô là một trong số đó: “Tài xế taxi ở đây thực sự gây sốc, tay nghề của họ cực siêu. Họ lái xe rất nhanh dù đường đèo dốc. Kiểu đường này bạn sẽ rất khó để tự lái. Hơn nữa đường ở đây dù định vị dẫn đường cũng chưa chắc đến được. Có đoạn theo GPS đi bộ chỉ 200m, nhưng trên thực tế phải thành 2km, đi bộ 20 phút vẫn chưa đến được”.

Nói đến độ phức tạp của đường xá Trùng Khánh, phải kể đến hệ thống cầu vượt Hoàng Giác Loan, nơi từng được coi như kỳ quan kiến trúc khi hoàn thành vào năm 2017. Cầu vượt ở đây chia làm 5 tầng, cao 37m, tương đương tòa nhà 12 tầng, gồm 20 làn xe chạy theo 8 hướng và có tổng chiều dài 16,4km. Đây là hệ thống giao lộ phức tạp nhất thế giới, mà có người nói vui là nếu không may nhầm đường, mời bạn bắt đầu tour du lịch 1 ngày Trùng Khánh.

Tuy nhiên, với những bác tài ở đây, không có hệ thống đường nào là không thể vượt qua. Ông Mao Hữu Quân, một lái xe người Trùng Khánh chia sẻ: “Khi mới xây xong, chúng tôi cũng thấy phức tạp, bởi có tới 5 tầng và rất nhiều lối ra. Nhưng người Trùng Khánh vốn đã quen với đường xá ở đây, có thể với du khách là phức tạp nhất, nhưng với họ khó mấy cũng trở thành đơn giản”.

Là thành phố đông dân nhất và cũng lớn nhất Trung Quốc, Trùng Khánh đã buộc phải đưa ra các thiết kế hạ tầng và giao thông khác biệt do quỹ đất hạn hẹp, đồi núi bao quanh. Tuy nhiên, chính sự khác biệt này đã tạo cho Trùng Khánh những điểm du lịch độc đáo và hút khách.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới