Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ điều tiêm kích tàng hình J20 tuần tra ở Biển Đông...

TQ điều tiêm kích tàng hình J20 tuần tra ở Biển Đông là hành động uy hiếp hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực

Ngày 13/4/2022, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thành Đô Trung Quốc – nhà sản xuất máy bay tiêm kích tàng hình J-20 cho biết, quân đội nước này đã bắt đầu tiến hành các hoạt động tuần tra hàng không trên Biển Đông bằng máy bay tiêm kích tàng hình J-20.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra, loại máy bay trên còn tham gia vào một số cuộc diễn tập quân sự trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo lý giải của phía Trung Quốc, việc họ đưa chiến đấu cơ J-20 vào tuần tra trên Biển Đông là nhằm “bảo vệ tốt hơn an ninh không phận và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc”. Với tuyên bố đó, cùng với sự kiện máy bay tiêm kích tàng hình J-20 đã có cuộc“chạm trán” ở cự ly rất gần với phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ trên Biển Hoa Đông hồi tháng 3/2022, khiến rủi ro va chạm quân sự tăng cao, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định tại hai vùng biển này.

Trước hết, xét từ phương diện kỹ thuật quân sự, sự kiện trên cho thấy Trung Quốc đã có bước tiến đáng kể và đã làm chủ công nghệ trong sản xuất máy bay tiêm kích tàng hình.

Máy bay chiến đấu J-20 là loại máy bay tiêm kích tàng hình đầu tiên của Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong ba dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 trên thế giới hiện nay. Dòng tiêm kích này do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Thành Đô sản xuất, được đưa vào biên chế phục vụ trong lực lượng Không quân Trung Quốc từ tháng 3/2017. Loại máy bay này được trang bị động cơ WS-10C, là loại động cơ được Trung Quốc nghiên cứu và phát triển dựa trên động cơ AL-31F do Nga sản xuất, vốn được dùng cho máy bay tiêm kích tàng hình tấn công thế hệ 4++ Su-34, có vận tốc di chuyến tối đa Mach 2, trần bay 20km, bán kính chiến đấu khoảng 1.100km; được trang bị tổ hợp trinh sát dẫn bắn quang – điện tử (EOTS), cho phép phát hiện mục tiêu và dẫn dường cho vũ khí thông minh mà không cần tới radar, đây là công nghệ từng được giới thiệu trên loại máy bay F-35 của Mỹ. Về hỏa lực, khoang chứa vũ khí của máy bay J-20 lớn hơn máy bay F-22 hay F-35, có thể mang tới 6 tên lửa không đối không và bom dẫn đường chính xác LS-6. Với những ưu thế này nên máy bay tiêm kích tàng hình J-20 được đánh giá là “bước nhảy vọt” trong phát triển công nghệ của ngành hàng không Trung Quốc nói chung, trong việc làm chủ công nghệ chế tạo máy bay tàng hình nói riêng. Theo nhận định của các chuyên gia quân sự tại Viện châu Á Griffith (Úc), việc phát triển từ động cơ của Nga sang thành động cơ riêng của mình, cho thấy sự độc lập ngày càng tăng của Bắc Kinh trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, từ đây “Trung Quốc không những không cần sự giúp đỡ của Nga nữa, mà các máy bay do Trung Quốc chế tạo cũng có thể vượt trội so với Nga”. Mặt khác, các máy bay tiêm kích tàng hình J-20 do Trung Quốc sản xuất gần đây đã sử dụng động cơ đôi tốt hơn so với máy bay của Nga, nên “những chiếc máy bay này trở thành sự lựa chọn rất hợp lý” trong hoạt động tuần tra trên biển. Ngoài ra được biết, loại động cơ mới trên của Trung Quốc sẽ cung cấp cho máy bay J-20 khả năng bay với tốc độ âm thanh trong thời gian dài. Còn theo một đánh giá gần đây nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, máy bay tiêm kích tàng hình J-20 và FC-31 (loại tiêm kích thế hệ 5 đang được phát triển) là hai loại máy bay có tính cơ động linh hoạt cao, có khả năng tàng hình tốt trước hệ thống radar phòng không của đối phương, có khoang chứa vũ khí trong thân, hệ thống điện tử và cảm biến tiên tiến, sẽ gia tăng năng lực tác chiến không đối không cho Không quân Trung Quốc. Tướng không quân Mỹ Wilsbach nhận định, còn quá sớm để cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay tiêm kích tàng hình J-20 như một chiến đấu cơ đa nhiệm vụ như F-35, hay trong vai trò chiếm ưu thế trên không như F-22 của Mỹ, nhưng theo ông, các phi công Trung Quốc đã làm chủ khá tốt việc chỉ huy và kiểm soát của loại máy bay này và phía Mỹ cũng học hỏi được nhiều điều từ họ trong lần “chạm mặt” tại Biển Hoa Đông vừa qua.

Thứ hai, xét theo phương diện an ninh quân sự, Biển Hoa Đông và Biển Đông là những khu vực mà Trung Quốc đưa ra nhiều yêu sách chủ quyền, vùng biển phi lý. Đặc biệt, tại Biển Đông, nơi Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trái phép đến hơn 80% diện tích vùng biển này và họ còn ngang ngược xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên đó, biến chúng thành căn cứ quân sự. Trong bối cảnh đó thì việc Trung Quốc đưa máy bay tiêm kích tàng hình J-20 ra tuần tra ở Biển Đông là động thái mang tính “răn đe” mới đối với Mỹ và các bên có yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã không giấu diếm rằng, các cuộc tuần tra của máy bay tiêm kích tàng hình J-20 trên Biển Đông nhằm hướng trực tiếp đến cái gọi là “tự do hàng hải” của Mỹ ở Biển Đông. Đồng thời, Bắc Kinh gửi “thông điệp” cứng rắn về chủ quyền của họ đến các bên yêu sách khác. Và rằng, cho dù Mỹ có sử dụng bất kỳ loại máy bay quân sự nào thì máy bay tiêm kích tàng hình J-20 cũng kiên quyết trấn áp và cũng không quá khó để đối phó một cách hiệu quả; “Bất kỳ máy bay quân sự nước ngoài nào xâm nhập vùng trời mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều có thể bị các máy bay J-20 chặn lại”.

Hành động trên của Trung Quốc rõ ràng nằm trong ý đồ sẽ thúc đẩy khả năng leo thang hiện trạng “quân sự hóa Biển Đông lên mức cao hơn. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra vì: 1/ Xưa nay, Bắc Kinh thường tìm mọi cách giấu kín các hoạt động liên quan tới quân sự, song lần này họ lại tuyên bố công khai rằng, việc triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20 tuần tra trên hai vùng biển là nhằm mục đích “bảo vệ tốt hơn an ninh không phận và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc”. Thậm chí, giới chức cấp cao của Trung Quốc còn cho biết cụ thể trong một cuộc họp báo được tổ chức để thông báo về việc triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20 ra tuần tra ở Biển Đông và Biển Hoa Đông rằng, các hoạt động bay là để “tuần tra chiến đấu” tại Biển Hoa Đông và “tuần tra báo động” ở Biển Đông. Hơn thế, các chuyến “tuần tra chiến đấu” và “tuần tra báo động” của loại máy bay chiến đấu hiện đại và uy lực nhất của Trung Quốc ở hai vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra các đòi hỏi chủ quyền phi lý còn có thể trở thành các “hoạt động diễn tập theo thông lệ”. 2/ Trung Quốc không thông tin rõ ràng, cụ thể về nội dung triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20 tuần tra ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông, song giới quân sự đều biết, thông thường các chuyến bay tuần tra, luyện tập của máy bay chiến đấu thường nhằm thực hiện hai yêu cầu chính. Một là để các phi công bay qua các khu vực có thể xảy ra các hoạt động tác chiến trong tương lai nhằm làm quen với điều kiện môi trường khu vực hoạt động được chỉ định và các điểm điều hướng chính. Hai là, để các phi công được huấn luyện sát thực tế các mô hình đối tượng trên không và trên biển cũng như vị trí, hình ảnh radar và dấu hiệu điện tử của các mục tiêu tiềm năng hiện diện trong khu vực mà Trung Quốc nhắm tới. 3/ Trước khi triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20 ra “tuần tra chiến đấu” tại Biển Hoa Đông và “tuần tra báo động” ở Biển Đông, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng các cơ sở quân sự trên ba thực thể là Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. Trên ba thực thể này có nhà chứa máy bay chiến đấu, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác của Trung Quốc, cùng đường băng cho máy bay dài tới 3.000m, đủ khả năng cho các loại máy bay chiến đấu hạng nặng như J-20 cất, hạ cánh. Điều đó cho thấy, với việc xuất kích máy bay từ các căn cứ không quân trên đất liền ở miền Nam Trung Quốc, các chuyến tuần tra của máy bay tiêm kích tàng hình J-20 chỉ có thể bao phủ tới vùng trời thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cất cánh từ các sân bay trên các thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam như đã nói trên, thì phạm vi hoạt động của máy bay tiêm kích tàng hình J-20 sẽ được mở rộng, bao phủ toàn bộ vùng trời Biển Đông. 4/ Khác với hoạt động diễn tập, máy bay J20 có thể không mang theo vũ khí, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu, máy bay sẽ luôn mang theo vũ khí và phi công lái máy bay luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Vì thế, khi diễn ra những tình huống trên thực địa, khó tránh khỏi những phương cách, động tác xử lý không “chuyên nghiệp” dẫn đến những va chạm hoặc châm ngòi cho một vụ “khủng hoảng” xảy ra trên biển. Nếu các bên thiếu kiềm chế, không biết điều gì sẽ xảy ra.

Thứ ba, xét về phương diện tương quan lực lượng tại Biển Đông, qua sự kiện trên cho thấy cán cân sức mạnh quân sự trên Biển Đông đã, đang và vẫn tiếp tục nghiêng về phía Trung Quốc. Bởi vì hiện nay, các nước ven Biển Đông chưa một nước nào có vũ khí có thể đối trọng với dòng tiêm kích J-20 của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự nước ngoài nhận định, có thể Trung Quốc sẽ chỉ triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20 trong những trường hợp Bắc Kinh đánh giá là có yếu tố gây ra mối đe dọa cực lớn đối với họ vì việc triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20 ra hoạt động trên biển cũng không đơn giản và rất tốn kém. Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ lựa chọn sử dụng loại hình máy bay chiến đấu trên không khác thay vì mạo hiểm sử dụng phi đội tiêm kích tối tân nhất của mình.

Cuối cùng, xét ở phương diện tương lai, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục cho ra mắt các phiên bản cải tiến của dòng máy bay J-20 nội địa, bởi vì hiện nay chiến lược sản xuất vũ khí mang nhãn hiệu “Made in China 2025” vẫn đang là ưu tiên chính của Bắc Kinh. Rất có khả năng Trung Quốc sẽ còn “trình diễn” nhiều dòng tiêm kích tàng hình tối tân hơn để hướng đến việc tạo thêm sức mạnh “vượt trội” cho Bắc Kinh so với các bên khác có đòi hỏi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, tạo thêm những công cụ để Trung Quốc thực thi chiến lược răn đe, kiềm chế hành động của các bên. Ngay từ bây giờ đã có thông tin  tiết lộ rằng, Trung Quốc đang từng bước trang bị động cơ WS-15 mới nhất, vượt trội hơn so với động cơ WS-10C được trang bị trên máy bay tiêm kích chiến đấu tàng hình Thành Đô J-20 Mighty Dragon thế hệ thứ năm, dự kiến ra mắt vào năm 2024. Từ tất cả những vấn đề nêu trên, có thể khẳng định rằng, với việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất vào hoạt động ở Biển Đông, Bắc Kinh đã làm thay đổi hoàn toàn cán cân không chỉ của lực lượng không quân mà cả cán cân quân sự nói chung trong khu vực. Điều này khiến cho dư luận các nước xung quanh Biển Đông cũng như trong khu vực và giới chuyên gia nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới lo ngại sâu sắc đối với sự kiện trên, vì nó tạo thế và lực cho Trung Quốc hành xử ở Biển Đông mạnh bạo hơn, ngang ngược hơn, dễ tạo ra những nguy cơ làm cho mâu thuẫn, tranh chấp bùng phát và khiến cho những căng thẳng giữa Trung Quốc với các bên có liên quan về chủ quyền ở Biển Đông gia tăng, nhất là nguy cơ xung đột, va chạm trên không, trên biển. Hành động Trung Quốc đưa máy bay J20 ra tuần tra ở Biển Đông rõ ràng là trái ngược với những tuyên bố của Bắc Kinh rằng “Biển Đông vẫn đang hòa bình, ổn định” và hoàn toàn không có lợi cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Biển Đông và Đông Nam Á.

                                                                                        Thái Bình

RELATED ARTICLES

Tin mới