Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này, khiến Trung Quốc có thể sớm mất vị thế công xưởng của thế giới.
Trung Quốc đã là công xưởng của thế giới trong hơn bốn thập kỷ nhưng điều đó có thể sớm thay đổi, vì ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi đất nước, tờ Business Insider cho hay.
Chắc chắn là các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ không chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi đại lục. Nhưng sự kết hợp giữa rủi ro địa chính trị – chẳng hạn như căng thẳng với Mỹ – và chi phí gia tăng đang thúc đẩy họ tìm kiếm các giải pháp thay thế.
“Chúng tôi đã thấy rất nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực tìm cách thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài” – Shay Luo, giám đốc công ty tư vấn Kearney, nói.
Các quốc gia có thể sẽ là nước hưởng lợi chính từ sự thay đổi này bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Mexico, Ba Lan…
Ấn Độ và Bangladesh
Các quốc gia Nam Á như Ấn Độ và Bangladesh là những ứng cử viên hàng đầu cho các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển đến nhờ những vùng đất rộng lớn và dân số trẻ.
Trong khi Ấn Độ chủ yếu định vị mình là một giải pháp thay thế cho các nhà sản xuất quốc tế muốn đa dạng hóa sản phẩm khỏi Trung Quốc, thì nước này cũng đang cố gắng thu hút các công ty Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc đã vận hành các cơ sở sản xuất ở Ấn Độ bao gồm nhà sản xuất điện thoại thông minh Oppo, Vivo và nhà sản xuất ôtô SAIC.
Bangladesh – gã khổng lồ sản xuất hàng may mặc – đã thu hút được khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 770 triệu USD từ Trung Quốc – số tiền cao nhất trong số các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc thành lập cơ sở sản xuất ở Bangladesh đã hấp dẫn ngay cả trước khi đại dịch xảy ra và căng thẳng địa chính trị gia tăng do tiền lương ở Trung Quốc ngày càng tăng.
Sự khác biệt về chi phí là đáng kể – mức lương trung bình hàng tháng của một công nhân ở Bangladesh là khoảng 120 USD, chưa đến 1/5 so với 670 USD ở Quảng Châu, miền nam Trung Quốc.
Thái Lan
Là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, Thái Lan đã và đang nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất và là trung tâm sản xuất phụ tùng ôtô, xe cộ và thiết bị điện tử, với các công ty đa quốc gia như Sony và Sharp đang thiết lập cơ sở tại đây.
Và các công ty Trung Quốc cũng không ở quá xa.
Ví dụ, các công ty Trung Quốc đã chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Thái Lan. Các công ty sản xuất tấm pin mặt trời, chẳng hạn như JinkoSolar của Thượng Hải, đang chuyển sản xuất sang Thái Lan để tận dụng chi phí thấp hơn và tránh căng thẳng địa chính trị.
Các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Trung Quốc cũng đang tìm đường đến Thái Lan do áp lực từ những khách hàng nước ngoài đang cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Việt Nam
Khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm COVID-19, đã có rất nhiều công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất ở Việt Nam, theo Reuters.
“Yêu cầu từ các công ty Trung Quốc về đầu tư sản xuất tại Việt Nam đã tăng theo cấp số nhân trong quý IV năm ngoái” – Michael Chan, giám đốc cấp cao của BW Industrial Development, nói với Reuters.
Chẳng hạn, ngành công nghiệp tấm pin mặt trời của Việt Nam – có sự tham gia đông đảo của các công ty Trung Quốc – đang thu hút các nhà cung cấp phụ trợ như nhà sản xuất khuôn nhựa, nhà sản xuất khuôn đúc và nhà cung cấp lưu trữ năng lượng.
Các công ty Trung Quốc đã chuyển đến Việt Nam bao gồm Growatt – công ty lưu trữ năng lượng ở Thâm Quyến và Hangzhou First Applied Material – nhà sản xuất linh kiện tấm pin năng lượng mặt trời.
Mexico
Ở Châu Mỹ, Mexico đang trở thành địa điểm đắc địa cho các nhà sản xuất Trung Quốc di dời, đặc biệt vì Mỹ là thị trường tiêu thụ chính.
Ba Lan
Ở châu Âu, các quốc gia như Ba Lanmang đến cơ hội cho Trung Quốc thâm nhập vào lục địa này, đặc biệt đối với xe điện. Các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Trung Quốc cung cấp cho các nhà sản xuất ôtô châu Âu cũng đang tìm kiếm các địa điểm đặt nhà máy ở nước ngoài.
Minth – công ty phụ tùng ôtô ở thành phố Ninh Ba – đã động thổ xây dựng một nhà máy ở Ba Lan vào tháng 9.2022.
Nhà sản xuất xe điện BYD tại Thâm Quyến – được hỗ trợ bởi nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet – đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy ôtô điện đầu tiên ở châu Âu.
T.P